Xây dựng hệ thống giao thông văn minh, thân thiện

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội vừa tổ chức hội nghị phản biện đối với tờ trình và dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm tải ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030” của UBND thành phố trình tại kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố khóa 15. Nhìn chung, các chuyên gia tham gia hội nghị đồng tình với chủ trương của thành phố, tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn.

Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm tải ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030" đưa ra sáu nhóm giải pháp, tập trung việc quản lý số lượng và phạm vi hoạt động đối với phương tiện tham gia giao thông, như tổ chức ô-tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; quy định các tuyến phố, khu vực cấm ta-xi vào giờ cao điểm và toàn bộ thời gian trong ngày...; phân vùng hạn chế và dừng hoạt động đối với xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Về vận tải hành khách công cộng, thành phố phát triển hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt; rà soát, sắp xếp mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt theo Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội”...

Dự thảo cũng đưa ra lộ trình, các giải pháp cụ thể để triển khai: Từ nay đến năm 2018, sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện giao thông, tăng cường quản lý Nhà nước về giao thông vận tải; giai đoạn đến năm 2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng; giai đoạn đến năm 2030, triển khai các giải pháp tổng thể, nhằm bảo đảm các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn quận. Trong đó, việc phát triển phương tiện giao thông công cộng được ưu tiên, cùng với phát triển đường sắt đô thị, thành phố sẽ đa dạng hóa các loại hình xe buýt: đưa vào hoạt động xe buýt hai tầng có sức chứa lớn, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch; tối ưu hóa mạng lưới xe buýt, bảo đảm cự ly tiếp cận của người dân dưới 500m.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học nhìn chung đều nhất trí cao với sáu nhóm giải pháp mà dự thảo Nghị quyết đề xuất. Về quản lý chất lượng phương tiện, hiện nay cơ quan đăng kiểm mới kiểm định chất lượng ô-tô theo định kỳ. Giáo sư Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng bộ môn Công trình (Trường đại học Giao thông vận tải) cho rằng, việc cấm lưu thông các phương tiện không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường là cần thiết, nhưng hiện chưa có quy định xử lý đối với xe máy. Thành phố cần phối hợp cơ quan đăng kiểm sớm có quy định về vấn đề này. Việc thu hồi phương tiện không bảo đảm như dự thảo Nghị quyết đề xuất cần xem lại, vì muốn thu hồi thì cần cơ sở pháp lý. Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Trần Danh Lợi ủng hộ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông đô thị, coi đây là chìa khóa vàng chống ùn tắc giao thông.

Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là phạm vi hoạt động của phương tiện giao thông, nhất là việc dừng lưu thông xe máy tại khu vực nội thành. Các ý kiến đều cho rằng, hạn chế hoạt động của xe máy là cần thiết, nhưng phải xem xét hạn chế ở mức độ nào và cần phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại để thay thế. Phó Giáo sư Nguyễn Quang Toản (Trường đại học Giao thông vận tải) nhấn mạnh việc phải phân làn triệt để tuyến đường dành cho xe buýt và thực hiện được trên càng nhiều tuyến đường càng tốt, đồng thời chú trọng kết nối giữa các tuyến xe buýt BRT và các tuyến đường sắt đô thị. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn băn khoăn về việc dừng hẳn hoạt động của xe máy vào năm 2030, nên chăng, phương tiện vận tải công cộng phát triển đến đâu thì quản lý phương tiện cá nhân đến đó và nên phát triển các trạm xe đạp miễn phí để phục vụ người dân.

Giải đáp những băn khoăn này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng khẳng định: “Việc quản lý phương tiện giao thông nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, của đại bộ phận nhân dân. Nếu phát triển mạnh giao thông công cộng, tai nạn giao thông sẽ giảm cả ba tiêu chí, người tham gia giao thông được sử dụng hệ thống giao thông văn minh, thân thiện”. Những ý kiến của các chuyên gia được lãnh đạo thành phố ghi nhận, chuyển đến kỳ họp HĐND thành phố sắp tới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33240702-xay-dung-he-thong-giao-thong-van-minh-than-thien.html