Xả lũ hồ Sơn La và hồ Hòa Bình: Đã khắc phục được 'bài học Hố Hô'?

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mặc dù chưa đến thời gian lũ chính vụ nhưng mực nước ở các hồ thủy điện đã ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (BCĐ T.Ư PCTT), từ 6h ngày 18.7 và sáng 19.7, hồ Sơn La và hồ Hòa Bình đã được vận hành xả lũ. Dự kiến mực nước hạ lưu tại Hà Nội khi hồ Hòa Bình xả lũ sẽ lên, từ khoảng 7-8m. Đến trưa 19.7, việc xả lũ bước đầu đã diễn ra an toàn.

Mở cửa xả đáy Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ảnh: TTXVN

“Thở phào” sau xả lũ

Thực hiện chỉ đạo của BCĐ T.Ư PCTT, ngày 18.7, hồ Tuyên Quang đóng 1 cửa xả đáy còn lại vào hồi 16h00, hồ Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy: 1 cửa vào hồi 18h00 và 1 cửa vào hồi 6h00 ngày 19.7. Cùng ngày 19.7 hồ Sơn La mở 1 cửa xả đáy vào hồi 8h00 và hồ thủy điện Hòa Bình đến 12h trưa, mực nước đo được ở cao trình 106,04m, lưu lượng nước đổ về hồ ở mức 5.200m3/giây. Thủy điện Hòa Bình đã phải liên tục duy trì phát điện tối đa 8 tổ máy với tổng lưu lượng khoảng 2.390m3/s và xả qua tràn là 3.200m3/s. Trên bậc thang trên của thủy điện Hòa Bình là thủy điện Lai Châu, lưu lượng nước xả qua chạy 3 tổ máy là 1.491m3/s, không xả qua tràn, trong khi lưu lượng nước về hồ là 1.696m3/s. Tương tự, thủy điện Tuyên Quang không xả tràn, xả qua chạy máy là 730m3/s, trong khi lưu lượng nước về hồ là 1.060m3/s.

Theo Phó Giám đốc Cty Thủy điện Sơn La Khương Thế Anh, lưu lượng mưa trên hồ Thủy điện Sơn La ở mức thấp. Tuy nhiên, mực nước hiện tại đang vượt mức ngưỡng 197,3 nên hồi 8 giờ sáng 19.7, Thủy điện Sơn La đã tiến hành mở một cửa xả đáy với lưu lượng nước qua tràn là 1.645m3/s, tổng lưu lượng xả qua đập từ 3.345m3/s - 5.045m3/s. Đồng thời, Thủy điện Sơn La đã phối hợp với chính quyền địa phương để thông báo đến người dân vùng thượng lưu, hạ lưu chuẩn bị phương án đối phó.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết: BCĐ yêu cầu các thủy điện trên lưu vực sông Hồng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo theo dõi sát sao diễn biến của mưa lũ thượng nguồn để có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời có kế hoạch thông báo đến các địa phương vùng hạ du. Sáng 19.7, đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng BCĐ T.Ư PCTT Nguyễn Xuân Cường đã lên Tuyên Quang kiểm tra việc xả đáy. Cùng ngày, đoàn công tác do Ủy viên thường trực BCĐ T.Ư PCTT Trần Quang Hoài làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hạ du tại tỉnh Hòa Bình. Ông Trần Quang Hoài cho biết: Cho đến chiều 19.7, việc xả lũ đã diễn ra an toàn, không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. “Có thể coi đây là thắng lợi của BCĐPCTT và Thủy điện Hòa Bình cùng lãnh đạo địa phương bởi việc xả lũ đợt này vô cùng lớn (trên 5.000m3/giây), có tác động rất mạnh mẽ đến rất nhiều địa phương”. Các tỉnh, thành phố hạ du thủy điện Hòa Bình triển khai các biện pháp ứng phó với xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, trong đó các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương có văn bản, công điện chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trực thuộc. Các tỉnh phía hạ du như: Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng…, nước xả phải ra đến tận cửa biển mới hết bị tác động.

