Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Thích ứng để sống chung với biến đổi khí hậu

Những tháng qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối diện với đợt nắng nóng và hạn hán lịch sử. Khí hậu ngày càng cực đoan cùng những đối xử của con người đối với môi trường sinh thái - đặc biệt là với dòng sông Mekong, đã và sẽ tác động rất lớn, lâu dài đến vùng này.

Vì thế, vấn đề đặt ra mang tích cấp thiết là có các giải pháp để thích ứng nhằm duy trì và phát triển vùng kinh tế nông nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng này.

Thực tế không thể né tránh

Nếu có dịp đi qua vùng miền Tây vốn bạt ngàn trù phú những ngày này, hẳn nhiều người không khỏi xót xa khi nhìn cảnh đất đai khô cằn nứt nẻ, nhiều vạt cỏ cây cháy úa vì hạn hán, nắng nóng kéo dài hàng mấy tháng trời.

Những dòng sông, kinh rạch lúc thì khô cạn trơ đáy, lúc thì nước dâng cao theo thủy triều nhưng nước mặn từ biển đã xâm nhập vào sâu trong đất liền hàng mấy chục km...

Việt Nam, nhất là ĐBSCL chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Đợt hạn hán, nắng nóng và xâm nhập mặn kéo dài suốt từ trước Tết Nguyên đán đến giờ như một phép thử đối với sức chống chịu của đất và người nơi đây. Bởi thực tế, nắng hạn và nhiễm mặn chỉ là một trong nhiều nguy cơ về thiên nhiên, môi trường sinh thái mà cùng đất miền Tây Nam bộ đã, đang và sẽ phải đối mặt.

Theo nhiều nhà chuyên môn, những thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng dẫn đến làm thay đổi dòng chảy ở các lưu vực sông, suy giảm lượng phù sa, sạt lở bờ sông, sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán.

Chỉ riêng việc dòng Mekong ngày càng cạn kiệt nguồn nước do những tác động thô bạo vào nguồn nước dọc theo luu vực hàng ngàn km, với nhiều đập thủy điện, hồ trữ nước khiến những mùa nước nổi bị mất dần, nguồn phù sa màu mỡ không còn bồi đắp, thổ nhưỡng trở nên nghèo nàn, lại còn thường xuyên bị đe dọa bởi những biểu hiện ngày càng cực đoan của khí hậu.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, vùng ĐBSCL với 13 tỉnh thành, diện tích tự nhiên 40.000km2 (13% diện tích cả nước), dân số 18 triệu người (19% cả nước), có nhiều tiềm năng và lợi thế.

Tuy nhiên năm 2022, hiện tượng ngập lụt, sụt lún diễn ra ngày càng nghiêm trọng và khó lường gây thiệt hại đến nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông sản, tác động đến nhiều mặt đời sống người dân.

Dẫn báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới, bà Thanh lo ngại, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu thì khoảng 40% diện tích vùng bị ngập, lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng canh tác.

Nhiều nghiên cứu khoa học từ các tổ chức quốc tế cũng từng đưa ra những dự báo về một kịch bản tồi tệ có thể xảy ra trong tương lai, như cả vùng ĐBSCL sẽ bị sa mạc hóa, hoặc bị sụt lún ngập sâu dưới nước... đòi hỏi mọi người phải đối diện với thực tế để cùng nhau tìm ra các giải pháp kịp thời cứu vãn tình hình.

Tình hình thực tế hiện nay chứng minh cho các dự báo nói trên là có cơ sở. Ở tỉnh Tiền Giang, một nghịch lý xảy ra là trong khi nước triều cường dâng cao gây ngập nặng ở nhiều nơi thì người dân thiếu trầm trọng nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.

Đến mức một số tổ chức từ thiện đã phải tổ chức các hình thức cứu trợ bằng cách cung cấp nước sạch cho người dân ở nhiều vùng. Lượng nước được cứu trợ cũng chỉ đủ để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, còn nước để phục vụ sản xuất - nhất là sản xuất nông nghiệp thì đành phó mặc cho thiên nhiên...

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong khu vực, là hồi chuông báo động về những bất ổn mà thiên nhiên có thể gây ra - không loại trừ tần suất dày đặc hơn, tính chất nghiêm trọng hơn trong tương lai...

Đồng bằng sông Cửu Long được cảnh báo là một trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, sụt lún, mất đất lớn nhất trên thế giới.

