'Vướng' định kiến, phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi

Việt Nam có đầy đủ luật và các văn bản dưới luật để trợ giúp, bảo vệ phụ nữ, tuy nhiên phụ nữ vẫn đang chật vật để phấn đấu ngang bằng với nam giới hoặc bị thiệt thòi vẫn không được bảo vệ. Theo bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), chừng nào vẫn còn những định kiến, khuôn mẫu giới thì luật vẫn chưa được thực thi một cách triệt để.

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa bình chọn bà là 1 trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017. Bà cảm nhận gì về những ảnh hưởng của mình hiện nay?

- Tự nhận xét về mình rất khó. Nhưng có lẽ những hoạt động của tôi và CSAGA gắn bó nhiều với tuyên truyền, truyền thông nên được nhiều người biết đến. Hiện chúng tôi có nhiều hoạt động chia sẻ, trợ giúp những người bị bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi chia sẻ những câu chuyện điển hình để “đánh động” đến nhận thức của mọi người, đồng thời đưa ra các kiến nghị đối với chính sách, với các tổ chức thực thi luật pháp, hoạt động xã hội để có những thay đổi thiết thực hơn đối với việc bảo vệ và trợ giúp phụ nữ còn yếu thế.

Trợ giúp được thêm 1 người, thay đổi được nhận thức thêm một người là chúng tôi đã cảm thấy việc làm có thêm ý nghĩa, thêm động lực.

Những phụ nữ làm nón tại làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Mạc Li

Bà từng chia sẻ một câu chuyện người phụ nữ bị chồng đánh đập, hành hạ, cưỡng bức dã man, và người chồng đó còn cặp bồ công khai mà vợ vẫn cam chịu nhiều năm... Nhiều người đều cho rằng phụ nữ bị bạo lực không chịu giải phóng mình thì trông mong gì sự giúp đỡ?

- Khi tôi chia sẻ câu chuyện đó, nhiều người cảm thấy tức giận vì sao chị ấy lại thiếu tự trọng, lại chấp nhận bạo lực như vậy. Nhưng có biết được tâm lý của người bị bạo lực lâu dài mới hiểu rằng, bạo lực đã làm họ mất hết cả nhuệ khí, làm mọi việc theo sự dẫn dắt của sự sợ hãi. Khi đó họ cần những người xung quanh hỗ trợ để họ thấy rằng họ có thể cầu cứu người khác, có người đáng tin cậy để cùng họ thay đổi. Như vậy mới có thể tiếp thêm cho họ dũng khí.

Nếu chúng ta chỉ chờ đợi nạn nhân cầu cứu mới giúp đỡ thì có thể rất nhiều nạn nhân vĩnh viễn bị bạo lực đàn áp đến câm lặng. Do đó, cần phải có hệ thống hỗ trợ phụ nữ chuyên nghiệp và đưa về một đầu mối để khi cần phụ nữ có thể đến đó, cầu cứu và được trợ giúp thực sự, đến đầu đến đũa.

Hiện nay, chúng ta cũng có sự trợ giúp, nhiều câu lạc bộ, ban bệ phòng chống bạo lực gia đình nhưng sự can thiệp mới chỉ nửa vời. Khi chồng đánh vợ, chính quyền can ngăn, hòa giải; khi chính quyền quay đi thì chị em lại bị bạo hành nặng hơn. Như vậy, lần sau chị em sẽ chẳng dám kêu cứu nữa.

Bình đẳng giới không phải vấn đề của chỉ nữ giới mà của cả nam giới. Phụ nữ bị níu chân bị tụt hậu vì phải đơn độc làm việc nhà, chăm sóc con cái thì sẽ bị mất cơ hội việc làm tốt hoặc mất sự đề bạt. Như vậy gia đình và xã hội cũng sẽ không được hưởng lợi từ sự đóng góp của những phụ nữ tài năng. Do đó, cả phụ nữ và nam giới đều cần phải thay đổi để chị em được hỗ trợ tối đa trong việc chia sẻ nội trợ và các lĩnh vực khác trong xã hội”.

Bà Shoko Ishikawa - Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam

Hiện vẫn còn có nhiều khẩu hiệu, phong trào “ôm việc” cho phụ nữ như “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ nuôi dạy con tốt”… Theo bà, các khẩu hiệu này đang tác động như thế nào đến phụ nữ?

