Vui, buồn vì tỷ giá

Trước kỳ nghỉ Tết dài ngày, chiều ngày 10-2-2010, Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ điều chỉnh tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng thêm 603 đồng/đô la Mỹ khiến giới doanh nhân có người vui, kẻ buồn ngay trong những ngày đầu năm mới.

Ông Võ Quang Uyên, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Quang Tâm (chuyên nhập khẩu các mặt hàng sành, sứ và hóa chất), than: “Chúng tôi đã ký hợp đồng bán hàng cho các siêu thị, vì vậy không thể không nhập hàng về...; nhưng bây giờ giá đô la Mỹ tăng lên 500-600 đồng như thế nên phải chịu thiệt. Thiệt hại này ngoài sự kiểm soát của chúng tôi!”. Quang Tâm là một doanh nghiệp nhỏ, giá trị hàng nhập khẩu hàng tháng không lớn, dưới 100.000 đô la Mỹ mỗi tháng, nhưng theo ông Uyên, do đồng Việt Nam mất giá so với đô la Mỹ nên Quang Tâm “mất” hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Còn với một doanh nghiệp nhập khẩu hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi lớn - trên 10.000 tấn mỗi tháng - như Công ty H.Q thì “thiệt hại” từ sự điều chỉnh tỷ giá có thể lên trên nửa tỉ đồng mỗi tháng. Theo một cán bộ Phòng kinh doanh của Công ty H.Q, công ty này đang tìm “lời giải” cho bài toán tỷ giá thay đổi đột ngột. “Chúng tôi đang đánh giá lại tình hình thị trường trong nước để xem xét đến khả năng tăng giá hàng bán ra”, vị này nói. Trên thực tế đã có không ít doanh nghiệp nhập khẩu đã tăng giá bán hàng ngay sau khi có sự điều chỉnh tỷ giá chính thức. Tổng công ty thép đã tăng giá bán thép cuộn, thép cây dù thị trường thép đang mùa thấp điểm; các công ty xăng dầu đã tăng giá bán khoảng 600 đồng/lít... Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tăng giá hàng nhập khẩu ngay tức thì. Vì theo ông Đặng Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Minh, với các mặt hàng nông cụ do công ty Hồng Minh nhập khẩu, nếu nâng giá sẽ giảm sức cạnh tranh và khó bán. “Trước mắt, chúng tôi chấp nhận mất lợi nhuận nhưng về lâu dài những thiệt hại từ việc điều chỉnh tỷ giá trong nhập khẩu hàng hóa sẽ đè lên vai người tiêu dùng”, ông Lộc nói. Theo các chuyên gia kinh tế, đầu năm mới nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã gặp phải hai cú sốc: (i) Đầu năm 2010 ưu đãi về việc giảm 50% thuế VAT một số mặt hàng nhập khẩu (khi Chính phủ kích thích nền kinh tế) hết hiệu lực; (ii) Đầu năm Canh Dần gặp phải quyết định giảm giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ. Hai sức ép này chắc chắn, không sớm thì muộn, sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu tăng giá. Vị trí đặt quảng cáoVui chưa trọn Cũng là doanh nghiệp nhập khẩu nhưng Công ty Á Châu không bị ảnh hưởng vì sự điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ, thậm chí còn được lợi nhờ đồng Việt Nam tăng giá chút ít so với đồng euro. Theo ông Phạm Minh Đông, Giám đốc Công ty Á Châu, may mắn là công ty ký hợp đồng mua các lô hàng nguyên liệu về sản xuất cửa gỗ bằng euro thay cho đô la Mỹ như trước đây nên “thoát nạn”. Còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì niềm vui đô la Mỹ tăng giá đến cũng thật bất ngờ. Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), cho rằng quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là bất ngờ nhưng rất có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. “Mỗi đô la Mỹ tăng thêm 500-600 đồng rất có ý nghĩa với các doanh nghiệp xuất khẩu ngành thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu ngành nông sản Việt Nam nói chung”, ông Hải nói. Theo ông Hải, thông thường các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản được thanh toán bằng đô la Mỹ (90%) - chủ yếu là thị trường Mỹ và Nhật. Bộ Công Thương dự đoán năm 2010 ngành thủy sản xuất khẩu khoảng 4,7 tỉ đô la Mỹ, nếu nhân với 500-600 đồng chênh lệch tỷ giá thì số tiền các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhận được không hề nhỏ. “Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được hưởng lợi thì chắc chắn người dân nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng được hưởng lợi - giá thu mua sẽ tăng”, ông Hải nhận định. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hiến, Giám đốc Cổng ty Hải Hiến (một công ty lớn trong ngành thủy sản ở Bình Thuận), thì thông tin về việc Chính phủ điều chỉnh giá đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ đã được các đối tác mua hàng của Hải Hiến đề nghị mặc cả lại về giá cả. “Nhưng không phải đối tác nào cũng có thái độ như vậy”, ông Hiến nói. Còn theo ông Trần Thiện Hải: “Đối với các nhà nhập khẩu thủy sản từ Mỹ và Nhật Bản thì họ coi việc mất giá của đồng Việt Nam là chuyện nội bộ và quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam”. Như vậy, có thể nói, việc điều chỉnh tỷ giá không chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành thủy sản được lợi mà ngành điều, tiêu, cao su, cà phê, may mặc, lúa gạo... đều được hưởng lợi, người nông dân cũng sẽ được hưởng lợi, và đương nhiên sức cạnh tranh của các mặt hàng này sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi nhiều ít có khác nhau vì phải coi thử các ngành này phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào thế nào. Như ngành điều, dự kiến năm 2010 sẽ xuất khẩu trên 170 ngàn tấn nhân điều và thu về trên 900 triệu đô la Mỹ nhưng gần một nửa nguồn liệu sản xuất nhân điều phải nhập khẩu (mua bằng đô la Mỹ) thì “cũng có niềm vui nhưng chưa trọn vẹn”. Ngành may mặc hay nhựa cũng vậy, dù xuất khẩu nhiều nhưng nguồn nguyên liệu (bông, sợi...) phần lớn là từ nhập khẩu nên dù thu về đô la Mỹ nhưng cũng phải chi ra phần lớn đô la Mỹ để nhập khẩu nên cái lợi từ tỷ giá mang lại không nhiều. Đó là chưa nói đến trình trạng hiện nay vẫn còn tồn tại hai tỷ giá làm cho cái lợi mang đến cho các doanh nghiệp xuất khẩu chưa trọn vẹn vì bị ngân hàng chia sẻ.

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news.aspx/detail/380531/vui-buon-vi-ty-gia