Thích ứng với thiên nhiên để tồn tại và phát triển

ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm,du lịch, năng lượng tái tạo;

Và là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: Đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong.

Vì thế, những mối đe dọa từ những tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội.

Để khắc phục, vượt qua thách thức, biến ĐBSCL thành vùng phát triển thịnh vượng bền vững, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; trên cơ sở đó, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các tỉnh, thành trong khu vực đã xây dựng kế hoạch hành động chi tiết thực hiện nghị quyết.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vùng ĐBSCL cần được đầu tư những dự án tỷ đô để ứng phó với sạt lở, sụt lún, ngập mặn, hạn hán. Việt Nam, nhất là ĐBSCL chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Chính phủ đã cấp 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện dự án chống sạt lở bờ sông, biển. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, vùng kinh tế quan trọng này cần được đầu tư các dự án lớn hàng tỷ USD để ứng phó.

"ĐBSCL là trăn trở của Đảng, Nhà nước. Chúng ta cần huy động ngân sách, vốn vay, hợp tác công tư để thực hiện. Chỉ những dự án lớn mới phát huy được hiệu quả, xoay chuyển tình thế. Vay vốn xây dựng hạ tầng mà làm các dự án nhỏ lẻ, dàn trải sẽ manh mún, không hiệu quả", Thủ tướng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những nội dung nằm trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL với hai nội dung cơ bản là:

Nâng cao năng lực của hợp tác xã thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng, sau đó nhân rộng các mô hình hợp tác xã hiệu quả.

Được biết khu vực này đang có các mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính đem lại hiệu quả như: “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”...

Do đó, các địa phương, hợp tác xã nên củng cố những mô hình này và nhân rộng. Nếu áp dụng sớm từ bây giờ, năm 2024, các hợp tác xã có thể hưởng khoản tiền áp dụng sản xuất giảm phát thải khí nhà kính (tín chỉ carbon) từ nguồn tiền được Ngân hàng Thế giới và tổ chức chi trả với 150 USD/ha.

Còn với nguy cơ sụt lún, bị ngập sâu, theo chuyên gia phát triển đô thị, khu vực ĐBSCL được cảnh báo là một trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5 - 1m vào cuối thế kỉ XXI, dự báo khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL có nguy cơ chịu ảnh hưởng.

Vì thế, ngay từ bây giờ cần thực hiện nhiều giải pháp quy hoạch đô thị để thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, trong đó gồm có giải pháp quy hoạch, công trình và phi công trình.

Cụ thể, giải pháp quy hoạch gồm: Chọn đất xây dựng, quản lý cao độ; xây dựng công trình, hệ thống thoát nước; các biện pháp phải song hành cùng công tác quy hoạch xây dựng.

Giải pháp công trình gồm: Xây dựng các hồ chứa nước đa tác dụng; khai thông các đường thoát lũ, đường dẫn lũ. Giải pháp phi công trình gồm: Dự báo và cảnh báo lũ; quản lý dân cư; quy hoạch các điểm tại định cư.

Bên cạnh đó, quy hoạch đô thị cần có tính kế thừa, tính dự báo, phân vùng phát triển đô thị - điểm dân cư nông thôn gắn với vùng ngập, đặt trọng tâm bảo tồn hệ sinh thái, đặc thù định cư và dân cư (đô thị và nông thôn) theo sông nước, quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp, du lịch - dịch vụ.

Để thực hiện những dự án lớn với mục tiêu bảo tồn và phát triển vùng ĐBSCL, cần thiết có một nguồn nhân lực đủ mạnh.

“Cần tập trung vào phát triển con người, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao cả về thể chất và tâm hồn, cả về nhân cách và trình độ chuyên môn để đáp ứng cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển bền vững”, chuyên gia về đào tạo ở khu vực ĐBSCL nhấn mạnh.

Hệ thống hạ tầng ở vùng ĐBSCL đang được tập trung đầu tư phát triển, nhiều lĩnh vực khác cũng có kế hoạch nâng cấp. Hy vọng với tầm nhìn chiến lược dài hạn, vùng đất này sẽ từng bước thích ứng với những khắc nghiệt của thiên nhiên để có thể tồn tại và phát triển bền vững.

Việt Khánh

Báo Lao động Xã hội số 51

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/vung-dong-bang-song-cuu-long-thich-ung-de-song-chung-voi-bien-doi-khi-hau-20240428133525531.htm