Vượt vòng vây hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Kênh, rạch không còn một giọt nước, đất nứt nẻ, thuyền mắc cạn… ngàn nỗi cực đang đè lên vai người dân sống giữa tâm vùng hạn mặn Cà Mau.

Sau khi nghe vị khách phương xa nói lý do về Cà Mau và tìm đến huyện Trần Văn Thời, cậu thanh niên nhoẻn miệng: "Chị đừng gọi chỗ em làm miền Tây sông nước nữa. Em dẫn chị đi rồi chị viết một bài miền Tây sông... đất, nhen!".

Cậu là Liêm, 20 tuổi, người xã Trần Hợi. Tôi không giấu Liêm việc mình là nhà báo, lý do đến địa phương là để xem miền Tây sông nước mùa hạn mặn thế nào.

Nhưng, câu nói đùa của Liêm khiến tôi mất vài giây để hình dung.

Cà Mau không phải là quê hương, cũng chẳng phải là nơi tôi từng quá gắn bó. Nhưng thật khó để lý giải vì sao vùng đất mũi này lại luôn tạo cho tôi cảm giác gần gũi khó tả. Trong ký ức của vài lần ghé thăm, ngoài cái tình của người Cà Mau, thì những con sông nước tràn bờ là điều làm tôi nhớ về nhiều nhất. Chính vì lẽ này, câu nói của Liêm khiến tôi thật khó có thể hình dung.

Thế nhưng. Quả thật, Liêm chẳng hề nói quá.

Cuộc sống ở vùng hạn mặn gay gắt nhất Cà Mau.

Vừa chạy qua cầu, cái nóng bỏng rát được cảm nhận rõ ràng hơn. Đi thêm 500 mét, hình ảnh con sông Rạch Ráng, nơi mà nửa năm trước tôi có dịp ngồi vỏ lãi (xuồng máy) lướt nhanh hơn cả xe máy chạy trên đường, nay chỉ còn những con thuyền mắc cạn. Nước trên các kênh, rạch chỉ còn độ gang tay, hai bên bờ khô khốc.

Thấy tôi bất ngờ, Liêm cười: "Chị thấy chưa? Nhưng mà này vẫn chưa là gì đâu, phải vào chỗ nhà em!". Nói rồi, cậu hướng dẫn tôi gửi xe ở một quán nước ven đường.

"Phải con này mới chạy nổi!", vừa nói, Liêm vừa gõ cộp cộp vào đầu chiếc xe Dream đời cũ.

Càng đi sâu vào trong, thực trạng hạn mặn càng khốc liệt. Liêm giúp tôi nhận biết nước ngọt hay mặn bằng cách đơn giản nhưng đau lòng: Cứ kênh nào còn nước, thì là nước mặn.

Ngã rẽ của một nhánh kênh cạn là lối vào ấp Bình Minh 2, nơi có nhà của Liêm. Tới đây, chiếc Dream bị cậu thanh niên bỏ lại giữa bãi xe kiểu tự phát. Nhìn cảnh tượng trước mắt, tôi tự có lời giải đáp cho thắc mắc của chính mình.

Kênh, rạch trơ đáy, đất dưới đáy khô khốc, nứt nẻ. Đường nhựa hai bên sụt lún, đổ sập hoàn toàn. Nếu không biết trước do ảnh hưởng của hạn mặn, thật sự tôi không thể tưởng tượng nổi một lý do nào khiến hơn 10 km đường nhựa tan tành như trước mắt.

Dòng kênh không còn một giọt nước, đường gập ghềnh đầy hố bẫy, hai loại hình giao thông tại ấp đứt gãy hoàn toàn. Không chỉ Liêm hầu hết người dân trong ấp hiện chỉ có thể di chuyển bằng cách đi bộ.

"Bị từ Tết tới nay, hơn 2 tháng rồi. Kênh cạn nước làm đất bị co ngót, sụt xuống", nói xong Liêm dẫn tôi xuống lòng kênh, đi bộ. Phía xa, bốn đứa trẻ cũng đang chơi đuổi bắt dưới lòng kênh.

