Xã Tân Xã, huyện Thạch Thất: Chới với sau thu hồi đất

(HNM) - Xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã lấy đi của xã Tân Xã, huyện Thạch Thất 540ha/834ha đất (chiếm gần 65% diện tích). Trong đó, có thôn phải thu hồi 100% diện tích (kể cả đất thổ cư) khiến cả làng phải dời đi nơi khác. Sự xáo trộn lớn đó khiến cuộc sống của không ít hộ gia đình rơi vào khó khăn.

"Nhường" đất cho dự án

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu công nghệ cao Hòa Lạc và một số dự án giao thông khác, từ năm 1998, xã Tân Xã đã liên tiếp phải thu hồi đất phục vụ các dự án. Xã có 10 thôn, thì chỉ có thôn 6 là mất ít đất sản xuất nhất (khoảng 10% diện tích), các thôn 1,4,9 mất 100% diện tích sản xuất. Riêng thôn 10, mất 100% diện tích đất sản xuất và cả đất ở (khoảng 100ha), khiến cả thôn (30 hộ dân) phải dời nhà đi nơi khác. "Đến nay, một số hộ đã chuyển đến khu tái định cư Bắc đường 84 trên địa bàn xã Bình Yên, số khác về quê, còn 4-5 hộ vẫn bấu víu vào chỗ ở cũ vì chưa tìm được bến đậu mới" - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xã Nguyễn Minh Đức cho hay.

Cuộc sống ở Tân Xã có nhiều xáo trộn.

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi về thôn 1, xã Tân Xã, cảnh làng quê vẫn chưa có gì khác lạ, vẫn những ngôi nhà mái ngói, những con đường đất quanh co, bé nhỏ. Trưởng thôn Lê Hồng Minh hóm hỉnh cho hay: “trông vậy thôi chứ ở đây giờ nhiều tỷ phú lắm. Cấp trên vừa hoàn tất việc chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 38 hộ dân với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Sắp tới, khi hoàn tất thủ tục của các hộ còn lại, chi trả hết, cả thôn 1 sẽ có trên 100 tỷ đồng, đồng nghĩa với đó là số tỷ phú sẽ ngày một nhiều hơn". Tuy nhiên, cầm số tiền lớn trong tay mà không mấy ai thanh thản bởi ngoài xây nhà, mua xe, họ chưa biết sẽ sử dụng tiền thế nào để bảo đảm kế sinh nhai về sau khi không còn ruộng đất. Là thôn lớn nhất của xã Tân Xã với 285 hộ dân, trên 900 nhân khẩu, thôn 1 có 128ha đất tự nhiên, trong đó đất sản xuất khoảng 50ha chủ yếu trồng lúa, sắn, lạc nhưng từ năm 2011 đến nay đã cơ bản bị thu hồi hết 100% diện tích đất canh tác.

Chật vật tìm việc làm

Có một nghề gì đó ổn định, tại chỗ, có thu nhập... là niềm mong ước của đại bộ phận nông dân có đất bị thu hồi nhưng dường như khó thành hiện thực. Xã Tân Xã nằm xa trung tâm huyện, lại không có làng nghề truyền thống, người dân chủ yếu sống thuần nông. "Sau thu hồi đất, nhiều nam giới trong làng đi phụ hồ, làm thợ xây. Số khác chuyển sang làm mộc, nhưng không có vốn để mở xưởng, họ chủ yếu đi làm thuê tại các làng nghề trong huyện như: Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu, Hữu Bằng"… ông Lê Hồng Minh, trưởng thôn 1 cho hay. Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã thì nhận định, sau thu hồi đất, số lao động thiếu việc làm trong xã ngày một nhiều, chủ yếu rơi vào phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tuổi từ 35 trở lên. "Ở tuổi này, chị em rất khó tìm được việc làm tại các công ty do trình độ không có và tuổi cao. Trước đây, khi đất nông nghiệp còn, vừa trồng lúa, trồng sắn phục vụ chăn nuôi là có thu nhập, tạm đủ mưu sinh và cho con cái học hành. Nay không còn nguồn thu, cuộc sống không ít gia đình rơi vào khó khăn" - chị Dung cho biết.

Giải bài toán việc làm sau thu hồi đất, xã Tân Xã đã mở nhiều lớp nghề về địa phương. Năm 2011, xã đã mở được 5 lớp dạy nghề mây giang đan cho khoảng 150 người và một lớp hàn xì. Từ đầu năm 2012 đến nay, xã đã mở được 2 lớp nghề mây giang đan và một lớp nghề may công nghiệp. Nhưng số người trụ lại với nghề rất ít vì không phải là nghề truyền thống nên tay nghề của thợ chưa cao, thị trường lại bấp bênh. Nhân cấy mãi cũng chỉ được khoảng 100 chị em làm nghề mây giang đan và 3 tổ may với khoảng 20 người.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xã Nguyễn Minh Đức cho biết về một hướng đi khác: "Chúng tôi đang nghĩ đến việc vận động người dân xây nhà cho học sinh, sinh viên, công nhân làm việc trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê. Tuy nhiên, kỳ vọng này chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực bởi Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau gần 12 năm triển khai xây dựng vẫn chưa rõ nét". Ông Đức cho rằng, những người nông dân sau thu hồi đất rất cần được "tiếp sức" của các ngành, các cấp về mọi mặt: dạy nghề, tìm kiếm việc làm, đặc biệt là cách sử dụng tiền bồi thường cho sinh lợi để bảo đảm mưu sinh - Đó đang là "bài toán" nan giải ở cơ sở.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/xa-hoi/550691/xa-tan-xa-huyen-thach-that-choi-voi-sau-thu-hoi-dat.htm/