Vùng cao Nghệ An bộn bề đầu năm học mới

Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Tĩnh nhặt đồ dùng dạy học sau bão.

15 trường học ở Kỳ Sơn bị ngập và bị cuốn trôi với tổng thiệt hại lên đến gần 9,5 tỷ đồng. Vào năm học mới, tuy trường lớp đã được dọn dẹp, quét rửa tu sửa lại nhưng thiếu thốn nhất hiện nay của các trường là không đủ sách giáo khoa, học cụ...

Cách trung tâm huyện Kỳ Sơn gần 50 km đường rừng, chỉ có cách đi bằng xe ôm mới lên được xã vùng cao Mường Típ. Xã Mười Típ có ba trường, một trường mầm non và hai trường tiểu học là nơi con em của 427 hộ đồng bào dân tộc Khơ Mú, Thái đến học chữ. Sau cơn lũ vừa qua, hơn nửa số trường học trong xã bị nước lũ gây thiệt hại, Trường tiểu học Mường Típ 2 hứng chịu thiệt hại lớn nhất. Thầy Đàm Huy Quang, Hiệu trưởng trường tiểu học cho biết: Phần sau nhà nội trú, giờ đã thành lòng sông. Nước xói khoét sâu vào khoảng 12m, cuốn sạch giấy tờ, tài liệu của giáo viên. Hiện nay, 15 thầy cô phải chia sẻ nhau dãy nhà chức năng của trường làm nơi ăn, nghỉ. Nhiều trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy của giáo viên hầu như mất sạch, sẽ rất khó khăn trong công tác giảng dạy năm học mới".

Nằm trong khuôn viên với khu nội trú Trường tiểu học Mường Típ là Trường mầm non Mường Típ. Dãy phòng học và phòng chức năng cũng chìm sâu trong trận lũ vừa qua. Thầy Quang tâm sự: "Mường Típ, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo vào tốp cao nhất huyện. Nghèo là vậy nhưng hàng năm cả xã có đến 95% học sinh đến trường học chữ. Ngay sau lũ, xã đã tổ chức họp các thôn bản lại để vận động bà con chung tay dọn dẹp, tu sửa trường lớp cho kịp năm học mới.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Bùi Trầm cho biết, trước mắt để khắc phục khó khăn chuẩn bị kịp thời cho năm học mới, huyện đã ký hợp đồng với Công ty Thiết bị giáo dục trường học Nghệ An cung cấp toàn bộ bàn ghế, sách giáo khoa bị cuốn trôi trong lũ chuyển về bổ sung cho tất cả các trường. Đến nay tất cả học sinh trên toàn huyện đã có phòng học. Một số doanh nghiệp như Tổng công ty Lương thực miền bắc và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cam kết hỗ trợ xây dựng lại trường học và nhà nội trú bị sập. Riêng cầu treo Bản Phẩy, tại khối 4, thị trấn Mường Xén bị cuốn trôi trong cơn lũ vừa qua, huyện đã làm tờ trình mượn tạm cầu phao của lực lượng công binh (Quân khu 4) bắc ngang sông Nậm Mộ, nhằm đáp ứng trước mắt nhu cầu đi lại của hơn năm nghìn lượt học sinh và nhân dân mỗi ngày.

Vùng sâu, vùng xa "bốn Yên, một Nga" (gồm các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Thắng và Nga My), trong cơn bão số 2 vừa qua, nước Nặm Chà Hạ vốn hiền hòa bỗng dưng dâng lên quét trôi nhà cửa, bản làng, sách vở, bàn ghế, trường lớp... Trường Trung học cơ sở Yên Tĩnh nằm khép mình bên khe Nặm Chà Hạ, bản Cặp Chạng, là nơi có 224 học sinh đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú đang theo học... Thầy Nguyễn Xuân Thiện, Chủ tịch công đoàn nhà trường, cho biết: Con nước khe Chà Hạ chảy sát bên trường dâng lên bất ngờ đúng vào lúc trường đang dịp nghỉ hè cho nên hầu như chẳng kịp sơ tán đồ đạc gì. Vừa qua, nhờ có lực lượng công an, quân đội, thanh niên tình nguyện trợ giúp dọn dẹp bùn đất trong khu vực trường. Các phòng học, nhà nội trú của giáo viên, học sinh... đã được tu sửa lại, nhưng cái khó khăn nhất hiện nay là toàn bộ học cụ, sách giáo khoa bị ngập nước hư hỏng gần như hoàn toàn, khu nhà bếp dành cho 80 học sinh nội trú bị cuốn trôi chưa thể làm ngay lại được. Bản Cặp Chạng là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất khi cơn lũ đi qua. Toàn bộ phần phía sau hai dãy nhà gỗ của hai trường nằm cận kề bị sập; bàn ghế, máy vi tính, thiết bị dạy học cũng trôi mất. Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Tĩnh, cho biết, 4/5 phòng học bị đất vùi, toàn bộ hồ sơ, sổ sách, đồ chơi của trẻ đã bị cuốn sạch. Nằm sát ngay bên Trường mầm non Yên Tĩnh là điểm trường chính của Trường tiểu học Yên Tĩnh 2, cả trường có năm điểm trường ở các bản Cặp Chạng , bản Hạt, Pả Khốm, Huồi Bai và bản Chà Kém. Năm gian nhà nội trú của giáo viên tại điểm trường bản Cặp Chạng và bốn phòng học tại điểm trường bản Hạt cũng như nhiều sổ sách, học cụ... đã bị cuốn trôi.

Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tương Dương, cho biết: Các trường học trên địa bàn huyện cũng chịu thiệt hại rất nặng nề, nhiều phòng học, nhà công vụ giáo viên, bàn ghế, sách giáo khoa, máy vi tính, đồ dùng, đồ chơi của các trường mẫu giáo... bị nước lũ cuốn trôi gần hết. Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo việc khắc phục thiệt hai sau cơn bão với quyết tâm cao nhất và đến ngày 15-8 tất cả các trường học, thầy và trò vùng lũ cơ bản đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, sách giáo khoa, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc dạy và học. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của huyện mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ bảo đảm điều kiện tối thiểu. Do đó, Tương Dương đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để nhanh chóng ổn định cơ sở vật chất thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.

Năm học mới đã đến, ngành giáo dục và đào tạo Kỳ Sơn, Tương Dương đã làm hết sức mình để con em người Thái, Mông, Khơ Mú... được đến trường học chữ. Nhưng vẫn còn đó bao bộn bề...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-h-ng-thang/nhan-dan-h-ng-thang/khoa-h-c-giao-d-c/vung-cao-ngh-an-b-n-b-u-n-m-h-c-m-i-1.311969