Đáy kênh lúc này như một lối đi đang được khai hoang thành đường dành cho người đi bộ. Nhìn từ dưới lòng kênh, thực trạng của hạn mặn mới thật sự rõ ràng: Những chiếc xuồng mắc cạn bị đất đóng thành tảng; những ngôi nhà chỉ cần mở cổng sẽ lập tức rơi tõm xuống vì không còn đường; những mảnh vườn cây chết khô, quả rụng khi chưa kịp lớn...

Một vài người trong ấp dành sự chú ý cho người lạ. Thấy vậy, Liêm nhanh nhảu hô to: "Nhà báo đến lấy thông tin hạn mặn đó mọi người!".

Thật bất ngờ, chỉ một câu nói của Liêm, sau chưa đầy 3 phút đã có gần chục người đến gần tôi. Họ hầu hết là những người lớn tuổi, mang nhiều chất chứa cần được giãi bày.

"Nhìn là biết bà con cực rồi đúng không con, nhưng mà thực tế còn cực gấp ngàn lần. Đủ thứ cực, không phải mỗi việc đi lại khó khăn", chỉ vào đoạn đường đổ nát như vừa trải qua trận động đất trước nhà, ông Nguyễn Minh Phúc thở dài.

Người dân trong ấp hầu hết sống bằng nghề trồng lúa, trồng chuối và một vài hoa màu khác. Khi thu hoạch, lúa được thương lái đến thu mua bằng đường sông. Thế nhưng, vụ thu vừa rồi, đúng thời điểm hạn mặn, sông cạn dần nước, lúa bị thương lái ép giá vì phải vận chuyển bằng đường bộ. Vài ngày sau, hạn mặn đỉnh điểm, đường bộ cũng sập, giá lúa lại bị ép thấp thêm một bậc.

Ông Phúc có một mụn cháu ngoại vừa lên 3, thường ngày bé vẫn được ông đón đưa đến nhà trẻ. Thế nhưng từ hôm đường hư hỏng, hai ông cháu chỉ còn cách ở nhà chơi với nhau.

Trường hợp của vợ chồng anh Trần Văn Lâm và chị Nguyễn Thị Mai éo le hơn. Gia cảnh vốn đã khó khăn, cách đây 3 năm chị Mai lại bị tai biến mạch máu não khiến sức khỏe suy yếu, không thể đi lại được. Từ ngày đổ bệnh, mỗi tuần chị Mai đều được anh Lâm chở đi châm cứu đều đặn ở thị trấn. Có những đợt cơn đau kéo đến liên tục, chị Mai phải đi châm cứu ba ngày một lần.

Bởi vậy, hai tháng hạn mặn vừa qua là nỗi ám ảnh của những cơn đau như cắt thịt khi không kịp đến bác sỹ của chị Mai. Còn anh Lâm, thương vợ nhưng lực bất tòng tâm.

"Vợ tôi giờ chỉ có thể nằm hoặc ngồi một chỗ, muốn di chuyển từ trong nhà ra ngoài cửa thì tôi phải cõng. Mấy việc đó bình thường, vì tôi quen rồi. Tôi chỉ lo như mấy đợt rồi, khi vợ lên cơn đau mà không có cách nào chở đi được, chắc phải cho nằm lên võng rồi nhờ người cùng gánh đi", anh Lâm nói.

Hay chuyện dở khóc, dở cười của gia đình bà Phạm Thị Nở, đám cưới cháu gái đến cận kề nhưng chưa biết đặt bao nhiêu mâm vì chuyện đi lại khó khăn.

"Mai mốt là đám vui rồi, nhưng nhà vẫn chưa chốt bao nhiêu mâm để đặt cả. Nhà tui sợ là đặt bàn nhiều nhưng khách không đến được", chỉ về phía rạp hồng đã được dựng sẵn, bà Nở lo lắng.

Đứng trong cánh cổng sắt không thể ra ngoài, ông Nguyễn Văn Tiến nói vọng: "Khổ lắm cô ơi! Già rồi, đường sá vậy có dám ra ngoài đâu, sợ té. Ăn uống mấy nay là nhờ người đi mua rồi đem tới tận cổng. Dân chúng tôi ở đây giờ coi như hết đường kiếm tiền. Chuối thì chết khô cả vườn, dưa leo, đậu que, các loại khác cũng vậy".