- Đấy là những phong trào không thực tế và phụ nữ không thể làm được nếu như không hy sinh đến cạn kiệt. Khi chị em phải gánh nặng hai vai, vừa làm nhân viên giỏi vừa hoàn thành cả khối lượng việc nhà to lớn là điều không tưởng. Tại sao gia đình có 5-7 người mà gánh nặng việc nhà đó lại chỉ đè lên vai người vợ, người mẹ? Chúng ta đề ra những phong trào, những chuẩn mực như vậy cho phụ nữ càng khiến chị em thiệt thòi và nặng gánh hơn cả thời xưa.

Phụ nữ phải được tôn trọng như những cá thể chứ không phải gắn với những nghĩa vụ, trách nhiệm và sự hy sinh. Những khẩu hiệu, phong trào đó cần phải “đề tên” cả nam giới để nam giới cùng chung tay đảm việc nhà, cùng nuôi dạy con tốt.

Vừa qua, Hội Phụ nữ đề xuất cần phải tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ ngang bằng với nam giới dù là 60 hay 65 tuổi để đạt bình đẳng giới. Theo bà, ngang bằng có phải là “bình đẳng giới” khi thực tế phụ nữ có sức khỏe yếu hơn?

- Tôi ủng hộ việc tuổi nghỉ hưu của phụ nữ ngang bằng với nam giới. Lý do là chị em vốn phải chịu gánh nặng sinh nở, nuôi con nhỏ nên đã chậm 3-5 năm (cho việc sinh 2 con) hơn nam giới trong việc học tập, phấn đấu trong sự nghiệp. Nếu họ lại bị bắt nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm thì sẽ càng mất cơ hội để khẳng định năng lực. Đồng thời mức lương, thu nhập và lương hưu của họ cũng thấp hơn nhiều, như vậy vai trò của họ trong nhiều lĩnh vực cũng sẽ bị xem nhẹ. Do đó, nếu phụ nữ có năng lực, muốn phấn đấu thì cần phải để tuổi nghỉ hưu ngang bằng với nam giới. Còn nếu ai muốn nghỉ hưu sớm thì vẫn tạo cơ hội.

Trong các lĩnh vực khác của bình đẳng giới cũng vậy. Bình đẳng chỉ đạt được khi các chính sách, các quan niệm giữa hai giới là ngang bằng nhau và đồng thời tôn trọng sự lựa chọn của từng cá nhân. Không phải vì nữ giới làm lãnh đạo, nam giới nội trợ hay nữ đảm việc nhà, nam giỏi kiếm tiền mà coi thường, xem nhẹ ai. Mỗi giới đều cần được tạo điều kiện để thể hiện năng lực của mình và có trách nhiệm đóng góp sức lực vào những công việc gia đình.

Hiện tại luật bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ khá nhiều như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình… Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi, yếu thế. Theo bà làm thế nào để phụ nữ thực sự được bảo vệ và được tạo điều kiện sống đúng với năng lực và ý thích của mình?

- Chúng ta đều biết từ luật đến cuộc sống có khi rất xa nhau. Nhưng trong đời sống, đôi khi các thói quen, nếp nghĩ, định kiến, những khuôn mẫu giới lại cao hơn cả luật. Ví dụ như một vụ việc cần phải bảo vệ phụ nữ nhưng nếu người có trách nhiệm lại cho rằng “cô ta đáng bị như thế” thì luật sẽ không được thực thi. Do đó, muốn luật được thực hiện nghiêm minh thì ngoài việc giám sát thực hiện luật tốt, chúng ta còn phải làm nhiều việc liên quan đến truyền thông, giáo dục pháp luật…

Chỉ riêng vấn đề bảo vệ trợ giúp phụ nữ bị bạo lực gia đình hiện nay cũng rất thiếu và yếu cả về lực lượng, nghiệp vụ cũng như là các quan niệm về giới. Chính vì vậy phụ nữ bị bạo lực không tìm được sự trợ giúp nên đành chịu đựng. Chính sự chịu đựng đó lại củng cố thêm quan niệm phụ nữ bị bạo lực là không lối thoát. Từ thực tế chúng tôi đã làm thì khi nói về quyền của phụ nữ, chúng ta phải xem xét lại hệ thống bảo vệ cho phụ nữ đang thực thi như thế nào? Kiến thức của những người có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ như thế nào? Và phải quy về một đầu mối để khi người phụ nữ bị bạo lực có thể gọi đến đó và được giải quyết triệt để.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vuong-dinh-kien-phu-nu-van-chiu-thiet-thoi-750719.html