Vụ vỡ đập chứa bùn thải tại Nghệ An: Cá chết, lúa héo, người lo

Vụ vỡ đập chứa bùn thải của Xí nghiệp khai thác thiếc ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đang gây xôn xao dư luận. Hàng ngàn người dân sống trong vùng khai thác có nhiều loại mỏ của huyện Quỳ Hợp đang mong cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân.

Xí nghiệp khai thác thiếc Suối Bắc đang gia cố lại thân đập. Ảnh: V.Đồng

Tan hoang vì bùn thải

Ngày 13/3, chúng tôi có mặt tại điểm mỏ của Xí nghiệp khai thác thiếc Suối Bắc (thuộc Công ty TNHH MTV kim loại màu Nghệ Tĩnh) - nơi vừa xảy ra sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải quặng thiếc trên núi Lan Toong, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp. Ngay sau sự cố, các lò khai thác đã đóng cửa, xí nghiệp dừng mọi hoạt động để tập trung khắc phục sự cố nguy hiểm này.

Tại cửa lò chính trên lưng chừng núi Lan Toong, ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Xí nghiệp khai thác thiếc Suối Bắc, cho biết: “Thân đập bể chứa dài khoảng 12m bị vỡ đột ngột lúc 5h30 ngày 9/3 khiến nhiều lượng bùn thải ập xuống đầu nguồn suối Nậm Huống. Tình thế nguy nan buộc chúng tôi phải ngừng ngay sản xuất để hạn chế lượng bùn thải tiếp tục tràn xuống. Đồng thời, xí nghiệp cũng báo ngay với chính quyền xã, huyện để hỗ trợ hướng giải quyết”.

Nhìn xuống mé núi, anh Chiến chỉ cho chúng tôi thấy bể chứa bùn thải nơi xảy ra sự cố cách cửa lò chính khoảng 300m. Chúng tôi cẩn trọng men theo con dốc nhỏ cheo leo đất đá để xuống tận bể chứa bùn thải đang tan hoang. Ngay tại đầu dốc chúng tôi thấy có hai bể chứa bùn thải nhỏ, thân đập bằng đất, bên trong còn lại những váng nước màu vàng nằm sát đáy. Anh Chiến giải thích: “Khai thác mỏ này chúng tôi làm 3 bể chứa. Hai bể chứa ở trên cao, cách bể bị vỡ là bể thứ 3 khoảng 200m. Bùn quặng thải từ hai bể này được lắng lại rồi tiếp tục được chảy xuống bể thứ 3 là để lắng tiếp. Giờ bể thứ 3 là bể chính đã vỡ”.

Bể chính có ba mặt dựa vào thân núi bao quanh. Mặt còn lại là thân bể hướng thẳng xuống suối. Thân đập được “xây” bằng đất. Ông Chiến cho hay, dung tích của bể chứa bùn thải này khoảng 10.000m3, có khoảng 100m3 đã trôi xuống suối. Bể chứa bùn thải quặng thiếc của xí nghiệp đặc quánh bởi màu đen nhánh dưới nắng trời, bốc mùi nồng nặc rất khó chịu. Xung quanh đoạn đập bị vỡ ngổn ngang đất, đá. Ở phía dưới thân đập hai chiếc xe cẩu đang múc, ủi đất để hàn gắn lại đoạn đập bị vỡ tan hoang.

Cá chết, lúa héo

Anh Lô Văn Tứ tiếc nuối ao đã chết hết cá.

Từ chân núi Lan Toong, chúng tôi theo xuôi theo dòng Nậm Huống đến nhà các hộ dân ở ba xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang là các xã trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nhất về ô nhiễm bùn thải. Đây là những hộ dân dẫn trực tiếp nguồn nước từ suối Nậm Huống vào ruộng để trồng lúa và vào ao để nuôi cá. Lúc này dòng suối đục ngầu, có nhiều lớp bùn non úa vàng bám dày hai bên bờ suối.

Nhiều hộ dân ở xã Châu Quang cách hồ chứa bị vỡ 20 km kể lại rằng, ngày 9/3 thấy nước từ suối Nậm Huống chảy mạnh, theo mương dẫn vào ruộng và các ao cá. Dân chưa hiểu sự tình gì thì sáng hôm sau thấy cá trong các ao hồ chết phơi trắng bụng. Anh Lô Văn Tứ ở xóm Quang Hương, xã Châu Quang, than: “Hầu hết các hộ dân ở đây đều nuôi cá trắm, cá trôi và cá chép. Ngày 9/3, thấy nước suối dâng tôi liền mở cống dẫn cho nước chảy thẳng vào ao. Ai ngờ sáng hôm sau thì thấy cá nổi lờ đờ trên mặt nước rồi quẫy mạnh sau đó chết dần. Chỉ sau 1 ngày là cá chết dạt trắng ao”. Chị Lương Thị Như nhà cạnh nhà anh Tứ cũng chạy sang dẫn chúng tôi lại con mương nói: “Hiện tại nước vẫn còn đục ngầu. Nhiều ao cá của các hộ dân ở đây đều chung cảnh cá chết như thế. Khi biết cá chết, chúng tôi liền đóng cống ngăn không cho nước vào ao, ruộng. Cũng không biết nguyên nhân vì sao nhưng tôi nghĩ là do nguồn nước bị nhiễm độc mới xảy ra hiện tượng bất thường này”.