Hầu hết người dân đều cho rằng, những thiệt hại lúc này là do thiên tai, không thể tránh và không thể đổ lỗi cho ai.

"Năm ngoái, Nhà nước đã làm cho con đường này là mừng lắm rồi, chỉ tiếc là sử dụng chưa được bao lâu lại gặp hạn mặn khốc liệt như giờ", ông Tiến buồn bã.

Rời xã Trần Hợi, tôi di chuyển đến xã Khánh Bình Đông. Ngoài những con kênh cạn trơ đáy, một vài nhánh kênh còn lại tại đây dường như đang cố giữ những gang nước cuối cùng. Dù vậy, chút nước còn sót lại trên những dòng kênh này đều đã chuyển màu cam sẫm, đục ngàu vì nhiễm phèn nặng.

Càng tới gần địa bàn xã, nhà cửa người dân càng thưa dần. Thậm chí có nơi chỉ còn bạt ngàn đất trống, cằn cỗi, nứt nẻ, không lấy nổi một bóng nhà.

Căn nhà ọp ẹp được dựng tạm bợ bằng mái lá, vách tôn là nơi vợ chồng ông Vi Văn Phong sống hàng chục năm nay. Thấy có người tới, ông Phong chu đáo lấy cốc nước từ bình đựng 20 lít mời khách. Cốc nước dành cho bản thân, ông lấy từ chum nước sau nhà.

Dù vậy, tôi vẫn xin phép được thử thứ nước mà ông uống, xem như một trải nghiệm khi đến vùng hạn mặn.

Lờ lợ, tanh, và không thể nuốt. Đó là cảm nhận khi ngụm nước vừa vào tới miệng. Dù rất cố gắng, nhưng tôi buộc phải xin phép quay đi, bỏ ngụm nước.

Sự luống cuống của tôi khiến ông Phong phì cười: "Cô không uống nổi đâu. Nhà này cũng chỉ tôi uống được nước này, vợ và cháu tôi uống nước lọc trong bình".

Hạn mặn gay gắt kéo dài, 17 hộ dân trong xã không còn nước sinh hoạt. Tới thời điểm hiện tại, dù đã nối được nguồn nước từ xã kế bên nhưng dòng nước yếu, mỗi ngày chỉ được vài chục lít. Vấn đề sẽ chẳng trở nên gay gắt nếu như nguồn nước đó vẫn sạch, vẫn trong như thời điểm không bị hạn mặn.

Nguồn nước được nối từ xã kế bên đang bị nhiễm phèn nặng. Giặt đồ không thể sạch, rửa bát để lại mùi tanh, tắm xong người vẫn bết rít.

Ngay sau khi UBND tỉnh Cà Mau công bố huyện Trần Văn Thời thuộc tình trạng hạn hán cấp 2, trong đó xã Khánh Bình Đông khát nước sinh hoạt nghiêm trọng, 17 hộ dân tại đây được "tiếp" nước. Mỗi tuần, tỉnh sẽ sắp xếp xe chở các bồn chứa nước ngọt đến cho người dân.

"Bồn to thì không có để đựng, mà chở được từ chỗ lấy nước về tới nhà cũng xa, nên mỗi lần đi lấy nước tôi chỉ lấy được khoảng 3 bình 20 lít. Nước này để dành uống, nấu ăn, tắm lại cho nhỏ cháu", ông Phong nói.

Ông Phong dẫn tôi qua ngôi nhà không mấy khá hơn kế bên. Nhà không có nổi móng, chỉ được dựng lên tạm bợ từ các cọc cây khô, mỗi bước chân đều khiến cả ngôi nhà rung lắc. Đây là nơi ở của chị Nguyễn Ngọc Bảo cùng chồng và 2 con suốt 5 năm qua.

Như các gia đình khác trong vùng, vợ chồng chị Bảo cũng dùng nhiều can, chậu trữ nước. Cứ nhà nào nhiều trẻ em, nước phải trữ nhiều hơn. Nhà có hai con nhỏ, có những hôm vợ chồng chị Bảo phải nhịn tắm, dành nước cho con.

Vợ ông Phong cùng bé cháu 7 tuổi trở về cùng mớ can nhựa đủ kích cỡ trên tay. Hai bà cháu gọi đây là đồ quý vừa đi xin được, dùng để trữ nước. Bé gái có đôi mắt sáng, miệng luôn líu lo, không ngại người lạ.

