World Cup khu vực châu Âu: "Tấm thảm" 3 màu

(VTC News) - Vòng loại world Cup 2010 khu vực châu Âu đã chính thức khép lại với 9 cái tên chính thức đến thẳng Nam Phi. 4 cái tên còn lại sẽ chỉ được quyết định sau loạt trận play-off sắp tới. Dưới đây là những nét chính trong bức tranh toàn cảnh của những trận cầu hấp dẫn vừa mới khép lại này.

Sự thần kỳ Slovakia, Serbia Trong khi bóng đá CH Séc kế thừa gần như toàn bộ tinh hoa của bóng đá Tiệp Khắc cũ, và sản sinh ra thế hệ vàng những Nedved, Koller rồi Cech, Baros và Rosicky với đỉnh cao là Euro 2004, thì Slovakia chỉ được nhắc đến như một đội bóng hạng 2 ở lục địa già. Mọi thứ chỉ được thay đổi khi người Slovakia bắt đầu đặt niềm tin vào một thế hệ trẻ đầy tài năng mới, với những cái tên như Hamsik, Skrtel, Sestak, Vittek... nhờ đó dần trở nên quen thuộc hơn với thế giới bóng đá. Ở Liverpool, Skrtel là sự lựa chọn hàng đầu của HLV Benitez bên cạnh đội phó Carragher. Tại Napoli, người ta ngợi ca Hamsik như cánh chim đầu đàn của đội bóng thành phố cảng. Sestak là thủ lĩnh ở Bochum, còn Vittek vẫn đều đặn khi bàn mỗi tuần trên đất Pháp. Tất cả những nhân tố đó được kết hợp nhịp nhàng để biến Slovakia thành một chú ngựa ô thực sự của vòng loại World Cup 2010. Rơi vào bảng 3 với sự có mặt CH Séc, Ba Lan và Slovenia, giới chuyên môn đã sớm dự đoán về kết cục buồn cho Slovakia ở bảng đấu "hạng 2" của Châu Âu này. Nhưng có lẽ họ đã quên rằng người Séc không có Nedved làm chỗ dựa, Ba Lan cũng chỉ mang cái danh hão "đại bàng" sau 2 thất bại ở World Cup 2006 và Euro 2008; còn với Slovenia, thời hoàng kim chỉ còn là bóng hình của thập kỉ trước. Bởi thế, khi cuộc chiến bắt đầu, thầy trò Vladimir Weiss chẳng giấu diếm ý đồ chiếm trọn chiếc vé tới Nam Phi mùa hè năm sau. Việc giành trọn vẹn 12 điểm trước San Marino và Bắc Ireland (cả trận lượt đi và lượt về) là bản lề cho niềm tin ấy của Repre. Tuy nhiên, cũng chỉ đến khi đội bóng xếp hạng 45 thế giới này bước vào các cuộc đối đầu sinh tử với những đối thủ trực tiếp, bản lĩnh thực sự của họ mới được tất cả thừa nhận. Vượt qua tâm lý tự ti của phận "làm em", Slovakia đã bắt "ông anh" CH Séc phải nhìn mình bằng một con mắt khác. Không còn sự khinh khỉnh và tự cao trong thái độ thi đấu của Cech và các đồng đội nữa, song từng đó là chưa đủ để họ tránh được những kết quả tồi tệ sau 2 lần đối mặt với Slovakia. Thành trì mà người Séc dựng lên rốt cục cũng bị Sestak, Jendrisek rồi Hamsik 4 lần bắn thủng cùng với đó là giấc mơ World Cup tan biến sau buổi tối định mệnh ở Bratislava. Séc mất vé chính thức, thậm chí suất play-off chẳng còn khi bị Slovenia giành mất ở lượt trận áp chót sau khi thắng chính... Slovakia ngay tại Tehelne Pole. "Mặc kệ" nỗi buồn của CH Séc, trận thua trước Slovenia chỉ khiến bữa tiệc ăn mừng ở Slovakia chậm đi mất 4 ngày. Trong cái đêm tuyết rơi trắng trời Warsaw, các học trò của Weiss đã đứng vững trước cơn bão táp kinh hoàng của "đại bàng trắng" Ba Lan để rồi rời sân với chiến quả nhọc nhằn, nhưng đủ để biến nỗ lực của Slovenia ở San Marino thành công cốc. Đất nước nhỏ bé với vỏn vẹn 5 triệu dân này giờ có lẽ đã bắt đầu đếm ngược tới khoảnh khắc lần đầu được góp mặt tại giải đấu lớn nhất hành tinh. Hòa với niềm vui của Slovakia là sự sung sướng của một quốc gia non trẻ khác, Serbia. Không quá bất ngờ như Repre nhưng việc Serbia giành chiếc vé chính thức trước mũi đội tuyển Pháp lại là một ngạc nhiên thú vị khác ở vòng loại. Từ vị thế nghiễm nhiên bị coi là thua kém Les Bleus về mọi mặt và chỉ dám kì vọng vào một suất tranh vé vớt, Serbia đã đi đến thành công ngày hôm nay bằng chính nỗ lực