Vụ Rio Tino và "Cuộc chiến sắt thép"

- Vụ việc chính quyền Trung Quốc bắt giữ và xét xử 4 nhân viên Tập đoàn khai khoáng Anh-Australia Rio Tinto đã gây chú ý đặc biệt trong dư luận quốc tế và khiến quan hệ kinh tế giữa Australia và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Các nhà phân tích cho rằng bản chất của vụ việc này là một "cuộc chiến" sắt thép giữa các nhà sản xuất với những ông chủ vùng mỏ.

“Truyền thống” thị trường sắt thép bị phá vỡ Báo "Le Monde" (Pháp) số ra ngày 25/3 cho rằng phiên tòa kết thúc tại Thượng Hải hôm 24/3, liên quan đến việc bốn nhân viên của Rio Tinto bị buộc tội làm "gián điệp thương mại" và "hối lộ", thực chất chỉ là một phần của cuộc chiến kéo dài từ hơn một năm nay giữa các nhà sản xuất thép với ba tập đoàn khai thác quặng lớn nhất nhì thế giới là Vale của Brazil, liên doanh Anh-Austrailia BHP Billiton và tập đoàn Rio Tinto. Từ nhiều thập kỷ nay, thị trường sắt thép không có nhiều xáo trộn lớn. Hàng năm, cứ vào mùa thu, các nhà sản xuất và các công ty khai thác mỏ lại ngồi lại với nhau để thảo luận về giá áp dụng trong năm tới cho khoảng 1 tỷ tấn sắt thép trao đổi trên toàn thế giới. Giá cả ấn định theo năm như vậy giúp cho người bán có một cái nhìn tổng thể để có thể lên kế hoạch cho các khoản đầu tư, còn người mua cũng không bị bất ngờ trong việc xây dựng các chiến dịch khuyến mại. Nhưng từ vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc đã làm rối loạn truyền thống này. Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc sản xuất thép trong năm 2008-2009, ngay giữa thời điểm khủng hoảng, và thậm chí, còn nhập khẩu một số lượng lớn kim loại này. Các mỏ được khai thác hết công suất mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường khiến cho giá cả tăng không ngừng. Các công ty khai thác mỏ giờ đây không còn thích cái giá thỏa thuận trong hợp đồng là 60 USD/tấn cho cả năm nữa, bởi vì giá thực tế đã lên đến gần 140 USD/tấn trong khi Trung Quốc mua đến 70% nhu cầu sắt thép trong nước. Từ đó các nhà khai thác mỏ muốn nâng giá bán lên bằng giá thị trường hiện nay và, như than đá, họ muốn thay vì ấn định giá hàng năm thì sẽ ấn định giá theo quý. Cách làm ăn theo kiểu "nắm đằng chuôi" của các tập đoàn khai thác này khiến cả Trung Quốc và châu Âu không hài lòng. Theo Gordon Moffat, Giám đốc điều hành Hiệp hội Sắt thép châu Âu (Eurofer), trong khi nhu cầu sắt thép ở châu Âu giảm 35% năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, giá sắt bán ra giảm 40%, chẳng có gì biện minh cho việc Vale đòi tăng giá 80%. Đó là chưa kể trong 5 năm qua, các công ty thép châu Âu đã phải chịu giá tăng hàng năm từ 50-70%, do sự nổi lên của Trung Quốc và nhu cầu thế giới tăng, điều khiến các công ty khai thác mỏ thu về lãi ròng 50% mỗi năm. Các chuyên gia công nghiệp thép châu Âu hiện đang lo hai tập đoàn Rio Tinto và BHP Billiton sẽ liên kết với nhau trong kế hoạch khai thác mỏ ở Australia. Cùng với tập đoàn số một thế giới Vale, họ có thể tạo thành hai cực chi phối giá cả và thị trường sắt thế giới. Gordon Moffat cho biết Eurofer đang đình chỉ các cuộc đàm phán và cảnh báo Brúcxen về khả năng BHP-Rio liên kết lại với nhau và sự phối hợp với Vale để gây sức ép với khách hàng. Eurofer đã đề nghị Ủy ban châu Âu giúp đỡ họ để đối mặt với các tập đoàn khổng lồ, đang muốn lợi dụng "ưu thế" của mình, để ép châu Âu phải trả giá cao hơn 80% so với giá cũ. Bắc Kinh chọn con đường cực đoan Ngày 5/6/2009, tập đoàn Chinalco của Trung Quốc đã ngăn cản việc Rio Tinto nâng vốn đầu tư lên 19,5 tỷ USD. Ngày 30/6/2009, các cuộc đàm phán giá sắt thép giữa Trung Quốc và Hiệp hội các tập đoàn khai thác mỏ Australia đã không thành công. Ngày 5/7 năm ngoái, đại diện của Rio tại Thượng Hải Stern Hu và ba nhân viên khác bị bắt giữ và bị buộc tội ăn cắp "bí mật kinh doanh". Bắc Kinh phủ nhận lời buộc tội này có liên quan đến những thất bại của Trung Quốc trong lĩnh vực sắt thép. Nhưng giới phân tích kinh tế thế giới cho rằng đây chẳng qua là một phần trong cuộc chiến sắt thép và các bên đang chơi trò "mèo vờn chuột". Tòa án Trung Quốc đã chuyển đổi tội danh "trộm cắp bí mật quốc gia" - tội có thể dẫn đến án tử hình đối với Stern Hu - thành tội "gián điệp kinh tế" và "hối lộ" có mức án cao nhất là 20 năm tù giam. Sau đó, ngày 19/3, Rio và Chinalco đã ký một thỏa thuận góp vốn với tỷ lệ là 53% và 47% để cùng khai thác mỏ sắt Simandou tại Ghinê, có trữ lượng lớn nhất thế giới. Cả hai tập đoàn này có thể còn có một dự án khác ở Mông Cổ. Mới đây nhất, hôm 22/3 ở Bắc Kinh, Tổng Giám đốc điều hành của Rio Tinto, ông Tom Albanese, đã tham gia một diễn đàn kinh tế trong đó ông chủ trương "tăng cường hợp tác toàn cầu để xây dựng một tương lai đôi bên cùng có lợi". Ông cũng là một trong những doanh nhân nước ngoài được Thủ tướng Ôn Gia Bảo tiếp đón sau diễn đàn. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trò chơi "mèo vờn chuột" giữa các đấu thủ chính trên võ đài sắt thép thế giới vẫn chưa đến hồi kết. Minh Minh (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/2043/201003/Vu-Rio-Tino-va-Cuoc-chien-sat-thep-1746525/