Vui mùa Phật đản

Tháng Tư âm lịch, là mùa sen Huế, cũng là mùa Phật đản. Mùa Phật đản năm nào trên quê hương Huế của tôi cũng vui lắm.

“Bảy đóa sen hồng nâng gót tịnh” của mùa Phật đản 2568 - 2024 đã được hạ thủy trên dòng Hương. Ảnh: Ngọc Hòa

“Bảy đóa sen hồng nâng gót tịnh” của mùa Phật đản 2568 - 2024 đã được hạ thủy trên dòng Hương. Ảnh: Ngọc Hòa

Một sáng sớm, tôi nhìn thấy mấy thầy trẻ kéo xe ba gác chở những cánh hoa sen từ đường Điện Biên Phủ về công viên bên bờ sông Hương, tập kết để ráp lại thành bông hoa sen to. Mỗi đóa sen có đường kính vòng cánh sen ngoài cùng là 7m, cao 2,5m, cấu tạo 3 lớp, trọng lượng khoảng 250kg. Cả bảy đóa sen như thế. Điều vui là có mấy chú và mấy em thanh niên đang tập thể dục trong công viên liền chạy đến phụ mỗi người một tay, đẩy xe rồi dỡ những cánh hoa sen xuống, xếp đặt gọn gàng.

Sương sớm chưa tan, dòng Hương còn bãng lãng một màu trắng mờ ảo, trên bờ cỏ xanh, bóng những thầy trẻ lúi húi bên những mái đầu tóc bạc và tóc xanh cùng làm việc trong im lặng, thật là đẹp. Ý thức tự nguyện làm những công việc mang ý nghĩa làm đẹp cho quê hương như kiểu giúp các thầy hạ thủy bảy đóa sen mà tôi chứng kiến, là những việc bình thường ở Huế, nơi được mệnh danh là “xứ thiền kinh”.

Cảnh vui nên người vui theo. Sự hoan hỉ ấy lan tỏa đến mọi người một cách tự nhiên. Khi Huế vào những mùa lễ trọng như Phật đản, Vu Lan, tết Trung thu, Giáng Sinh... thì đi đâu bạn cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh mỗi nhà, mỗi xóm, mỗi kiệt nhỏ người dân tự treo lồng đèn, làm cổng chào, kết hoa, trang trí cho nhà mình, xóm mình. Phố phường, làng xóm nhờ thế mà đẹp thêm lên, vui thêm lên.

Nhớ có lần tôi chở một người bạn từ Hà Nội vào Huế chơi, khi đi về cuối đường Chi Lăng, ngay khúc quanh cầu Chợ Dinh, bên xóm nhỏ có mấy bác cao tuổi đang phụ nhau dựng một lễ đài nhỏ mừng Phật đản. Người bạn tôi vô cùng bất ngờ với hình ảnh người dân tự làm đẹp cho đời sống tâm hồn mình như thế, bảo tôi dừng xe lại. Câu chuyện của mấy bác cháu diễn ra tự nhiên, gần gũi cứ như là con cháu nói chuyện với cha, ông vậy. Năm ấy, cái xóm nhỏ ấy vẫn còn nghèo nhưng bạn tôi dứt khoát bảo sự gặp gỡ ấy là điều ấn tượng và quý giá nhất của bạn trong chuyến đi Huế lần này. “Huế luôn cho mình những bất ngờ, bạn nghĩ thời nay có còn nhiều người tự nguyện đứng ra trang hoàng cho xóm mình đẹp đẽ thế không. Ở đây không chỉ là việc làm vì niềm tin tôn giáo mà cao hơn đó là cái tâm rộng lớn, hào phóng của người Huế, tự nguyện làm đẹp cho xóm mình, làng mình. Đó mới là điều đáng quý, quý lắm mà người dân Huế còn giữ được!”.

