Xâm hại rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam): 4 'nhà' cùng 'thề' giữ rừng!

Rừng dừa Cẩm Thanh (xã Cẩm Thanh) ở cửa sông Thu Bồn, nằm trong vùng đệm khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, là một 'báu vật' của mảnh đất di sản Hội An. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch 'nóng' tại đây những năm qua cùng với việc quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến thực trạng xâm hại rừng dừa, ô nhiễm môi trường, tận diệt sinh thái...

Ký kết tuyên bố chung. Ảnh: P.V.

Ký kết tuyên bố chung. Ảnh: P.V.

Phát triển du lịch "chạy" trước, bảo tồn "lội bộ" theo sau

Ngày 18.5, UBND TP.Hội An tổ chức buổi tọa đàm "Quan điểm của các bên liên quan hướng tới sự hài hòa - phát triển rừng dừa Cẩm Thanh và cửa sông Thu Bồn" nhằm phần tích tổng quan về hiện trạng, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và thách thức đang diễn ra đối với công tác quản lý, khai thác và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh và tài nguyên vùng cửa sông Thu Bồn... với sự tham dự của 4 "nhà". Đó là nhà doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học và chủ thể trực tiếp là cộng đồng dân cư sinh sống tại địa bàn.

Phát triển du lịch tại rừng dừa Cẩm Thanh.

Khuyến cáo của các nhà khoa học cũng nêu rõ, cần xác định rõ việc phát triển du lịch tại rừng dừa Cẩm Thanh là phương tiện hay sinh kế, ý nghĩ như thế nào, cần có hành lang pháp lý để có cơ sở bảo tồn rừng dừa, bảo vệ môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học của 92 loài thủy hải sản tại địa bàn, không thể chỉ khai thác ở bề rộng mà không có chiều sâu...

Ông Lê Xuân Ái - nguyên giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo - cho rằng, phát triển du lịch tại địa bàn rừng dừa nước chỉ nên hướng đến những sản phẩm mà du khách xem được, nghe được, thưởng thức được. Cần tránh việc xây dựng nhà nghỉ, khách sạn tại nơi này.

Bà Trần Thị Hồng Thúy- Giám đốc trung tâm quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - cho biết, buổi đối thoại hôm nay là vô cùng ý nghĩa, để các bên có liên quan tìm được tiếng nói chung góp sức vào công cuộc bảo tồn và phát triển du lịch tại nơi này. Khác với khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm được bảo tồn trước, rồi phát triển du lịch đi sau, tại rừng dừa Cẩm Thanh đã phát triển du lịch trước, trong khi công tác bảo tồn còn nhiều bị động phía sau cũng là bài học kinh nghiệm.

"Lời thề" giữ rừng!

Kết thúc tọa đàm, đại diện các bên liên quan cũng đã đồng lòng ủng hộ và ký kết một biên bản ghi nhớ ra tuyên bố chung về nội dung đối thoại, thống nhất thực hiện với 7 nhóm nội dung.

Cụ thể, các bên khẳng định việc bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh cũng như các giá trị tài nguyên khác tại hạ lưu sông Thu Bồn là nền tảng, điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch sinh thái cũng như các dịch vụ khác. Các bên quan ngại trước những tác động từ thiên nhiên và các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến môi trường các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên.

Các bên nhận thức rõ lợi ích và hiệu quả trong quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng dừa Cẩm Thanh và tài nguyên nói chung thông qua mô hình hợp tác 4 nhà là đại diện của 4 bên tham gia. Các bên nhất trí cao và cam kết tham gia có trách nhiệm, có lộ trình, theo kế hoạch trong công cuộc bảo tồn và phát triển bền vững rừng dừa nước và tài nguyên thiên nhiên. Các bên cam kết triển khai các hoạt động theo quy định của pháp luật, các quy định của địa phương, các điều khoản trong tuyên bố này...

Phước Bình

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/xam-hai-rung-dua-cam-thanh-hoi-an-quang-nam-4-nha-cung-the-giu-rung-665803.bld