trong từng trận chiến của mình. Kể từ sau thất bại 1-2 trước Pháp ở lượt trận thứ hai, các học trò của Radomir Antic trải qua 7 trận bất bại với cả thảy 6 chiến thắng. Điểm cuối cùng của chuỗi trận ấn tượng đó chính là ngày thứ Bảy kì diệu (10/10/2009), khi Serbia hạ gục Romania tới 5 bàn không gỡ ở Crvena Zvezda, bằng đúng số bàn thắng mà "Gà trống Gaulois" nã vào lưới đội nhược tiểu Faroe. Nhưng chẳng giống như "cơn mưa lừa dối" trên đất Pháp, chiếc cầu vồng tuyệt sắc của người Serbia tạo ra ý nghĩa hơn rất nhiều. Bởi trên cái nền trời trong trẻo ấy, "chú chim ưng Viktor" đã có thể sải cánh bay tới vùng trời mơ ước ở Châu Phi xa xôi. Con tàu Serbia đã cập bến Nam Phi một cách đầy thuyết phục, khi dưới sân, Dejan Stankovic cùng các đồng đội đã vượt qua sức ép dữ dội từ tuyển Pháp, trên khán đài, đám đông cổ động viên nhà cũng không còn cuồng nhiệt một cách quá khích, để rồi tất cả vỡ òa trong niềm vui chung của cả dân tộc. Sau những năm tháng quần vợt xoa dịu vết thương lòng bởi khói lửa chiến tranh từ thời Nam Tư cũ, giờ đến lúc bóng đá Serbia tiếp tục sứ mạng hàn gắn nỗi đau của mình. Sức mạnh đại gia Chiến dịch vòng loại đã xong với các đại gia của bóng đá Châu Âu, nhưng điều đọng lại trong tâm trí người hâm mộ chính là sức mạnh đáng kinh ngạc mà họ thể hiện trong hơn 1 năm qua. Hà Lan chẳng đổ một giọt mồ hôi nào cũng cuốn bay các địch thủ của mình trên đường đến World Cup khi toàn thắng cả 8 trận ở bảng 9, ghi được 17 bàn (2.125 bàn/ trận) và chỉ để thủng lưới có vẻn vẹn 2 quả (0.25 bàn/trận). Tương tự, con số đó của Tây Ban Nha là 30 điểm (10 trận toàn thắng), ghi 2,8 bàn/ trận và 2 trận mới để lọt lưới 1 bàn. Đấy đều là những thống kê cực kì ấn tượng nếu nhìn vào đối thủ của họ ở vòng loại. Cả Bosnia, Bỉ (bảng 5), Na Uy, Scotland (bảng 9) đều được xếp vào loại khá ở châu Âu, thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn lọt vào top 4 ở Euro 2008 vừa qua, song tất cả cũng đành bất lực trong việc lấy được dù chỉ là 1 điểm từ tay hai đại gia đó. Sự đồng đều ở mọi tuyến, lối chơi hiện đại, hàng công siêu khủng được hỗ trợ bởi tuyến tiền vệ đầy tài năng là nhân tố quyết định cho chiến tích đó của The Orange và La Furia Roja. Nhận xét tương tự cũng đúng với Đức, Anh và phần nào là các nhà ĐKVĐ thế giới Italia. Cỗ xe tăng Đức vẫn duy trì được mạch chiến thắng ấn tượng của mình dưới bàn tay của Joachim Low sau thành công ở Euro 2008 khi đánh bại "những chú gấu" Nga - thách thức đáng kể nhất ở bảng 4 - trong cả 2 lần giao tranh. Sự lì lợm, già dơ cùng kỉ luật chiến thuật vốn là truyền thống bấy lâu nay của người Đức vẫn đang được duy trì và phát huy một cách hiệu quả nhất. Không giống như Đức, Sư tử Anh không có được thành tích bất bại bởi để thua Ukraine ở lượt trận áp chót. Nhưng người Anh hẳn sẽ cảm thấy hả hê bởi trận thua đó đã giúp họ trả cả vốn lẫn lãi món nợ mà đã vay của Croatia ở vòng loại Euro 2008 hai năm về trước. Bởi với 3 điểm có được ở trận đấu đó, Shevchenko cùng các đồng đội ở Ukraine đã giành vé đi đá play-off từ chính tay Croatia. Điều đó chẳng khác gì xát muối vào vết thương còn chưa lành của thầy trò Slaven Bilic khi trước đó, Croatia đã tử nạn đến hai lần trước tuyển Anh với những tỉ số không tưởng (4-1 ở lượt đi và 5-1 ở lượt về). Không ai ngờ sự có mặt của Fabio Capello lại có tác dụng nhanh và hiệu quả đến vậy. Từ ngày HLV người Italia lên nắm quyền, những chú sư tử Anh đã tìm lại được nanh vuốt thực sự của mình và việc vượt qua vòng loại chưa phải là điểm dừng cuối cùng cho sức mạnh đó. Nếu Capello đang làm mưa làm gió ở xứ sở sương mù, thì tại Italia, sự