“Vua dừa” xứ cù lao

Khó tìm ra người có lòng đam mê cây dừa bằng lão nông Đỗ Thành Thưởng ở xứ Cồn Ốc, Bến Tre. Sau hơn 2 thập niên miệt mài sưu tập, ông sở hữu một “rừng dừa” với số lượng giống xếp vào dạng “hàng độc” với hơn 20 loại, trong đó có nhiều loại quý hiếm, chất lượng cao và cả dừa ngoại nhập. Giờ đây, khi Cồn Ốc trở thành cù lao du lịch sinh thái, cũng là dịp ý tưởng “rừng dừa du lịch” theo cách riêng của ông trở thành hiện thực…

Kho giống dừa Việt Nam Đặt chân đến Cồn Ốc nằm giữa sông Hàm Luông (thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), hỏi ông Đỗ Thành Thưởng (Tám Thưởng) có biệt tài trồng dừa, ai cũng biết và tận tình chỉ giúp. Chúng tôi đến đúng lúc ông Tám Thưởng đang loay hoay đánh số thứ tự, ghi ngày tháng trổ bông, đậu trái mấy bờ dừa dứa - loại đặc sản ở xứ dừa Bến Tre, số nhà nông trồng loại dừa đặc sản này đếm trên đầu ngón tay. Tiếp chuyện chúng tôi dưới những tán dừa dứa xanh mướt, lão nông Tám Thưởng phấn khởi: “Dừa này đang cho giá trị kinh tế cao nhất. Đặc trưng của dừa dứa có vị nước thơm lá dứa, mát lạnh, ngọt lịm và thanh, cơm dày. Cây dừa dứa trông bề ngoài chẳng khác gì dừa ta bình thường nhưng lá và rễ luôn có mùi thơm lá dứa…”. Dẫn chúng tôi tham quan vườn dừa rộng 2,5 ha, ông Tám Thưởng cho biết: “Trong bộ sưu tập hơn 20 giống dừa, tôi chia thành 2 nhóm. Nhóm lấy dầu có dừa ta xanh, dừa ta đỏ, dừa ta vàng, dừa dung, dừa dâu xanh; dừa lai BP 121, JVA 1, JVA 2. Nhóm lấy nước giải khát là dừa xiêm xanh, xiêm đỏ, tam quan, dừa sọc, dừa núm xanh, núm đỏ, ẻo xanh, dừa dứa…”. Ông Tám Thưởng mê dừa đến độ không quản ngại đường sá xa xôi, khăn gói qua Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang… hay vô tận Hà Tiên tìm bằng được những giống dừa đặc trưng, mới lạ đem về trồng trong vườn nhà. Nhiều chủ vườn cảm phục trước việc làm của ông nên tặng ông các quả dừa tốt về làm giống. Khai thác du lịch Nghe tiếng ông, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu Việt Nam tìm đến Cồn Ốc tặng ông giống dừa lai BP121. Đây là giống lai giữa dừa lùn Malaysia và dừa cao Tây Phi cho trái rất nhiều, khoảng 150 trái/cây/năm, lượng dầu trong dừa cũng nhiều. Đặc biệt, 60 cây dừa dứa cũng do Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu Việt Nam “gởi” ông trồng thử nghiệm nay hơn 5 năm và đang đạt hiệu quả rất tốt. Hiện dừa dứa luôn được thương lái săn lùng tận vườn mua với giá 15.000 - 18.000 đồng/trái, cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn cao cấp ở TPHCM; đặc biệt gần đây loại dừa này còn xuất khẩu sang một số nước châu Á, châu Âu. Vườn dừa nhà ông Tám Thưởng nhiều năm qua trở thành địa chỉ quen thuộc của sinh viên ngành nông nghiệp, nông dân nhiều tỉnh thành trong cả nước đến nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Ông cũng không nhớ bao nhiêu lần “thân chinh” đến các địa phương khác nói chuyện về kinh nghiệm trồng dừa. Hiện lão nông Tám Thưởng đã lắp đặt máy tính có kết nối internet tốc độ cao để liên tục cập nhật thông tin về tình hình thị trường, công nghệ chế biến sản phẩm từ dừa… Táo bạo hơn, ông vừa nhập một hệ thống máy ép dầu dừa để phục vụ cho công trình thử nghiệm chế biến mỹ phẩm và dược phẩm. Đặc biệt, gần đây, dù ở tuổi thất tuần nhưng lão nông Tám Thưởng quyết tâm biến ý tưởng “rừng dừa du lịch” của mình thành hiện thực. Hàng ngày, nhất là vào dịp cuối tuần, lễ tết, khách du lịch đến Cồn Ốc không quên tìm đến vườn dừa độc đáo của ông để dạo chơi trong không khí trong lành, mát mẻ. Đi trong vườn dừa lộng gió, ông Tám Thưởng cởi mở giới thiệu với khách đặc tính từng loại dừa, đồng thời tự tay mình hái, chặt dừa cho khách uống những dòng nước mát lạnh, ngọt lịm, thơm lừng… Và “không đụng hàng”, ở “khu du lịch” của ông Tám Thưởng chỉ phục vụ đặc sản duy nhất là… dừa! Chia tay chúng tôi, ông Tám Thưởng tiết lộ tâm nguyện của mình: “Bến Tre là xứ dừa, dừa có nhiều loại, nhiều tên gọi chứ không đơn thuần chỉ là dừa. Tôi muốn giới thiệu một cách thực tế cho nhiều người hiểu rõ hơn về cây dừa. Đồng thời khẳng định vai trò, thế mạnh của dừa đối với sự phát triển của quê hương Đồng Khởi...” Với những đóng góp lớn cho sự phát triển của cây dừa, ông Đỗ Thành Thưởng là nông dân đầu tiên của Việt Nam 2 lần được vinh danh nhận giải thưởng quốc tế. Năm 1999, ông được nhận bằng khen “Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam” do Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương trao tặng. Năm 2004, ông nhận giải “Tree of Life” (Cây của cuộc sống) do Viện Tài nguyên giống cây trồng quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương trao tặng. Ngoài ra, ông còn nhận được rất nhiều bằng khen, giải thưởng do hội nông dân các cấp, ngành nông nghiệp Bến Tre tặng. Hiện ông là thành viên Hiệp hội Dừa Bến Tre. BÌNH ĐẠI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thongtincanuoc/2010/9/236141/