Chị Lương Thị Như lo lắng chỉ xuống mương nước đục ngầu.

Nhiều hộ dân ở đây rất băn khoăn khi chưa biết rõ nguyên nhân dẫn đến cá chết và trên ruộng thì lúa bỗng héo khô, vàng lá và chết dần. Anh Tứ lo lắng: “Giờ nguồn nước chính sử dụng cho sản xuất không dùng được thì lấy nước đâu mà tưới cho đồng ruộng. Nước trong ao thì cũng không dám thải ra bên ngoài”.

Chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Tuấn – Chủ tịch xã Châu Quang. Ông Tuấn cho biết: “Hiện tại xã ghi nhận được 19 hộ có cá chết với tổng trọng lượng 255 kg. Sau khi ghi nhận hậu quả tại các hộ dân, chúng tôi cũng nghĩ nhiều đến nguồn nước bị nhiễm độc bất thường nên khuyên người dân không dẫn nước từ suối vào ao cá và ra ngoài ruộng. Đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết, phải mang đi tiêu hủy. Ngoài ra, lãnh đạo xã cũng đề nghị Công ty TNHH MTV thủy lợi Tây Bắc ngăn nguồn nước lại để chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước từ các cơ quan chức năng”.

Nỗi lo những hồ chứa khác

Sau khi sự cố vỡ đập hồ chứa của Xí nghiệp khai thác thiếc Suối Bắc, Phòng cảnh sát môi trường (Công an Nghệ An), Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, chính quyền địa phương đã vào cuộc. Động thái đầu tiên là yêu cầu Xí nghiệp khai thác thiếc Suối Bắc dừng ngay việc sản xuất, hàn gắn ngay đoạn đập bị vỡ và tiến hành lấy mẫu phẩm để xét nghiệm. Tiếp sau đó, đoàn công tác của Bộ Công thương cũng trực tiếp có mặt hiện trường để kiểm tra, đánh giá mọi diễn biến của sự cố.

Cuối ngày 14/3, tại hiện trường, chúng tôi nêu một lo ngại là sau khi đập của hồ chứa quặng thải Xí nghiệp khai thác thiếc suối Bắc bị vỡ thì vùng mỏ rộng lớn tại huyện Quỳ Hợp có bao nhiêu điểm mỏ có hồ chứa chất thải tương tự nằm trong diện báo động. Ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An nói: “Sau khi một số điểm mỏ bị rút giấy phép do nhiều lí do khác nhau, hiện tại còn hơn 10 điểm khai thác mỏ kim loại màu có hồ chứa tương tự. Các chủ doanh nghiệp của những điểm mỏ này phải rút kinh nghiệm ngay để tránh sự cố xảy ra. Trước mắt, Xí nghiệp khai thác thiếc suối Bắc phải có kế hoạch tu sửa hồ, thân đập và bàn tính việc đền bù thiệt hại cho người dân để họ an tâm sản xuất”. Trong lúc đó, ông Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói cương quyết: “Hiện chúng tôi giao cho xã và huyện rà soát ngay trên địa bàn có bao nhiêu hồ chứa kiểu này. Tất cả các chủ mỏ phải dừng sản xuất để tu sửa đập và hồ chứa chất thải đúng quy định. Những trận mưa lớn sắp tới đang là một thách thức đối với hồ đập làm bằng đất. Nếu điểm mỏ nào không thực hiện thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép ngay”.

Bể chứa xây dựng không đúng thiết kế

Sau khi kiểm tra sự cố vỡ đập, ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) khẳng định, việc xây đập chứa bùn thải nơi xảy ra sự cố là không đúng thiết kế. Đồng thời, yêu cầu phía Công ty cần có hành lang thoát lũ được gia cố bằng đá hộc, vữa xi măng chứ không chỉ gia cố bằng đất như hiện tại. Vì đây có thể là nguyên nhân sơ bộ dẫn đến sự cố vỡ đập chứa bùn thải. Công ty phải sớm có phương án xây dựng đập lâu dài, an toàn cho bãi thải, để bảo vệ môi trường và sự sống của người dân trong vùng.

Vũ Đồng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-vo-dap-chua-bun-thai-tai-nghe-an-ca-chet-lua-heo-nguoi-lo-20170316091031024.htm