“Bảy đóa sen hồng nâng gót tịnh” của mùa Phật đản 2568 - 2024 đã được hạ thủy trên dòng Hương. Tôi chụp ảnh gửi cho bạn, hẹn rằng sắp xếp vô Huế chơi, bạn trả lời tôi bằng một trái tim to đùng “Yêu Huế từ dạo ấy đến bây giờ, càng ngày càng yêu hơn!”.

Từ lúc được bạn “khai mở”, mỗi lần Huế vào mùa lễ lạt, là tôi lại dạo quanh khắp nơi, tôi thấy xóm làng, phố phường đẹp thêm lên nhiều lắm. Mỗi dịp lễ là một kiểu trang hoàng khác nhau tùy theo từng lễ hội, nhìn xóm làng sống động và tràn đầy sức sống. Tôi nhớ một lần lang thang lên làng Lựu Bảo, xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà (nay là phường Hương Hồ, TP. Huế), gặp bác Chính đang dựng cổng chào ở xóm mình. Con xóm nhỏ xanh um bóng tre, chiếc cổng chào với cờ và lồng đèn do bác và mấy ông trong xóm cùng dựng lên làm lối vào xóm vui lên hẳn.

Bác Chính chia sẻ: “Con coi, bữa ni đường làng, đường thôn chi cũng được đổ bê tông hết nên về làng mình chừ sạch và thuận tiện lắm. Mấy ông trong xóm bác cùng dựng cái cổng tre này làm cho xóm đẹp lên hẳn. Xong lễ này là bác gói tất cả lại, cất đợi lễ sau đưa ra làm tiếp, cái nào hư quá, cũ quá thì thay, tiết kiệm rứa cho đỡ tiền con nờ”. Tôi nhìn bác, nói lời cảm ơn về niềm vui mà bác mang lại cho bao nhiêu người khi ngang qua đây, trong đó có tôi. Tấm lòng hào phóng, lo việc làng, việc xóm của các bác, các ông mà tôi từng chứng kiến đó đây có sức lan tỏa tinh thần cộng đồng rất lớn. Đức tính ấy là truyền thống trong nếp sống làng xã ở Huế từ xa xưa rồi, cứ nhìn vào những dịp cúng, chạp mộ cô hồn ở các làng Huế vào mỗi dịp cuối năm, sẽ hiểu được nguồn cội của tinh thần cộng đồng của người dân Huế.

Hôm ấy, bên chiếc cổng tre ở một xóm nhỏ làng Lựu Bảo, tôi ngồi xem bác Chính làm việc. Nhớ nhà văn Thạch Lam từng viết, đại ý rằng “cái đẹp len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở những vật bình thường”. Chỉ với những chiếc cờ giấy, lồng đèn bánh ú rất dân gian của Huế mà tôi thấy các bác ở đây đã dựng lên một bức tranh quê đẹp cảnh, đẹp người. Những gia đình trong xóm nhỏ này, hàng ngày đi ra, đi vào qua chiếc cổng này sẽ ghi nhớ thêm một hình ảnh đẹp về quê hương của mình, đặc biệt là những em bé, thanh niên nam nữ. Tình yêu quê hương thường được gieo mầm từ những chi tiết tưởng như là rất nhỏ ấy.

Bảy đóa sen hồng đã “nở” trên dòng sông Hương, Huế có thêm một cảnh đẹp mới. Tôi tin khi ngắm bức tranh quê hương vào mùa Phật đản như thế này, trong tâm mỗi người sẽ dậy lên những điều tốt đẹp, thiện lành, hay chí ít hơn cũng giúp ai đó đang vất vả mưu sinh hàng ngày, nhìn sông Hương thấy cuộc sống quanh ta rất dịu dàng mà bớt đi được phần nào mệt nhọc của tiết trời mùa hạ. Chỉ vậy thôi là đã thấy bảy đóa sen trên sông Hương, tưởng vô ngôn mà đang nói bao lời trìu mến với con người xứ Huế, với cuộc sống hôm nay.

Xuân An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/vui-mua-phat-dan-141137.html