Xây dựng đề án cung ứng thủy sản an toàn là yêu cầu cấp thiết

Sau sự cố môi trường tại Hà Tĩnh và một số cảnh báo về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong thủy sản đã khiến người tiêu dùng có yêu cầu cao hơn khi sử dụng thủy sản, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, công nghệ bảo vệ, chế biến... Trước tình hình đó, Đà Nẵng nhận thấy cần thiết phải xây dựng Đề án "Cung ứng thủy sản an toàn giai đoạn 2017-2020" nhằm đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng thủy sản từ việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, kiểm soát các công đoạn sản xuất, chế biến, kinh doanh trước khi đến tay người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng trao đổi với các chủ tàu
về công tác kê khai xuất xứ, nguồn gốc thủy sản.

Hơn 2.000 lao động tham gia bán lẻ thủy sản

Hiện nay tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn thành phố khoảng 418 ha. Sản lượng nuôi hằng năm là 700 tấn cá, 140 tấn tôm. Ngoài ra, thành phố còn có 1.162 chiếc tàu (407 tàu có công suất từ 90CV trở lên) và 474 chiếc thúng máy khai thác hải sản. Tổng sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm 2016 hơn 20.000 tấn... Cảng cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang là nơi tập trung nguồn thủy sản từ tàu, xe về Đà Nẵng để tiêu thụ. Thành phố hiện có 23 doanh nghiệp chế biến quy mô công nghiệp với điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản. Trong đó có 17 doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh với năng lực sản xuất hơn 40.000 tấn, sản lượng năm 2015 đạt hơn 30.000 tấn hải sản, thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu chiếm hơn 75%, thị trường trong nước là 25%, trong đó tiêu thụ tại Đà Nẵng khoảng 15%. Ngoài ra, tại Đà Nẵng cũng có hơn 20 cơ sở có kho lạnh bảo quản sản phẩm, tổng công suất từ 8.000 - 10.000 tấn, phục vụ cho nhu cầu bảo quản nguyên liệu, sản phẩm thủy sản; 121 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến và kinh doanh (chuyên doanh) thủy sản hoạt động tại các địa phương phục vụ tiêu thụ nội địa. Sản lượng thủy sản chế biến tiêu thụ nội địa hằng năm đạt từ 8.000 - 10.000 tấn/năm, doanh thu hơn 150 tỷ đồng/năm...

Theo kết quả khảo sát, trung bình một ngày có 200 tiểu thương đến cảng cá thu mua thủy sản về phân phối, bán lẻ cho người tiêu dùng. Hiện có đến 2.016 lao động tham gia bán lẻ thủy sản tại các chợ trên địa bàn thành phố. Các hộ bán lẻ mỗi ngày bán trung bình 50-70kg cá/hộ. Ngoài lực lượng bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố, nguồn hải sản tại Cảng cá Thọ Quang còn phân phối đi các chợ lân cận tỉnh Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi và đóng xe lạnh đi các tỉnh Tây Nguyên. Mỗi ngày có 50-60 lượt xe ô-tô các loại vận chuyển hải sản đi các tỉnh để tiêu thụ và cung cấp cho các nhà máy chế biến hải sản.

Hạ tầng kỹ thuật tại chợ Đầu mối và Cảng cá Thọ Quang vẫn chưa đáp ứng được
yêu cầu đảm bảo ATTP thủy sản.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đánh bắt hải sản

Dù trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố chưa phát hiện các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến chất lượng, ATTP thủy sản nuôi. Thủy sản giám sát chỉ phát hiện 1 mẫu nhiễm vi sinh (Salmonella), không phát hiện dư lượng kháng sinh cấm trên thủy sản nuôi, không phát hiện độc tố PSP, chì, thủy ngân trên nghêu nuôi. Qua kết quả giám sát thủy sản khai thác từ năm 2012 đến nay, phát hiện 4 mẫu thủy sản có chứa hàm lượng Urea trên 50mg/kg (mức khuyến cáo an toàn), không phát hiện hàn the, chất bảo quản... Tuy nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thiết bị và công nghệ sơ chế, bảo quản từ khâu đánh bắt đến khâu tiêu thụ của các cơ sở còn lạc hậu, chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn ATTP. Ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định đảm bảo ATTP của phần lớn lao động trong chuỗi còn thấp, đặc biệt là khám sức khỏe định kỳ, ghi chép nhật ký khai thác, thông tin nguyên liệu, sản phẩm của cơ sở. Đồng thời, việc ghi chép số liệu trong sản xuất, kinh doanh thủy sản chủ yếu dùng để tính hiệu quả kinh tế hằng ngày nên khó truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về ATTP. Hạ tầng kỹ thuật tại cảng cá Thọ Quang vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo ATTP thủy sản...

Vì vậy, từ 2017-2020, TP Đà Nẵng sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về ATTP, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, đạo đức của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm thủy sản. Đồng thời, hướng dẫn vùng khai thác thủy sản, quy định sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc thú y, hóa chất, sản phụ gia thực phẩm trong sản xuất thủy sản. Phổ biến kiến thức, thông tin khoa học, kinh nghiệm xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm sạch, thực hành sản xuất tốt, hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và kinh doanh thủy sản để các tổ chức, cá nhân thực hiện. Cũng như, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn. Hình thành và nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, triển khai việc kê khai nguồn gốc xuất xứ thủy sản nhập vào cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang để tiêu thụ tại Đà Nẵng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đánh bắt hải sản nhằm xác định vùng biển khai thác của tàu kết hợp với kiểm tra thông tin từ nhật trình khai thác. Tổ chức lấy mẫu giám sát thủy sản nhập vào cảng, chợ đầu mối để cảnh báo đến các hộ kinh doanh nhằm lựa chọn các nguồn cung ứng thủy sản an toàn nhập vào thành phố. Sắp xếp, bố trí các thành phần kinh tế hoạt động tại cảng cá, chợ cá Thọ Quang để đảm bảo vệ sinh, ATTP từng cơ sở trong khu vực. Đồng thời, chọn các hộ, các cơ sở đảm bảo quy định về ATTP tham gia mô hình liên kết chuỗi cung ứng thủy sản an toàn, có sự kết nối chia sẻ thông tin giữa các khâu để sản phẩm thủy sản đến tay người tiêu dùng đảm bảo được ATTP. Đối với thủy sản khai thác, để xây dựng liên kết cần hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định tàu cá khai thác thủy sản tại các vùng biển qua thiết bị định vị vệ tinh. Các tàu cá tham gia chuỗi cam kết thực hiện nhắn tin vị trí khai thác mỗi ngày một lần về trạm bờ để thể hiện hành trình khai thác thủy sản tại Chi cục Thủy sản... Phấn đấu đến năm 2020, 100% lao động trong chuỗi cung ứng thủy sản được phổ biến hướng dẫn các quy định đảm bảo ATTP; hơn 90% thủy sản nhập vào cảng cá, chợ cá được kê khai nguồn gốc, xuất xứ. 100% cơ sở chế biến, kinh doanh thủy sản được kiểm tra, đánh giá và được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP; xác nhận được 7-8 chuỗi cung ứng thủy sản an toàn và xây dựng được 2 cơ sở kinh doanh thủy sản có thông tin về nguồn gốc xuất xứ, được kiểm nghiệm một số chỉ tiêu về ATTP...

Lê Hùng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_161519_xay-du-ng-de-a-n-cung-u-ng-thu-y-sa-n-an-toa-n-la-.aspx