Vụ thảm án ở Điện Biên: Khởi tố bị can liệu có cần thiết?

"Việc ra quyết định khởi tố bị can đối với một người đã chết là không phù hợp thực về mặt tiễn...", luật sư Vũ Quang Bá, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết.

Vào ngày 11/2, tại bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng với 3 nạn nhân trong cùng một gia đình. Sau khi vụ án xảy ra, qua quá trình điều tra nhanh, Công an tỉnh Điện Biên đã xác định được Sùng A Thò (SN 1986) là nghi phạm chính trong vụ án.

Công an tỉnh Điện Biên đã tiến hành ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Sùng A Thò về tội Giết người, mặc dù đối tượng này đã ăn lá ngón tự tử dẫn đến tử vong trước đó.

Đối tượng Sùng A Thò, nghi phạm trong vụ thảm án ở Điện Biên.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc công ty luật Nay&Mai, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: "Về vụ án này hiện nghi phạm đã chết nên khi cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì sau này có kết luận điều tra chỉ là 1 nghi phạm (đã chết) gây ra vụ án thì cơ quan công an sẽ ra quyết định đình chỉ khởi tố vụ án hay khởi tố bị can. Còn hiện tại phải đang chờ kết luận của cơ quan công an".

Tuy nhiên, luật sư Vũ Quang Bá, công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội lại cho rằng việc ra quyết định khởi tố bị can đối với một người đã chết là không phù hợp thực về mặt tiễn.

Luật sư Bá viện dẫn Điều 126. Khởi tố bị can của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003: "Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can".

"Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì việc cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Điện Biên nếu xét thấy có đủ căn cứ xác định Sùng A Thò là người đã thực hiện hành vi phạm tội thì hoàn toàn có thể tiến hành ra quyết định khởi tố bị can theo quy định tố tụng hình sự. Tuy nhiên, việc ra quyết định khởi tố bị can đối với một người đã chết là không phù hợp thực về mặt tiễn”, luật sư Bá cho hay.

Luật sư Vũ Quang Bá, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Theo quy định tố tụng hình sự khởi tố bị can trong vụ án hình sự có thể được hiểu là hoạt động áp dụng quy định pháp luật tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội để từ đó tiến hành các hoạt động điều tra (triệu tập bị can, lấy lời khai, hỏi cung…) hoặc áp dụng các biện pháp cưỡng chế (bắt, tạm giam…) theo trình tự, thủ tục của tố tụng hình sự.

Hiện trường vụ thảm sát.

Luật sư Vũ Quang Bá chỉ rõ: “Như vậy, việc khởi tố bị can đối với một người đã chết về mặt thực tiễn hoàn toàn không có ý nghĩa. Mục đích của việc khởi tố bị can để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các thủ tục về hoạt động điều tra hay cưỡng chế đối với bị can theo quy định luật tố tụng hình sự sẽ không đạt được.

Theo quy định luật tố tụng hình sự trong giai đoạn điều tra khi xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan điều tra phải thực hiện việc ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can.

Vậy việc cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với một người đã chết để rồi sau đó lại ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can đó là không cần thiết. Thiết nghĩ, Viện kiểm sát cần thưc hiện việc hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với Sùng A Thò mà cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố”.

“Trong vụ án này, khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra chỉ cần ra quyết định khởi tố vụ án hình sự từ đó tiến hành các hoạt động điều tra nhằm xác định người thực hiện hành vi phạm tội là ai, có đồng phạm hay không cũng như động cơ, mục đích, nguyên nhân của việc thực hiện tội phạm mà không thực hiện khởi tố bị can đối với nghi phạm vụ án đã chết”, luật sư Bá nhấn mạnh.

D.Nhung - X.Lĩnh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-vu-tham-an-o-dien-bien-khoi-to-bi-can-lieu-co-can-thiet-a315709.html