WHO: Các nhân viên y tế tại vùng dịch Ebola cần được bảo vệ

Trước nguy cơ ngày càng nhiều nhân viên y tế tại vùng dịch Ebola ở Tây Phi nhiễm loại virus nguy hiểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 4-10 cảnh báo, các thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế cần phải được đưa vào sử dụng và xử lý một cách an toàn nhằm tránh cho họ bị lây nhiễm.

"Điều quan trọng là các nhân viên y tế cần phải biết sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân, và quan trọng hơn là xử lý các thiết bị này một cách an toàn sau khi được sử dụng tại các cơ sở y tế. Nếu như họ sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân một cách hợp lý, họ có thể làm việc an toàn và tự bảo vệ mình”, bà Catherina Roberts, nhân viên huấn luyện thuộc WHO lưu ý.

Một bác sỹ Uganđa bị nhiễm virus Ebola đã được đưa lên máy bay từ Sierra Leone về Đức để điều trị hôm 3-10. Các quan chức y tế Đức cho biết bệnh nhân đã được đưa ra khỏi máy bay và chuyển đến bệnh viện ở Frankfurt theo đúng quy trình an toàn và được cách li tốt bằng các thiết bị, xe chuyên dụng.

WHO tuần trước đã phải điều thêm hàng trăm nhân viên y tế tới các vùng dịch Ebola ở Tây Phi sau khi nhiều nhân viên của tổ chức này bị lây nhiễm Ebola. Cho tới nay đã có 208 nhân viên của WHO tử vong trong tổng số hơn 300 người nhiễm loại virus nguy hiểm này.

Trong một diễn biến liên quan, tổ chức Bác sỹ Không biên giới (tổ chức cứu trợ quốc tế đang đi đầu việc ứng phó với dịch Ebola) mới đây đã chỉ trích cộng đồng quốc tế chưa ứng phó hiệu quả với dịch, và theo họ, điều cần nhất hiện nay là tăng cường nhân viên y tế cho các bệnh nhân ở vùng dịch, chứ không chỉ là tiền cứu trợ.

. Trong nỗ lực giúp Liberia, Mỹ tăng số binh sĩ tới Liberia hỗ trợ kiểm soát dịch. Ngày 3-10, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến nâng số binh sĩ được triển khai tới quốc gia này lên 4.000, tăng 1.000 so với kế hoạch ban đầu. Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, trong vài tuần tới khoảng 1.800 binh sĩ Mỹ, bao gồm các kỹ sư, chuyên gia y tế và hàng không, sẽ tới châu Phi. Như vậy, cùng với 1.400 người đã lên đường tới thủ đô Monrovia của Liberia đầu tháng này, tổng số binh sĩ Mỹ tới Liberia và các nước láng giềng sẽ tăng lên 3.200 thời gian tới.

Cùng ngày, Nhật Bản cho biết sẽ viện trợ thêm 22 triệu USD cho nỗ lực chống dịch Ebola. Trước đó cuối tháng 9, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố sẽ dành 40 triệu USD cho mục đích này. Tổng số tiền viện trợ khẩn cấp của Nhật cho công tác chống dịch sẽ lên tới 62 triệu USD.

Hiện Mỹ đã thành lập hai phòng thí nghiệm xét nghiệm virus Ebola với khả năng kiểm tra 100 mẫu/ ngày. Việc xây dựng hai trung tâm điều trị cho các bệnh nhân Ebola cũng đã được triển khai và dự kiến cuối tháng 10 hoàn thành.

Châu An

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=90984&menu=1425&style=1