Vượt dốc để trưởng thành

PN - Bảy năm trong màu áo TNXP, hai cô gái Bạch Thị Thanh và Bạch Thùy Dung (Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 4 – Bình Phước) đã cống hiến tuổi thanh xuân theo cách của mình, không ngừng học hỏi, không ngừng vươn lên.

18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông, Bạch Thị Thanh được cha đưa từ thị trấn Thanh Hà, tỉnh Hòa Bình vào Bình Phước tìm một việc làm, chuẩn bị sang năm thi đại học. Đồng hành với Thanh có cô em họ Bạch Thùy Dung vừa cùng tuổi, vừa cùng cảnh. Tìm chưa được việc thì nghe Trường giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 4 (huyện Tân Uyên) tuyển người. Vậy là hai chị em "lên ngàn", sống giữa trùng điệp cao su của núi rừng Bình Phước. Những công việc đầu tiên của họ rất đơn giản: phụ việc ở căng-tin, dạy xóa mù chữ, tăng gia sản xuất, nhân viên kế toán, bảo vệ... Từ môi trường đó, họ đã trưởng thành. Trang đời mới Bạch Thị Thanh: Cùng vào trường 4 làm, Dung xinh xắn nên được tuyển làm ở căng-tin, tôi thì bị đưa ngay đi học quản lý học viên (HV) cai nghiện. Tôi sốc! Dung động viên: chị ráng lên, công việc ấy cũng hay đấy chứ. Bạch Thùy Dung: Hai tháng sau, khi Thanh bắt đầu chính thức làm quản lý ở đội HV nam số 2, tôi được điều sang đội tình nguyện, cũng để học làm công việc quản lý người cai nghiện. Khó có thể nói những tháng ngày ấy chúng tôi bàng hoàng thế nào. Bố của Thanh vào thăm hai chị em, lặng người khi biết cả hai đang làm gì.Tôi còn nhớ, những đêm không phải trực, hai chị em gặp nhau tâm sự đủ điều, có khi Thanh ấm ức vì bị HV trêu trong giờ giảng bài trên lớp, còn tôi trút cho Thanh nỗi bực mình cũng vì những rắc rối từ HV... Thùy Dung đang hướng dẫn HV ở đội đan sọt Bạch Thị Thanh: Tôi thấy mình may mắn khi được sống và làm việc cùng những đồng nghiệp hết sức tận tụy với công việc, yêu thương nhau và càng may mắn hơn khi có Dung. Dung rất nghiêm túc, kỷ luật. Mỗi HV của Dung là một hoàn cảnh, một số phận. Là con nghiện, họ bất cần đời, sống tùy thích, tùy hứng. Nhưng, trường có nội quy. Ngoài sinh hoạt tập thể, ăn ngủ đúng giờ, những HV này còn phải lao động thật sự. Phải kỷ luật như vậy, các bạn mới có thể vượt qua chính mình, quên "sự cám dỗ trắng" và sống lại đời bình thường... Việc bắt họ vào khuôn khổ không dễ. Dung biết từng hoàn cảnh để động viên HV chứ không vì sự đồng cảm, nỗi khổ tâm dành cho những người cùng trang lứa mà lơ là cho qua được... Vượt dốc... Bạch Thị Thanh: Tôi với Dung nghe trường mở lớp đại học từ xa khi tôi đang quản lý, chấm công ở xưởng tiểu thủ công nghiệp, Thanh đang làm nhân viên bảo vệ khu HV nữ. Đêm ấy hai chị em thức trắng để "vẽ" những dự định. Vậy là giấc mơ đi học của hai đứa thành hiện thực. Bạch Thùy Dung: Hai đứa vừa học, vừa làm, thoắt cái mà hết bốn năm. Nghĩ lại thấy như mình vừa vượt qua một cái dốc. Mỗi ngày tôi phải dậy từ 5g để tập thể dục cùng HV, ăn sáng rồi lao vào công việc khi mới 7g. Trưa, nghỉ giờ nào, ôn bài giờ đó. 13g30 chiều lại làm việc tiếp. Buổi tối giao ban có khi đến 7, 8g mới giải quyết xong hết việc, lại ngồi vào học, bao giờ xong bài mới thôi... Khi đặt mình xuống giường thì đã 1, 2 giờ sáng. Bạch Thị Thanh: Phải học thôi, có những HV đang cai nghiện cũng theo lớp mà, lẽ nào mình bỏ cuộc, mình thua HV sao? Thấy Dung không, nhìn dịu dàng vậy mà HV ai cũng nể. Giờ cô ấy đang là đội phó quản lý đội 6 toàn HV nữ đấy. Để được đề bạt ở môi trường này, không phải là chuyện của thời gian mà chúng tôi phải vượt qua rất nhiều thử thách! Bạch Thùy Dung: Thử thách của tôi chỉ là chuyện biết ứng xử, cảm thông, chia sẻ với từng số phận của HV để giúp họ rèn lại mình trong một môi trường mới, Thanh ở vị trí thủ kho nên chị ấy phải vượt qua cám dỗ nữa kia! Làm thủ kho nhập, xuất hàng liên tục, chị ấy phải đối diện với nhiều ứng xử "trên mức tình cảm". Thanh luôn từ chối nhận bất kỳ quà tặng hay khoản hoa hồng nào. Mới đây nhất, giữa năm 2009, trường 4 lập trại gà. Mỗi đầu tuần, đơn vị bán hàng cho xe đến giao vật liệu thì những người tài xế chở hàng đã ba lần đề nghị Thanh ghi khống đơn hàng, cứ mỗi xe vật tư, sẽ chi cho Thanh 1.000.000đ... Thanh nói: "Đó không phải là tiền của mình, nhận làm gì!" và chị báo cáo với lãnh đạo trường. Tấm gương trung thực của Thanh là bài học sáng cho toàn trường. Ngày 28/1/2010, Chi bộ trường 4 đã tổ chức lễ kết nạp Đảng cho Thanh. Tôi tự hào về Thanh, chị tôi, cô thủ kho trung thực, nhiệt tâm và yêu nghề. * Tự tin, đầy nhiệt huyết nhưng cũng hết sức dịu dàng, nhân hậu, Thanh và Dung xứng đáng là những nữ TNXP thời kỳ mới, đang góp phần xây dựng lại những con người! Bảy năm trong màu áo TNXP, họ đã cống hiến tuổi thanh xuân theo cách của mình: không ngừng học hỏi, không ngừng vươn lên... Bạn có thể viết thư về Trường 4: ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Phước để làm quen với Thanh, Dung. Nghi Anh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2010/Pages/vuot-doc-de-truong-thanh.aspx