"Ba mẹ con đâu rồi, đi làm hết rồi hả?", tôi hỏi và nhận được câu trả lời chát chứa: "Ba mẹ bỏ đi rồi!".

Tôi sượng người, dù không cố tình nhưng tự thấy bản thân mình có lỗi.

Như biết được tâm trạng của tôi, ông Phong lập tức "giải cứu": "À không có gì đâu. Ba mẹ nó bỏ nhau, bỏ xứ đi đâu từ lâu rồi. Vợ chồng tui nuôi nó mấy năm nay".

Hỏi chuyện mới biết, 7 năm trước, con gái ông kết hôn với một thanh niên trong làng. Gia cảnh vốn đã khó, sống giữa vùng đất thiên tai khắc nghiệt này cuộc sống càng khó hơn.

Vì một vài lý do nào đó, những người dân ở đây hầu hết không có đất canh tác, chỉ biết sống bằng nghề làm mướn. Ai mướn gì làm nấy, vợ chồng con gái ông Phong không ngoại lệ. Mỗi mùa hạn mặn tới, cả vùng lại phải lay lắt để vượt qua.

Cuộc sống khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt, những cuộc cãi vã của vợ chồng con gái ông Phong một nhiều hơn. Cho đến một ngày, cả hai quyết định ly hôn. Sau ly hôn, cả hai đi biệt xứ, để lại con gái 3 tuổi cho vợ chồng ông Phong. Đến nay, đã 4 năm vợ chồng ông vừa làm ông bà, vừa làm ba mẹ bé.

Ngồi cạnh, chị Nguyễn Ngọc Bảo thở dài. Nhìn mảnh vườn khô khốc không thể trồng nổi một thứ cây gì cạnh bên, chị lo lắng cho những ngày tháng sắp tới của gia đình, lo cho tương lai tối mù của mấy đứa nhỏ.

"Sắp tới chắc hai vợ chồng cũng tính đường lên thành phố mướn nhà trọ rồi kiếm gì làm. Làm công nhân hay dọn dẹp gì cũng được, miễn là có việc, có tiền cho tụi nhỏ đi học. Chứ như giờ, việc không có, lại gặp hạn mặn thế này thì khó sống quá", người mẹ trẻ lo lắng.

Khát ở vùng đất này hiện không còn đơn thuần là khát nước ngọt, nước sinh hoạt. Rõ ràng, tác động của hạn mặn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn hiển hiện nguy cơ làm mất sinh kế của người dân.

Trong báo cáo kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2022, VCCI và nhóm chuyên gia Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cũng chỉ ra tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của ĐBSCL năm 2020 là 3,47%, cao thứ hai so với các vùng khác trên toàn quốc, chỉ sau khu vực Tây Nguyên. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cao gấp đôi so với khu vực thành thị (3,97% so với 1,87%).

Nguyên nhân chính là do quá trình cơ giới hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế khiến lao động trong khu vực nông nghiệp trở nên dôi dư, trong khi khu vực công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm nên không hấp thụ hết. Một nguyên nhân nữa là do diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dưới tác động của xâm nhập mặn, hạn hán,...

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi Cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình hạn mặn năm nay trên địa bàn tỉnh diễn biến gay gắt, đặc biệt là ở Tiểu vùng III - Bắc Cà Mau thuộc huyện Trần Văn Thời.

Toàn tỉnh hiện có 2.620 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Khu vực đặc biệt khó khăn trong điều kiện tiếp cận nguồn nước chủ yếu tập trung ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình với khoảng 1.719 hộ, do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún, giao thông bị chia cắt…

Đến 5/4, ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời có 132 tuyến đường bị sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài 15.868m. Ước tính thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng. Ngày 10/4, UBND tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, U Minh.

Ngược lại quá khứ, ước tính thiệt hại của toàn tỉnh Cà Mau trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2015-2016 là 1.400 tỷ đồng. Con số ấy vào mùa khô năm 2019-2020 là 800 tỷ đồng.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vuot-vong-vay-han-man-o-dong-bang-song-cuu-long-ar865932.html