Hồ Hòa Bình tiến hành xả lũ sáng 19.7. Ảnh: P.V

Các hồ, đập có “trụ vững” trong mùa mưa lũ 2017?

Theo ông Lê Văn Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Bộ NNPTNT), hầu hết các hồ đều có mực nước trong quy định điều hành. Về trường hợp Hồ Núi Cốc, việc gia cố các vết thấm, nứt tại hồ sẽ được tiến hành trong tuần tới. Hiện tại vẫn chưa triển khai được dù địa phương cố gắng đẩy nhanh tiến độ, nhưng vướng quá nhiều thủ tục như: Thẩm tra, thẩm định… Để đảm bảo an toàn, trước mắt, trong những ngày tới cần hạ thấp mực nước qua các cửa tràn. “Hiện tại mực nước tại hồ Núi Cốc vẫn đang ở mức thấp, vẫn nằm trong quy trình vận hành. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cần theo dõi kỹ chỗ thấm, đề phòng vết thấm mở rộng ra. Hiện tại, các giải pháp chủ động phòng, chống sự cố đã được chuẩn bị kỹ” - ông Lê Văn Dương nhấn mạnh.

Chiều 19.7.2017, trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Huy Hoàng - Cụm trưởng Cụm đầu mối hồ Núi Cốc cho biết: “Đập Hồ Núi Cốc hiện nay vẫn bình thường, hiện tượng thấm ổn định. Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, từ nửa tháng nay hồ đập vẫn xả nước thường xuyên để giữ mực nước ổn định ở cao trình 43, thời điểm xả cao là 200m3/s. Tính đến chiều 19.7, hồ đập vẫn đang tiếp tục xả lũ, hiện tại mức nước đang ở cao trình 43.38 và lưu lượng xả đang là 100m3/s.

Còn ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Tổng giám đốc Thủy điện Bản Vẽ, cho rằng: Vì lưu lượng mưa tại khu vực hồ Thủy điện Bản Vẽ không lớn và đơn vị vẫn đang chờ tích nước, mực nước hiện đang ở mức 164 thấp hơn mức bình thường là 200.

Báo cáo của Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập cho thấy: Mực nước các hồ chứa đang ở mức thấp, trong đó các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đạt 50-60% dung tích thiết kế; các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ đạt 58-68% dung tích thiết kế; 2 hồ chứa có cửa van đang xả nước là hồ Đá Hàn (Hà Tĩnh) do chưa hoàn thành hệ thống kênh sau đập; đặc biệt, từ 13h ngày 17.7, hồ Núi Cốc vận hành xả với lưu lượng 100m3/s để đảm bảo an toàn hồ.

Chiều 19.7, BCĐ T.Ư PCTT đã có công văn số 313 gửi Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hòa Bình liên quan tới việc một số người dân chụp ảnh ở khu vực gần đập tràn và hạ lưu đập Hòa Bình gây nguy hiểm. Theo đó, Ban chỉ đạo PCTT-TKCN Hòa Bình cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân không tiến hành các hoạt động tại những khu vực nguy hiểm ở chân đập tràn và hạ lưu đập.

Ngày 19.7.2017, đánh giá về thiệt hại do bão số 2, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, cho biết: Bão số 2 đã làm 7 người chết, 5 người mất tích; 172 ngôi bị sập, đổ; 6.126 nhà bị tốc mái; 52 nhà phải di dời; 64 chiếc tàu cá bị chìm, 2 xà lan, 8 tàu hàng bị mắc cạn tại Quảng Bình. L.V

KIM KHÁNH - DUY THIÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/xa-lu-ho-son-la-va-ho-hoa-binh-da-khac-phuc-duoc-bai-hoc-ho-ho-684883.bld