Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Thiếu một nhạc trưởng

(VOV) - Tháng 8/2008, Chính phủ đã phê duyệt vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành trung tâm trung chuyển, giao thương, chế biến quốc tế. Chuyện “liên kết” giữa các tỉnh đã được đề cập từ hai năm nay, song hầu như giữa các tỉnh vẫn không có sự kết nối cần thiết.

Được sự quan tâm của Trung ương về đầu tư và chính sách phát triển, đặc biệt là phát triển công nghiệp, hàng loạt khu kinh tế lần lượt xuất hiện ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT), khởi đầu với khu kinh tế mở Chu Lai và tiếp sau đó là khu kinh tế Dung Quất, Nhơn Hội và Chân Mây. Song song với những chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chính sách về hạ tầng với hàng loạt sân bay được nâng cấp và đưa vào sử dụng, hiện nay ở VKTTĐMT, mật độ cảng hàng không và cảng biển dày đặc, trong đó có nhiều cảng nước sâu thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Sau 2 năm Chính phủ quyết định xây dựng kế hoạch phát triển VKTTĐMT, các tỉnh miền Trung đã có sức bật mạnh mẽ. Vốn đầu tư ngân sách khu vực nhà nước tăng mạnh từ 66% lên gần 75%, trong đó vốn xây dựng cơ bản chiếm 80% tổng số vốn. Chỉ số Năng lực cạnh tranh VKTTĐMT đã có sức bật hơn hẳn các vùng khác: Đà Nẵng 2 năm liên tục đứng đầu toàn quốc; các tỉnh khác cũng được cải thiện: Bình Định đứng thứ 7, Thừa Thiên Huế đứng thứ 14, Quảng Nam đứng thứ 25... Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thành quả đó vẫn chưa phát huy hết nội lực trong VKTTĐMT. Vì hạ tầng cơ sở giống nhau nên điều dễ nhận thấy ở các tỉnh miền Trung là sự phát triển kinh tế na ná như nhau. Các tỉnh ra sức tiếp thị, quảng bá hình ảnh và mời gọi đầu tư với những chủ trương, chính sách, cơ chế riêng của địa phương mình như hạ giá đất cho thuê, kéo dài thời hạn nộp thuế... Chính sự “dẫm chân” nhau gây khó khăn cho thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, mặc dù có tiềm năng và lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đặc biệt là trục phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, song thời gian qua, do các địa phương chưa ngồi lại với nhau để cùng thống nhất quan điểm, nên dẫn đến phát triển chồng chéo. Chính vì vậy mong muốn của các tỉnh VKTTĐMT thời gian tới là có một “nhạc trưởng” và những chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể của Nhà nước để liên kết chặt chẽ với nhau cùng phát triển. Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, sở dĩ chưa có sự liên kết là do thiếu sự quản lý ở cấp vĩ mô, thiếu một “nhạc trưởng”, nên các tỉnh đều lấy lợi ích cục bộ làm ưu tiên hàng đầu cho mình. Thực tế hiện nay, tỉnh nào cũng xây dựng cảng biển, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu vận tải, hoặc có cảng nhưng không đủ hàng hóa để phát huy hết công suất, mạnh ai nấy làm. Chính vì vậy, để VKTTĐMT phát triển bền vững, các tỉnh cần liên kết ở những lĩnh vực chuyên sâu hơn, không nên “cậy” tỉnh nào cũng có khu kinh tế mở, khu công nghiệp rồi sản xuất đồng loạt, không nghiên cứu thị trường dẫn đến chồng chéo. Các tỉnh cần liên kết theo ngành, theo cụm ngành như dịch vụ, du lịch, công nghiệp phụ trợ, liên kết địa giới hành chính, phát triển đại công nghiệp và chiến lược biển. Các địa phương cần chia sẻ, phối hợp và phân công nhau trong khai thác những lợi thế, tiềm năng của địa phương. Trước mắt cần thành lập một Trung tâm liên kết vùng, có quy chế hoạt động được các tỉnh xây dựng, Trung tâm này có nhiệm vụ cung cấp thông tin kinh tế, chính sách của các tỉnh, thành trong VKTTĐMT để từ đó các địa phương trong vùng phát triển bền vững./. Thu Lan

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/vung-kinh-te-trong-diem-mien-trung-thieu-mot-nhac-truong/20104/141206.vov