Vụ Rồng đỏ và trà xanh C2 nhiễm chì: Nhà sản xuất không thể thoái thác trách nhiệm bồi thường

Ngày 7/9, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam xác nhận với phóng viên về việc Cty TNHH URC Việt Nam chấp nhận bồi thường cho người tiêu dùng vụ nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm chì. Quan điểm của hội là tiếp tục đề nghị cơ quan hữu trách làm rõ các lô sản phẩm của nhà sản xuất này được truyền thông đưa tin là nhiễm độc chì (các lô không nằm trong kết luận thanh tra).

Không thể thoái thác

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thông tin thì đến buổi làm việc thứ hai (chiều ngày 6/9) vừa qua giữa Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và đại diện URC Việt Nam đã có kết quả bước đầu. Theo đó phía nhà sản xuất nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ nhiễm độc chì đã chấp nhận bồi thương cho người tiêu dùng lỡ uống phải sản phẩm nhiễm độc.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Theo ông Hùng cho biết thì tại các buổi làm việc, Hội nêu quan điểm của Hội và có dẫn ra các văn bản pháp lý có liên quan như Luật bảo vệ Người tiêu dùng, Luật vệ sinh an toàn thực phẩm với những điều khoản cụ thể, nghĩa vụ và quyền lợi của người tiêu dùng.

Hội xác định đây là vụ việc hết sức phức tạp và ảnh hưởng đến quyền lợi của số đông người tiêu dùng nên rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Vì thế hội có mời đại diện của Cục kinh doanh Bộ Công thương, đại diện vụ Pháp chế của Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Y tế (tuy nhiên họ vắng mặt), đại diện văn phòng luật sư Sunlaw, văn phòng tư vấn khiếu nại của Trung ương Hội và Báo Người tiêu dùng.

“Họ đưa ra phương án là: Đối tượng xem xét bồi thường là người tiêu dùng đã sử dụng. Nhưng tôi yêu cầu phải bổ sung là: người đã mua và sử dụng (vì người mua sản phẩm dù không dùng thì vẫn là bị thiệt hại).Thứ hai là họ đề cập đến các chứng cứ. Tôi mới nói với họ là rất khó. Tiếp theo tôi có đề xuất là công ty dành ra một khoản tài chính để bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng về mặt tài sản (còn về sức khỏe thì phải giám định) Khoản tài chính này dựa trên dữ liệu về hai lô sản phẩm bị kết luận nhiễm chì phải thu hồi, số lượng sản phẩm đã thu hồi được và số lượng chưa thu hồi được (được hiểu là người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng), có kiểm chứng của cơ quan chức năng (cụ thể là Thanh tra Bộ Y tế). Giá bán sản phẩm của công ty. Ngoài ra Công ty cũng phải thông báo đầu mối giải quyết việc bồi thường”- ông Hùng nói.

Liên quan đến thắc mắc của người tiêu dùng, tại sao Thanh tra Bộ Y tế công bố 2 lô nước C2 và Rồng đỏ bị nhiễm chì nhưng lại không làm rõ vì sao nhiễm chì, do nguyên liệu hay quá trình sản xuất? Ông Hùng nói: “Vấn đề này Bộ Y tế cũng nên làm rõ”…

Dự kiến vào ngày 12/9 tới, phía URC có thể sẽ đưa ra phương án bồi thường cụ thể.

Căn cứ vững chắc để người tiêu dùng đòi quyền lợi

Có thể nói việc hàng triệu sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì được đưa ra thị trường trước khi bị phanh phui phát hiện là một sự cố về an toàn thực phẩm lớn nhất kể từ khi Việt Nam tham gia hội nhập đến nay.

Theo các chuyên gia về y tế, hóa học thì thì chì là kim loại nặng, nếu sử dụng với hàm lượng nhiều có thể gây ra nhiễm độc mãn tính hoặc cấp tính tùy vào mức độ dung nạp dung lượng chì của mỗi người. Nếu hàm lượng chì ở mức 0,05mg/l, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc do chì được thải ra ngoài theo đường nước tiểu, mồ hôi. Khi vượt ngưỡng nhiều lần, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn, nhất là đối với trẻ em, đặc biệt trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì rất khó thải loại, vào cơ thể chì sẽ theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh… gây bệnh cho trẻ. Nếu dùng nhiều và trong thời gian dài dễ gây nguy cơ ngộ độc, nhiều người không ngộ độc cấp tính luôn mà tích tụ thành bệnh theo thời gian.

Trước việc sức khỏe bị đe dọa, việc nhà sản xuất tìm cách lấp liếm sự cố, không có lời xin lỗi công khai đã khiến cho cộng đồng người tiêu dùng Việt thực sự nổi giận với nhà sản xuất này.

Các chuyên gia về pháp luật khi được hỏi có quan điểm cần phải làm rõ, đến cùng trách nhiệm của URC đối với việc bán sản phẩm nhiễm độc chì cho người tiêu dùng. Tại điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa của nhà sản xuất có khuyết tật gây ra. Điều này quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người tiêu dùng kể cả khi tổ chức cá nhân đó không biết, không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật.

Văn Tùng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/vu-rong-do-va-tra-xanh-c2-nhiem-chi-nha-san-xuat-khong-the-thoai-thac-trach-nhiem-boi-thuong-117481