World Bank: Xuất khẩu của Việt Nam đang “gặp thời”

BizLIVE - Các nước đang phát triển tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các khu vực khác trên thế giới.

Ảnh minh họa.

Tốc độ tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ giảm trong năm nay, tuy nhiên ngoại trừ Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của khu vực này sẽ tăng lên trong năm tới, khi nền kinh tế các nước phát triển phần nào phục hồi, thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu trong khu vực, báo cáo của Ngân hàng Thế giới khẳng định.

Các nước đang phát triển tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các khu vực khác trên thế giới, tại 6,9% trong năm nay và năm tới, giảm so với mức 7,2% vào năm 2013.

Riêng với Trung Quốc, tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống còn 7,4% trong năm nay và 7,2% trong năm 2015, do chính phủ nỗ lực đưa nền kinh tế vào quỹ đạo phát triển bền vững.

Đối với các quốc gia đang phát triển còn lại trong khu vực, tăng trưởng được dự kiến sẽ giảm xuống mức đáy là 4,8% trong năm 2014, trước khi tăng lên mức 5,3% vào năm 2015, khi xuất khẩu tăng và các đợt cải cách kinh tế đạt được tiến triển.

Mặc dù toàn bộ khu vực này sẽ được hưởng lợi nhiều nhất thế giới từ nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhưng tác động tới các quốc gia khác nhau cũng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào môi trường đầu tư và xuất khẩu.

Ví dụ, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Campuchia có điều kiện phù hợp để đẩy mạnh xuất khẩu, phản ánh mức độ hội nhập ngày càng sâu của các nền kinh tế này vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, vốn có vai trò làm động lực thúc đẩy thương mại toàn cầu trong vòng 20 năm qua, Ngân hàng Thế giới khẳng định.

Mức dự báo tăng trưởng của Malaysia được điều chỉnh tăng từ 4,9% vào tháng Tư lên 5,7%, do nước này xuất khẩu mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Campuchia sẽ tăng trưởng ở mức 7,2% vào năm 2014, với ngành xuất khẩu hàng may mặc đóng vai trò làm động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Thái Lan cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu do nước này hội nhập mạnh mẽ vào các chuỗi giá trị toàn cầu – nếu như kéo dài được thời gian tạm thời không có bất ổn về chính trị.

Tuy nhiên ở Indonesia, một nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm từ mức 5,8% vào năm 2013 xuống còn 5,2%, do giá cả hàng hóa giảm, hoạt động tiêu dùng của chính phủ thấp hơn so với dự kiến và do tốc độ mở rộng tín dụng chậm hơn so với dự báo.

Tuy nhiên trong thời gian tới, nền kinh tế của các quốc gia khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro ngoại lai, như các chính sách tiền tệ trên toàn cầu bị thắt chặt, căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực, đồng yen và euro mất giá do khủng hoảng, tăng trưởng suy giảm tại Trung Quốc,...

“Cách tốt nhất để các quốc gia trong khu vực có thể đương đầu với những rủi ro này là giải quyết những yếu kém xuất phát từ chính sách tài chính và tài khóa, cải cách cơ cấu nhằm tăng khả cạnh tranh về xuất khẩu”, ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/world-bank-xuat-khau-cua-viet-nam-dang-gap-thoi-477014.html