Vừa đến Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ đã vội vã tới thăm khu phi quân sự

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm nay (17/3) đã có mặt tại khu vực biên giới nguy hiểm và được trang bị vũ khí dày đặc nhất thế giới, để thăm các binh lính Mỹ đang làm nhiệm vụ gần khu vực “vùng đệm căng thẳng” giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

AP đưa tin, tân Ngoại trưởng đã đáp xuống trại Bonifas từ trực thăng, đây là căn cứ quân sự của Hoa Kỳ cách khu vực phi quân sự (DMZ) được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1953 khoảng 400 m. Ông Tillerson cũng di chuyển tới làng đình chiến Panmunjom bên trong khu DMZ, nơi thỏa thuận ngừng chiến của cuộc chiến Liên Triều được ký kết.

Ngoại trưởng Tillerson là quan chức cấp cao mới nhất của Mỹ có mặt ở khu vực biên giới này. Và điều này càng có ý nghĩa hơn khi đây là chuyến thăm đầu tiên của quan chức ngoại giao trong chính quyền Tổng thống Trump tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, ba quốc gia chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Hàn Quốc ngày hôm nay (17/3) trong chuyến thăm hai ngày. Nguồn: AP

Phát biểu tại Tokyo, ông Tillerson cam kết phát triển một chiến lược cứng rắn hơn để đối đầu với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Tuy nhiên, ông chưa đưa ra bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch được gọi là “cách tiếp cận khác” với Bình Nhưỡng mà Washington sẽ theo đuổi. Ngoại trưởng Mỹ chỉ ra rằng 20 năm “nỗ lực ngoại giao và các nỗ lực khác” đã thất bại khi không thể thuyết phục được chính phủ Triều Tiên ngừng phát triển chương trình hạt nhân mà ông gọi là “mối đe dọa không ngừng leo thang”.

Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc mọi lựa chọn, bao gồm cả giải pháp quân sự nhằm dừng chương trình vũ khí của Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng có thể phát triển được một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn nhằm thẳng vào lãnh thổ trên đất liền của Mỹ. Và trọng tâm trong những biện pháp của Washington chính là Bắc Kinh và vai trò của nước này trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi ý định. Trung Quốc vẫn đóng vai trò là một trong những đồng minh thân cận và quyền lực nhất của Triều Tiên.

Trong khi Mỹ và các đồng minh ở Seoul và Tokyo đề nghị Bắc Kinh gây áp lực kinh tế lên Bình Nhưỡng thì Trung Quốc lại nhấn mạnh mong muốn của họ là tái khởi động lại các vòng đàm phán ngoại giao, một biện pháp mà Washington cho là không hiệu quả trong các điều kiện hiện tại.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng bất đồng ý kiến trong việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD tới Hàn Quốc. Nhà Trắng cho biết đây là hệ thống nhằm tập trung vào các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng song Bắc Kinh lại coi đây là mối đe dọa tới an ninh quốc gia của nước này.

Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã miêu tả nỗ lực của ông Tillerson trong chuyến thăm đầu tiên này là “chuyến đi để lắng nghe”, với mục đích tham khảo ý kiến của các quốc gia liên quan nhằm tìm kiếm một chính sách lâu dài, vững chắc đối phó với Triều Tiên, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác châu Á.

Tuần trước, Triều Tiên đã phóng một lúc bốn quả tên lửa về phía vùng biển Nhật Bản nhằm phản đối các cuộc tập trận quân sự thường niên mà Hoa Kỳ tiến hành cùng với Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cho rằng các cuộc tập trận này là nhằm chuẩn bị xâm lược Triều Tiên.

Tại Bắc Kinh, một quan chức ngoại giao Triều Tiên hôm qua (16/3) cho rằng Bình Nhưỡng cần phải tự phòng vệ trước các cuộc tập trận này. Theo quan chức này, hoạt động của Mỹ và Hàn Quốc là tập dượt sử dụng vũ khí nguyên tử để tấn công Bình Nhưỡng.

Triều Tiên ngày càng gia tăng quá trình phát triển vũ khí của mình, vi phạm nhiều nghị quyết Liên Hiệp Quốc và dường như không hề bị ảnh hưởng trước những lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử bom hạt nhân và 24 vụ phóng tên lửa đạn đạo trong năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng quốc gia cô lập này sẽ có khả năng tạo ra tên lửa bắn thẳng tới Mỹ trong một vài năm tới.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ứng viên Donald Trump không ít lần đặt câu hỏi về các đồng minh quân sự của Mỹ và kêu gọi Tokyo cũng như Seoul đóng góp nhiều hơn cho an ninh và quốc phòng của họ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson lại nhấn mạnh sự hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc là rất quan trọng. Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tillerson trên cương vị mới này cũng nhằm để củng cố thêm mối quan hệ đồng minh chiến lược với Hàn Quốc và tìm cách để Seoul và Tokyo bắt tay nhau vì một mục đích chung là đối phó với Bình Nhưỡng.

Khu vực DMZ luôn được canh gác cẩn mật từ hai phía với các bẫy mìn, hàng rào dây thép gai, các bẫy xe tăng và hàng trăm nghìn binh lính sẵn sàng chiến đấu. Hơn một triệu quả mìn có khả năng vẫn chôn sâu bên trong khu vực DMZ. Các vụ nổ mìn năm 2015 mà Seoul đổ lỗi cho Bình Nhưỡng đã khiến hai binh lính nước này trọng thương cũng như dẫn đến những căng thẳng gia tăng giữa hai nước.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vua-den-han-quoc-ngoai-truong-my-da-voi-va-toi-tham-khu-phi-quan-su-post223293.info