Xã hội hóa đầu tư giao thông: Còn xa lắc

Thu hút đầu tư tư nhân cho các dự án giao thông còn chưa tương xứng, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài hạn chế.

“Ngành giao thông đã rà soát lại các dự án có quyết định đầu tư để xem lại mục tiêu, quy mô và đối chiếu lại tiêu chuẩn cũng như khả năng khai thác và khả năng huy động vốn để dự án hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), ông Nguyễn Ngọc Đông nói về những hành động của ngành này trong thời gian gần đây nhằm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công.

Dự án cảng Lạch Huyện (hợp phần cầu và đường) có vốn của Nhật Bản

Trước đó, hồi cuối tháng 7 vừa qua, báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2013 đã cho thấy, GTVT là ngành “vô địch” về đội vốn, với hàng loạt siêu dự án và dự án nhỏ lẻ tại các địa phương phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên cả nghìn tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn chứng, Dự án hầm Đèo Cả đã chậm tiến độ tới hơn 13 tháng do việc huy động vốn của các nhà đầu tư khó khăn. Qua rà soát đơn vị quản lý nhận thấy một số nội dung có thể phân kỳ đầu tư, chia nhỏ dự án để thực hiện từng bước thay vì đầu tư luôn một lần để vừa làm vừa tiếp tục kêu gọi vốn.

“Về cơ bản thì việc triển khai xây dựng vẫn theo đúng thiết kế ban đầu, song phải nhìn nhận là lúc đầu ta lập dự án có thể tính toán chưa thật sát, cho nên chúng tôi rà lại cả mục tiêu, quy mô trên cơ sở có tính toán lại các tiêu chuẩn, dựa trên các quy định quản lý về xây dựng cơ bản, nhằm tránh tình trạng đội giá”, ông Đông cho biết thêm.

Trong vòng 2 năm qua, ngành giao thông đã huy động được khoảng 117.000 tỷ đồng từ xã hội để đầu tư, chủ yếu theo hình thức BOT và BT. Tuy nhiên, theo ông Đông, con số này vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu đặt ra là giảm nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, với tỷ trọng ở mức khoảng 60% vốn xã hội, 40% vốn Nhà nước.

Đáng chú ý, trong việc huy động nguồn lực từ xã hội hiện nay cũng chưa có nhiều đầu tư của NĐT nước ngoài vào các dự án giao thông, đặc biệt là đường bộ, đường sắt. Hiện chỉ có một số dự án lớn như cảng Lạch Huyện, sân bay Long Thành… đang kỳ vọng sẽ có NĐT nước ngoài tham gia vào một số hạng mục.

Sự hạn chế trong huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư các công trình giao thông, theo ý kiến của các chuyên gia, là do bất cập về hệ thống thể chế và chính sách. Trong đó, quan trọng nhất là cơ chế chia sẻ rủi ro chưa được thể hiện rõ ràng trong hợp đồng theo quy định của luật pháp. Do đó, NĐT chưa thấy được quyền lợi của mình khi rót vốn vào lĩnh vực này. Vì vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị cần xây dựng luật riêng cho đầu tư của ngành GTVT nói chung, cũng như kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng để quy định chặt chẽ và cụ thể về trách nhiệm và quyền lợi của các bên tham gia.

Báo cáo của Chính phủ tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế cũng nêu lên nhiều bất cập làm cản trở quá trình xã hội hóa đầu tư công, thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), đặc biệt là trong ngành GTVT. Theo đó, hiện mới chỉ có văn bản luật về PPP ở cấp Nghị định và chưa có Luật về PPP. Đồng thời, các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng chưa đầy đủ. Danh mục các dự án PPP hiện nay chưa được xây dựng và công bố. Chưa kể, Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu về PPP như các nước trên thế giới, khiến NĐT nước ngoài khó tiếp cận thông tin các dự án PPP giao thông tại Việt Nam.

Quy định muốn thay nhà thầu phải tổ chức đấu thầu lại, thay vì chọn tiếp nhà thầu đứng thứ hai, việc phân xử trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà thầu phức tạp nên cũng gây thêm thủ tục kéo dài, làm hạn chế việc kêu gọi nhà thầu tham gia vào dự án.

Ngọc Khanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/3-xa-hoi-hoa-dau-tu-giao-thong--con-xa-lac-25695.html