Xây bình yên biên cương

(Baonghean) - Trong điều kiện công tác còn nhiều khó khăn, thách thức, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã không quản ngại gian lao, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó, giữ vững bình yên biên cương Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Cắn (Kỳ Sơn) tuần tra đường biên, cột mốc. Ảnh: Hải Thượng

Địa bàn xã vùng biên Thông Thụ (Quế Phong) núi cao hiểm trở, với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Từ năm 2012, khi Thủy điện Hủa Na khởi công, 11/13 bản của xã thuộc diện phải di dời. Xây dựng cuộc sống nơi ở mới, người dân Thông Thụ chậm thích nghi nên đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, phải dựa nhiều vào nguồn gạo hỗ trợ hàng năm của Thủy điện Hủa Na.

Từ những điều kiện thực tế đó, Thông Thụ là địa bàn mà các loại tội phạm về ma túy, buôn bán người... nhắm tới, lôi kéo người dân, lợi dụng địa hình xây dựng “căn cứ”.

Giữ vững đường biên, bảo vệ an ninh lãnh thổ quốc gia, Đồn Biên phòng Thông Thụ ý thức rõ tầm quan trọng của việc “lấy dân làm gốc” để thực thi tốt hơn nhiệm vụ.

Đại úy Trần Văn Thưởng - Chính trị viên, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết: “Chúng tôi xác định, một khi cái ăn chưa no, cái mặc chưa đủ ấm và nhận thức chưa được đầy đủ, thì bà con rất dễ bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo.

Những năm gần đây, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, quản lý 29,5 km đường biên cùng 10 cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự và các nhiệm vụ khác, Đồn biên phòng Thông Thụ đặc biệt chú trọng học tập, nghiên cứu, khảo nghiệm các mô hình kinh tế hộ để giúp đỡ bà con…”.

Không ngừng thử nghiệm từ trồng trọt đến chăn nuôi, dần dà, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế và phối hợp Đảng ủy, chính quyền xã đưa vào áp dụng cho bà con ngay, từ đó nhân rộng cho hộ khác trên địa bàn...

Đến nay, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã chuyển giao, hỗ trợ khá nhiều mô hình kinh tế tạo thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho các hộ dân, như: Mô hình VAC của ông Hà Đức Tính ở bản Hiệp Phong, ông Ngân Văn Thanh ở bản Hủa Na 1, mô hình trồng nấm cho ông Phang Văn Thanh ở bản Lốc...

Đại úy Trần Văn Thưởng không khỏi tự hào khi đích thân giới thiệu các mô hình kinh tế mà các chiến sỹ mang quân hàm xanh xây dựng trên miền đất đá cằn này. Ấy là mô hình trồng chanh leo cho thu nhập cao của gia đình ông Quang Văn Dũng. Trước đây do nhận thức hạn chế, lại bị bạn bè rủ rê nên ông Dũng dính vào ma túy.

Bao nhiêu sức lực, của cải tiêu tán theo làn khói trắng, tới mức cơm không có ăn, áo không đủ mặc. Thế rồi, được sự động viên của bộ đội biên phòng, của chính quyền và cũng nhận ra tác hại từ ma túy, ông Dũng quyết tâm đi cai nghiện, làm lại cuộc đời.

Phá Chuyên án 339L bắt đối tượng Hạ Bá Cu với tang vật là 20 bánh heroin. Ảnh Hải Thượng

Trở về tái hòa nhập cộng đồng với tài sản chỉ 2 bàn tay trắng, không nghề, chẳng nghiệp. Giữa cơn túng quẫn, ông được các anh bộ đội biên phòng đến ở tại nhà, trồng và hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc chanh leo, từ vun gốc đến tỉa cành, tỉa quả... Năm vừa rồi là năm đầu tiên gia đình ông thu hoạch chanh leo được 7 tạ, bán với giá 15.000 đồng/kg.

Nói về công ơn của các chiến sỹ biên phòng, ông Dũng xúc động chia sẻ: “Càng nghĩ về những sai lầm trước đây, tôi càng cảm nhận được tình cảm của các anh bộ đội biên phòng dành cho mình. Nếu không có các anh thì cuộc đời tôi, gia đình tôi không biết sẽ đi về đâu. Giờ tôi biết làm kinh tế rồi, có tiền rồi, thì chẳng kẻ xấu nào có thể rủ rê, lôi kéo được nữa ... Các anh bộ đội biên phòng như đã sinh ra tôi một lần nữa!”.

