Vui buồn nghề trồng mai Tết

Dù đã bước vào những ngày cuối cùng của tháng 11 âm lịch, nhưng tại TP.HCM, những cơn mưa vẫn đều đặn trút xuống mỗi ngày. Những diễn biến bất thường của thời tiết năm nay luôn là nỗi lo lớn nhất của những người làm nông nghiệp, trong đó có cả những người trồng mai cảnh, khi mà công sức cả năm chỉ trông vào vụ Tết. Chính vì vậy, khi những bông mai bật nở khoe sắc vàng, nhiều người trồng mai đã lo đến mất ăn, mất ngủ.

Ông Nguyễn Văn Huệ là một trong số ít người còn gắn bó với nghề trồng mai kiểng. Ảnh: N.Hiền.

Dẫn tôi đi tham quan vườn mai, ông Nguyễn Văn Huệ, chủ vườn mai Hai Còn (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) chia sẻ, ngót nghét 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc mai kiểng, gia đình ông đã trải qua không ít thăng trầm, nhiều thời điểm phải vay ngân hàng để đầu tư cho vườn mai. Hiện tại, vườn mai nhà ông Huệ có khoảng gần 1.000 gốc, trong đó toàn bộ đều là mai ghép, nên có giá khá cao so với các giống mai khác. Cụ thể, giá bán mỗi cây mai dao động từ 3 triệu đồng tới trên 50 triệu đồng/cây tùy thuộc vào các thế của cây. Tuy nhiên, ông Huệ cho biết, những năm gần đây khách hàng chủ yếu chọn hình thức thuê mai. Sau khi chưng Tết, nhà vườn nhận lại mai chăm sóc, đến năm sau nếu không ưng cây mai cũ, khách có thể thoải mái lựa chọn những cây khác phù hợp với nhu cầu. Trong khi với hình thức mua mai trước kia, sau Tết khách cũng phải thuê nhà vườn chăm sóc, nhưng sẽ có rủi ro về việc cây mai năm sau không đẹp hoặc nở sớm, nở muộn so với thời điểm Tết. Giá thuê mai cũng thấp hơn nhiều, chỉ bằng khoảng 35 – 40% so với giá mua.

Chia sẻ về nghề, ông Huệ cho biết, so với hơn chục năm về trước, thu nhập từ trồng mai ngày càng giảm. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu khoảng trên dưới 2 tỷ đồng từ cây mai. Nhưng chi phí bỏ ra cũng không phải là nhỏ. Hiện tại, tiền thuê thợ tạo dáng cho cây mai lên tới 350.000 đồng/ngày, còn thợ thông thường như nhặt lá, chăm sóc… cũng ở mức 200.000 – 250.000 đồng/ngày. Đó là chưa kể tới chi phí phân, thuốc, nước tưới, tiền thuê đất và công lao động của cả gia đình ông để chăm sóc cho vườn mai. Ngoài ra, mỗi năm ông Huệ cũng phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tái đầu tư, bao gồm mua mai nguyên liệu, chậu trồng… Năm nay, mặc dù thời tiết thất thường, nhưng theo lời ông Huệ vườn mai của ông vẫn may mắn trúng mùa. Hiện cả mườn mai vẫn xum xuê, tươi tốt. Dự kiến khoảng ngày 15 tháng Chạp, ông sẽ cho người vặt lá để kích cây mai ra hoa đúng vào dịp Tết. Ông Huệ cũng vui vẻ chia sẻ, năm nay, ông vừa được trao tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.

Tuy nhiên, ở mảnh đất Thủ Đức này, nơi một thời được mệnh danh là thủ phủ của cây mai, những vườn mai lớn như của gia đình ông Huệ chỉ còn lại trên đầu ngón tay. Sự thất thường của thời tiết cùng với các chi phí tăng cao và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến cho các vườn mai ở Thủ Đức ngày càng thưa thớt. Nhiều gia đình chuyển sang trồng các loại cây cảnh khác hoặc bán đất, chuyển sang kinh doanh, buôn bán… Năm nay, vườn mai của ông Năm Đông (Linh Đông, quận Thủ Đức)- người cũng đã có ngót nghét 30 năm trồng mai- cũng chỉ còn lại hơn trăm gốc. Ông Năm Đông cho biết, phần lớn diện tích vườn mai nhà ông thường xuyên bị ngập do triều cường nên ông phải bán bớt mai để đổ đất nâng nền lên cao. Năm sau nếu thời tiết tốt, tình hình thị trường thuận lợi, ông mới tính tiếp chuyện có mở rộng trồng mai trở lại hay không.

