Vừa tăng hơn 20.000 đồng/kg giá thị lợn lại quay đầu giảm hơn 10.000 đồng/kg

Nếu cách đây chừng 2 tuần người chăn nuôi lợn đang phấn phởi vì giá tăng hơn 20.000 đồng/kg. Thì ngay lập tức từ đầu tuần này, giá thịt lợn bất ngờ quay đầu giảm hơn 10.000 đồng/kg.

Giữa tháng 7, giá thịt lợn bất ngờ tăng từ 20.000 đồng/kg lên mức hơn 45.000 đồng/kg và đây mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, trong khi nhiều người chăn nuôi vẫn chưa kịp vui mừng với tin giá thịt lợn sẽ tăng trở lại và giải quyết được những khó khăn thì thời điểm này giá thịt lợn lại bất ngờ giảm xuống hơn 10.000 đồng/kg dao động quanh mức 32.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Xuân Lương, chủ nhiệm một HTX chăn nuôi tại Ứng Hòa- Hà Nội thì giá thịt lợn tăng liên tục vào thời điểm giữa tháng 7 vừa qua là do người chăn nuôi không chịu bán ra chợ mà cố đợi bên Trung Quốc thu mua. Đến khi bên Trung Quốc mua heo trở lại thì lại bán dồn dập. Vậy nên, ngay lập tức nguồn cung nhiều thì giá rẻ và chững lại quanh mức hơn 30.000 đồng/kg.

“Nhiều người chăn nuôi có chung tâm lý không vội bán khi thấy giá tăng lên 40.000 đồng/kg vì cố chờ giá đang đà tăng vẫn hi vọng sẽ tăng lên cao, cao nữa. Thế nhưng, đến khi tăng lên 45.000 đồng/kg bất ngờ các cơ sở chăn nuôi số lượng lớn bán ồ ạt. Điều này dẫn đến nguồn cung thừa và giá heo lại giảm. Vậy nên, với người chăn nuôi, không nên có tâm lý “găm hàng”. Dù sao cũng đã lỗ rồi, đến khi thấy được giá thì nên bán bớt”, ông Lương cho biết.

Vừa tăng hơn 20.000 đồng/kg giá thị lợn lại quay đầu giảm hơn 10.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, chủ một trang trại nuôi lợn tại Đan Phượng (Hà Nội), giá lợn hơi đang ở mức 35.000 đồng/kg. Với mức giá này, tính may ra người chăn nuôi đang hòa vốn để duy trì. Còn nếu giá tiếp tục xuống nữa thì người chăn nuôi coi như lại lỗ. Vậy nên, ông Hùng đang mong từng ngày một giá lợn sẽ tăng trở lại.

Ông Đăng Huy Nam, chủ trang trại chăn nuôi ở Hà Nam cũng cho biết, với giá lợn lên xuống thất thường như hiện nay, người chăn nuôi đang rất hoang mang, lo lắng không biết có nên hay không nên tái đàn, đầu tư nuôi tiếp hay dừng lại.

“Tôi cảm thấy giá lợn như chứng khoán vậy, nay tăng mai giảm không biết đâu mà lần. Mong rằng, các cơ quan quản lý nhà nước có được biện pháp giải quyết vấn đề về giá cho người chăn nuôi để chúng tôi bớt lo lắng", ông Nam nói.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ (TS) Nguyễn Minh Phong cho rằng, khi người nông dân thấy giá thịt lợn lên nếu không có những nhắc nhở, cảnh báo, dự báo và đặc biệt người nông dân tiếp tục tự phát, bột phát chăn nuôi không có dự tính, định mức thì nguy cơ tái đàn cũng có thể trở lại và nó sẽ tạo ra một sự chênh lệch giữa “cung - cầu”. Khi đó, thịt lợn lại tiếp tục rơi vào bức tranh mất cân bằng và đi xuống.

Vậy nên, trong việc bình ổn giá và giúp người chăn nuôi định hướng thì vai trò của Nhà nước và cơ quan chức năng rất quan trọng. Nhà nước cần thương lượng để có được những hợp đồng xuất khẩu chính ngạch để bình ổn giá, tăng nguồn cầu.

Cùng với đó, việc quản lý đảm bảo chất lượng thịt lợn cũng như đáp ứng được nhu cầu cân bằng xuất khẩu, tiêu chuẩn của người dân về chất lượng là rất cần thiết. Bởi hiện nay, có một nghịch lý là thịt lợn thì nhiều nhưng người dân vẫn ít mua vì nó gắn liền với chất lượng thực phẩm. Người dân có nhu cầu sử dụng, thậm chí nhu cầu rất cao về sử dụng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, nghịch lý thịt lợn đang ế, đang thừa lại không phải là thịt lợn người dân mong muốn. Thế nên cũng cần lấy chất lượng đặt lên hàng đầu để giải bài toán này sao cho hợp lý.

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/vua-tang-hon-20000-dongkg-gia-thi-lon-lai-quay-dau-giam-hon-10000-dongkg-d126153.html