WHO hỗ trợ 5 triệu liều vắcxin cúm A/H1N1 cho VN

(VietNamNet) - WHO cam kết có thể hỗ trợ tối đa trên 5 triệu liều vắcxin cúm A/H1N1 cho Việt Nam.

– Trong ngắn hạn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ hỗ trợ vắcxin cúm A/H1N1 cho 2% dân số Việt Nam. Trong dài hạn, con số hỗ trợ có thể tăng thêm nhưng không thể vượt quá 10% dân số. Như vậy, WHO có thể hỗ trợ tối đa trên 5 triệu liều vắcxin cúm A/H1N1 cho Việt Nam. Đây là thông tin mà ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường đưa ra tại buổi họp giao ban của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 ở người vào chiều 21/10 tại Bộ Y tế. Vắc-xin cúm A/H1N1: Ưu tiên hàng đầu cho phụ nữ có thai Ông Nga cho biết: “Ngoài số vắcxin được hỗ trợ như trên, Việt Nam cũng đã đặt mua một lượng vắcxin nhất định (1 triệu liều). Nếu đúng như dự kiến thì khoảng quý IV năm nay, Việt Nam sẽ có vắcxin cúm A/H1N1. Quy trình mua vắc-xin khá phức tạp về thủ tục. Do vậy, để đảm bảo có vắc-xin càng sớm càng tốt, ông Nga cho biết Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết để tiến hành nhập vắc-xin như dự kiến. Điều kiện để WHO hỗ trợ vắc-xin cúm A/H1N1 cho Việt Nam là Việt Nam phải đảm bảo đủ 3 điều kiện: Phải có khả năng tổ chức được mạng lưới tiêm chủng, có đủ kinh phí và nhân lực để triển khai chiến dịch tiêm chủng. “Ngày 19/10, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời WHO về việc Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trên và sẵn sàng tiếp nhận vắc-xin khi WHO chuyển sang”, ông Nga khẳng định. Theo ông Nga, người dân sẽ được tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 miễn phí nhưng với diện bao phủ 2% (ngắn hạn) và 10% (dài hạn) thì chiến dịch tiêm chủng này chỉ có tính chất phòng bệnh và phòng tử vong cho người có nguy cơ cao chứ không phải tiêm chủng để dập tắt dịch. Việc tiêm chủng sẽ được miễn phí. Theo khuyến cáo của WHO, mức độ ưu tiên khi tiêm vắc-xin lần lượt là: nhân viên y tế, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính. Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam cũng quy định đối tượng ưu tiên hàng đầu là cán bộ y tế. “Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam đã có thứ tự ưu tiên riêng: Phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính rồi đến cán bộ y tế. Cả nước có khoảng 300 ngàn cán bộ y tế, số lượng người trực tiếp tham gia phòng chống dịch ít hơn nên sẽ nhường chỗ cho những đối tượng có nguy cơ cao hơn”, ông Nga nói. Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị giám sát, điều trị các tuyến cần hết sức chú ý đến phụ nữ có thai. Thống kê những trường hợp đã tử vong cho thấy đối tượng này có nguy cơ tử vong cao hơn hẳn. Ông Nga khuyến cáo: “Dịch có thể có biến chứng nếu vào viện muộn, cần tập trung chú ý các đối tượng nguy cơ cao. Nếu sốt thì cần nghĩ ngay trước tiên đến cúm A/H1N1, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán. Bây giờ đã chớm mùa đông, có nhiều loại cúm khác nhau cùng lưu hành”. Một bệnh nhi 20 tháng tuổi tử vong vì cúm A/H1N1 Chiều 21/10, bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, bé gái Nguyễn Hoàng Như A. mới 20 tháng tuổi (ở đường Nguyễn Du, phường Thạch Thanh, quận Hải Châu) vừa tử vong ngày 20/10 do nhiễm cúm A/H1N1. Đây cũng là ca thứ hai ở Đà Nẵng bị tử vong do dịch bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Út cho biết, cháu Như A. khởi bệnh ngày 12/10 với các triệu chứng sốt, ho và được gia đình điều trị ở bác sĩ tư nhưng không khỏi. Hai ngày sau, thấy bệnh của cháu trở nặng, gia đình đưa vào nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngay từ đầu, bệnh viện đã tiên lượng bệnh tình của cháu rất xấu. Qua 3 lần chụp X - quang và khám lâm sàng cho thấy cháu Như A. bị suy hô hấp nặng. Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng nghi ngờ cháu bị nhiễm cúm A/H1N1 nên đã lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm và tiến hành điều trị bằng thuốc Tamiflu. Đến ngày 18/10, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thông báo kết quả xét nghiệm cháu Như A. dương tính với virus cúm A/H1N1. Lúc này diễn biến bệnh của cháu Như A. đã rất nặng. Mặc dù Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành mọi biện pháp có thể để cứu chữa nhưng do cháu còn quá nhỏ, quá yếu lại bị suy đa tạng (suy hô hấp, suy gan, phổi, thận…) nên đến 11h trưa 20/10 thì cháu tử vong. Về nguồn lây nhiễm cúm A/H1N1 đối với ca bệnh này, bác sĩ Nguyễn Út cho biết: “Hiện trên địa bàn Đà Nẵng, dịch cúm A/H1N1 đã lây lan ra cộng đồng nên khả năng cháu bé bị lây bệnh từ nhiều nguồn khác nhau rất cao. Lúc đầu có nghi vấn cháu lây bệnh từ anh ruột (9 tuổi) trước đó 7 ngày cũng bị sốt, ho. Tuy nhiên, trường hợp này được điều trị tại nhà và đã khỏi bệnh nên không xác định đây là nguồn lây nhiễm”. Theo thống kê của Sở Y tế Đà Nẵng, tính đến chiều 21/10, trên địa bàn đã có 81 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó đã có 2 ca tử vong, 79 ca đã được xuất viện sau khi điều trị khỏi. Ngoài ra còn có 41 ca nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 đang được cách ly điều trị; trong đó có 1 ca có triệu chứng khó thở, suy hô hấp và có dấu hiệu tổn thương phổi trên phim X-quang, bệnh nhân đang phải thở bằng máy. Cẩm Quyên - Hải Châu

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/200910/WHO-ho-tro-5-trieu-lieu-vacxin-cum-A/H1N1-cho-VN-874791/