trở lại của Marcello Lippi cũng là sự bảo đảm cho một vé chính thức tới world Cup của Azzurri. Bao năm qua vẫn vậy, Italia chưa bao giờ được đánh giá cao ở... vòng loại bởi thói quen "khởi động máy" quá lâu của đội bóng áo màu thiên thanh, và lần này cũng không phải là ngoại lệ. Trước những đội bóng nhược tiểu của Châu Âu, chả ai còn nhìn thấy bóng dáng những nhà ĐKVĐ thế giới đâu nữa. Từ Cyprus tới Georgia, từ Bulgaria tới Montenegro, thầy trò Lippi biết bao lần phải trốn chạy cái chết ở phút cuối với sự giúp đỡ từ bàn tay của nữ thần may mắn. Ireland với chất Địa Trung Hải đặc sệt trên băng ghế huấn luyện (Trapattoni) suýt chút nữa đã có cuộc đảo chính thành công, nhưng sự xuất hiện kịp thời của những người hùng đóng vai trò "giải cứu mĩ nhân" đã chứng minh vì sao Italia chẳng bao giờ vắng mặt ở những ngày hội lớn của bóng đá thế giới. Song nếu phải nhìn nhận lại một cách công bằng, truyền thống là điều khó có thể thay đổi, và chiến thắng như chẻ tre của các ông lớn của bóng đá Châu Âu vì thế cũng chẳng có gì là khó lí giải. Bằng cách này hay cách khác, họ luôn biết đâu là thời điểm thích hợp để giành lấy chiến quả về cho mình. Điều đó nhìn ở một khía cạnh tích cực sẽ đảm bảo cho một bầu trời đầy sao ở Nam Phi mùa hè năm sau. Siêu sao... mờ, kẻ vô danh... tỏ Nếu đặt cạnh câu chuyện cổ tích của Slovakia thì việc Torres không có nổi một bàn thắng ở vòng loại xem ra còn khó tin hơn nhiều. Chẳng thể hiểu tại sao, khi mà các đồng đội nã tới 28 bàn vào lưới các thủ môn đối phương thì con đường tới khung thành đối phương của El Nino lại xa xôi tới vậy. Chẳng phải vì TBN thay đổi chiến thuật xoành xoạch khi mà phía sau anh vẫn là hàng tiền vệ hay nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, cũng chẳng thể đổ lỗi cho những người đá cặp với anh trên hàng công khi mà Villa có đến 7 bàn thắng ở vòng loại, chỉ có thể lí giải rằng cái duyên làm bàn muốn chơi trò ú tim với "Chú nhóc". Dẫu rằng chỗ đứng của Torres sẽ không vì "vết nhơ" này mà lung lay dù chỉ nửa xen-ti-met, song đến cả cầu thủ trẻ Negredo cũng lập cú đúp ngay lần đầu ra mắt La Furia Roja thì hẳn HLV Del Bosque sẽ phải rất đau đầu trong việc quyết định ai đi ai ở vào tháng 6 tới. Không giống như Torres; bộ ba Smolarek, Milan Baros (CH Séc) và Gekas (Hi Lạp) lại khiến người ta phải nhắc đến khả năng săn bàn của mình, với 4 lần sút tung lưới đối phương trong một trận đấu. Nhưng trước một San Marino luôn là cái rổ đựng trứng ở Châu Âu, "siêu phẩm" của Smolarek và Baros chẳng giúp cho đội nhà có cơ hội đi tiếp thì "cú ăn tư" của Gekas lại mang chiếc vé play-off quý giá về cho thầy trò Rehhangel. Ở Hi Lạp ngày hôm ấy (10/10/2009), Gekas đã trở thành hung thần của hàng phòng ngự Latvia với những pha chạy chỗ thông minh, những cú chạm tinh tế và những pha dứt điểm thần sầu. Tất cả hoàn hảo đến nỗi người Latvia chẳng thể hiểu mình đã bị đánh cắp giấc mơ như thế nào. Để rồi, 4 ngày sau đó, anh đã có bàn thắng thứ 10 cho riêng mình trong trận đấu với Luxembourg qua đó vượt mặt Rooney, Dzeko vươn lên dẫn đầu danh sách vua phá lưới ở vòng loại. Chưa biết lá thăm may mắn có làm rộng mở con đường tới Nam Phi cho Gekas cùng các đồng đội hay không, nhưng với danh hiệu "không chính thức" đó ít ra anh cũng xứng đáng được vinh danh trong ngôi nhà tinh tú của bóng đá châu Âu. Hơn ai hết, người Hi Lạp tin vào những câu chuyện thần thoại của mình, giờ là lúc họ vẽ tiếp bức tranh dang dở của Euro 2004 với một màu mực mới - Theofanis Gekas. Duy Thành

Nguồn VTC: http://vtc.vn/thethao/251-228836/bong-da-quoc-te/world-cup-khu-vuc-chau-au-tam-tham-3-mau.htm