Mai nở sớm phụ công người trồng. Ảnh: N.Hiền

Trước đây, hầu hết nhà vườn ở Thủ Đức đều trồng mai dưới đất, sau đó tới Tết mới đánh vào chậu để mang đi bán. Nhưng những năm gần đây, do tình trạng triều cường gây ngập úng liên tục, các nhà vườn đều phải cho mai vào chậu, sau đó kê lên cao để tránh ngập. Nhiều chủ vườn mai nói vui rằng đây là cách cho mai “chạy lụt”. Cũng vì cách "chạy lụt" này nên chi phí đầu tư hàng năm tăng lên khá nhiều do giá mỗi chiếc chậu thường dao động từ vài trăm cho tới vài triệu đồng tùy theo kích thước và chất liệu.

Anh Đỗ Xuân Hiếu, chủ vườn mai Hiếu (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) cho biết, ngoài vấn đề thời tiết, kinh nghiệm và kỹ thuật của người chăm sóc cũng là yếu tố rất quan trọng quyết định cho việc cây mai ra hoa đúng thời điểm. Ví dụ như lượng phân bón chỉ cần thừa một chút hay thiếu một chút cũng ảnh hướng đến quá trình nở của mai. Anh Hiếu chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, nếu lượng đạm trong gốc mai còn nhiều, cây mai đó chắc chắn sẽ trổ bông ngay. Tuy nhiên, để tính được lượng đạm bao nhiêu là đủ cũng không hề đơn giản, bởi nó còn phụ thuộc vào lượng mưa, độ rửa trôi của đất… Do đó, nếu thời tiết thất thường, chỉ cần nhà vườn sơ sẩy một chút, tính toán không đúng thì công sức rất dễ bị đổ sông, đổ biển.

Cách đây khoảng hơn 1 tháng, trận ngập lớn do triều cường dâng cao gây vỡ bờ bao đã gây thiệt hại nặng cho các hộ trồng mai ở TP.HCM. Trận ngập này đã khiến nhiều cây mai úa vàng, rụng lá và nở sớm. Tại vườn mai Thanh Xuân (phường Hiệp Bình Phước) ước tính có khoảng trên 20% số mai đã trổ bông. Chủ vườn mai này cho biết, toàn bộ số mai trong vườn đều là mai ghép lâu năm, trong đó không ít gốc mai lên tới hàng trăm tuổi, có giá bán lên từ 100 – 200 triệu đồng. Do đó, chỉ cần vài gốc không đạt, nở sớm cũng gây thiệt hại rất lớn cho nhà vườn. Gần đó, nhiều vườn mai khác cũng đang trong tình trạng “trăm hoa đua nở” khiến người trồng mai đứng ngồi không yên.

Dạo quanh khu vực phường Hiệp Bình Phước, nhiều mảnh đất cũng đang được phân lô, rao bán. Nhiều căn nhà cao tầng mọc lên, thay cho những vườn mai trước kia. Nhiều hộ dân ở đây cho biết, khu đô thị Vạn Phúc đang được xây dựng cách đó không xa với quy mô lên tới 200 ha và thiết kế hiện đại. Thời gian tới, khu vực này sẽ được hưởng “ké” hạ tầng của khu đô thị đó. Vì vậy, các hộ dân nơi đây cũng muốn nhanh chân “đón gió”, chờ giá đất lên. Với đà này, những vườn mai cảnh tại đây sẽ ngày càng mai một, thư thớt. Nhiều người dự đoán, chỉ khoảng vài ba năm tới, nghề trồng mai cảnh ở Hiệp Bình Phước - TP.HCM sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vui-buon-nghe-trong-mai-tet.aspx