Không chỉ áp dụng các mô hình kinh tế trên địa bàn, để tăng cường tình đoàn kết Việt - Lào thêm bền chặt, Đồn Biên phòng Thông Thụ còn triển khai mô hình VAC cho bà con bên kia biên giới. Đó là mô hình VAC cho ông Vừ Và Pó ở bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ (Hủa Phăn, Lào) với 500 gốc cam Xã Đoài, 150 cây xoài và 3.000m2 ao thả cá. Đến nay, những giống cây, con ngắn ngày đã cho gia đình ông Pó thu nhập hàng chục triệu đồng...

Không riêng Đồn Biên phòng Thông Thụ mới được chứng kiến sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm của bà con dân bản, mà bất cứ nơi đâu các cán bộ, chiến sỹ mang quân hàm xanh đi qua, ở lại, là nơi đó bản làng giàu hơn và an bình hơn.

Đồn Biên phòng Môn Sơn (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) quản lý 35 km đường biên, 7 cột mốc thuộc địa phận xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Giống như hầu hết các xã vùng biên giới, Môn Sơn là xã còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo trên 30%; trong đó có bản Búng và bản Cò Phạt của tộc người Đan Lai tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 100%.

Đứng chân ở địa bàn có Vườn quốc gia Pù Mát, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã ký kết quy chế phối hợp với Ban Quản lý Vườn bảo vệ hơn 100 ha rừng tự nhiên ở đầu nguồn sông Giăng, sát biên giới nước bạn Lào. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển rừng ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Bởi người dân địa phương vốn có thói quen dựa vào khai thác lâm sản để sinh sống.

Theo chân Thượng tá Phạm Hữu Tình - Chính trị viên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn đến bản Làng Cằng, gặp anh Ngân Văn Tình vừa lúc anh đang chuẩn bị thức ăn cho 3 con lợn là con giống của đồn hỗ trợ gia đình anh từ hơn 5 tháng trước.

Anh Tình cho hay: Trước đây, do không có vốn nên muốn nuôi con gì để phát triển kinh tế cũng đành chịu, lại phải vào rừng kiếm cái ăn. Giờ tôi yên tâm hơn rồi. Được bộ đội cho lợn giống lại còn hướng dẫn cách chăm sóc nên lợn nhanh lớn lắm. Tết này tôi sẽ bán bớt 1 con để mua sắm quần áo mới cho con, còn lại tôi sẽ đầu tư mua vài con lợn giống, mấy con gà để nuôi và vận động các hộ khác nữa cùng chăn nuôi.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương) hướng dẫn người dân chăm sóc cây chanh leo. Ảnh: Hải thượng

Chứng kiến sự phấn khởi của đồng bào khi gặp cán bộ, chiến sỹ biên phòng nơi vùng biên, về sự thoát nghèo của anh Ngân Văn Tình ở huyện Con Cuông, ông Quang Văn Dũng ở huyện Quế Phong..., càng hiểu thêm tấm lòng, trách nhiệm của các anh bộ đội biên phòng với nhân dân, với nhiệm vụ bảo vệ bình yên biên cương của Tổ quốc.

Đại tá Lê Như Cương - Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Một khi bà con còn nghèo, nhận thức chưa cao thì sẽ còn có nguy cơ bị các đối tượng thù địch, tội phạm lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Muốn tuyến biên giới bình yên thì nhà nhà phải ấm no, hạnh phúc.

Bởi thế, chúng tôi xác định bên cạnh nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, nắm bắt tình hình để chủ động đấu tranh triệt để, quyết liệt với các loại tội phạm, thì việc xây dựng kinh tế vùng biên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tính then chốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia...

Mùa Xuân nữa đã về với đại ngàn miền Tây tỉnh nhà. Những vườn đào rừng đã đua nhau sắc hồng, Và điểm nhấn trong bức tranh Xuân đầy màu sắc ấy là màu xanh của niềm tin, của đồng hành cùng sự bình yên mà những người chiến sỹ biên phòng Nghệ An đã mang lên với bản, với mường...

Cảnh Nam

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-phong/201701/xay-binh-yen-bien-cuong-2777884/