Xây dựng Luật Thủ đô: Hành lang “thoáng", quy định “chặt”

(VnMedia) - Tại phiên họp lần thứ hai của Ban soạn thảo Luật Thủ đô, mọi ý kiến đều nhất trí cho rằng “việc xây dựng và nâng tầm từ Pháp lệnh Thủ đô lên thành Luật Thủ đô nhằm tạo lập cơ chế đặc thù để Thủ đô thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình là rất cần thiết”.

Luật Thủ đô phải tạo lập được cơ chế đặc thù để Thủ đô thực hiện vai trò, sứ mệnh là bộ mặt đất nước của mình. Theo báo cáo của Ban soạn thảo Luật Thủ đô, qua 8 năm thực hiện, Pháp lệnh Thủ đô đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như các quy định của Pháp lệnh mới đặt ra các mục tiêu, phương hướng, cơ chế chính sách chung cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô mà chưa có quy định cụ thể về cơ chế thực thi nên còn thiếu tính khả thi. Pháp lệnh Thủ đô chưa thực sự là công cụ pháp lý hữu hiệu cho việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới cũng như theo Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hành lang “thoáng", quy định “chặt” Theo phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, khi xây dựng Luật Thủ đô phải chú ý tuân thủ theo Hiến pháp, nhưng trong mối tương quan với các Luật khác thì phải cao hơn. Ông Thụ cho rằng, hiện nay Thủ đô Hà Nội phải chịu sức ép cao hơn với các tỉnh thành khác trong quản lý đô thị, an sinh xã hội..., mà trong khi đó Thủ đô phải thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa-lịch sử, khoa học, giáo dục-đào tạo và du lịch lớn của cả nước. Còn theo ông Lê Thành Long, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp, một trong những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng dự án luật này là dựa trên những ưu thế vượt trội của Hà Nội để quy định cơ chế đặc thù. Theo đó, cần ưu tiên cho Thủ đô được xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, công nghệ cao, mới, không ô nhiễm, ít chiếm đất. Nên cho phép Hà Nội được quy định các điều kiện chặt chẽ hơn so với Luật Cư trú về vấn đề nhập cư để giải quyết tình trạng quá tải dân số, ách tắc giao thông. Song song với đó cũng cần có cơ chế cho Thủ đô được ưu đãi đầu tư cao hơn mặt bằng chung hiện hành nhằm thu hút đầu tư, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; thành lập quỹ bình ổn giá và quỹ dự trữ mặt hàng thiết yếu; được tự chủ trong việc tìm nguồn vốn ODA, phát hành trái phiếu… Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Thủ đô lưu ý, khi xây dựng Luật Thủ đô, cùng với cơ chế, chính sách ưu tiên cho Thủ đô thì cần phải đưa ra những yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn đối với Thủ đô so với mặt bằng chung của cả nước, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Cùng với việc tạo hành lang “thoáng” hơn cho Thủ đô thì cũng cần quy định “chặt” hơn trong một số lĩnh vực nhằm đảm bảo có sự quyết định và tham gia của chính quyền Trung ương vào việc xây dựng Thủ đô với tư cách là bộ mặt của đất nước, là nơi đóng trụ sở của các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, đại diện của các nước, tổ chức quốc tế. Như vậy, có những vấn đề mà theo quy định của pháp luật thì thuộc thẩm quyền của tỉnh, thành phố, nhưng đối với vị thế Thủ đô của một nướ lại do Trung ương trực tiếp quyết định... Vì vậy, Ban biên soạn cần đánh giá sâu tác động của Pháp lệnh Thủ đô, từ đó nghiên cứu kỹ hơn những đặc thù của Thủ đô để đưa vào Luật Thủ đô những điều khoản được thực thi có hiệu quả. Bên cạnh đó, Ban biên soạn nghiên cứu kỹ Luật Thủ đô, Quy chế của nước ngoài cũng như thể chế chính trị của họ. Trên cơ sở đó có những kinh nghiệm trong việc xây dựng Luật Thủ đô Hà Nội có hiệu quả nhất, đảm bảo chất lượng. Dự kiến Luật Thủ đô có 8 Chương với 40 điều. “Luật Thủ đô” hay “Luật về cơ chế đặc thù của Thủ đô” “Luật Thủ đô” hay “Luật về cơ chế đặc thù của Thủ đô” là những tên gọi được nhiều thành viên Ban Soạn thảo quan tâm thảo luận. Các thành viên Ban soạn thảo cũng dành nhiều thời gian phân tích hai phương án về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này. Theo phương án 1, Luật Thủ đô quy định về cơ chế, chính sách chung trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô, bao gồm tất cả các lĩnh vực như hệ thống chính trị, quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và phát triển kinh tế; điều chỉnh theo quy hoạch phát triển Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Phương án 2 theo hướng Luật chỉ quy định về vị trí, cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô (do tính chất và đặc điểm của mình, Hà Nội được hưởng một số cơ chế đặc thù). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang lại cho rằng, nên chọn phương án 1 vì phương án này mới bao quát hết được những cơ chế, chính sách mà Hà Nội cần cho sự phát triển. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cao Lại Quang, dù theo phương án nào thì dự luật Thủ đô cũng phải đảm bảo nguyên tắc không trái Hiến pháp. Có quan điểm khác, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng nghiêng về phương án 2 nhưng cho rằng chỉ nên quy định “phân cấp cho Thủ đô “thêm” 1 số cơ chế đặc thù nữa". Ông Thắng lý giải: “Từ khi xây dựng Pháp lệnh Thủ đô, chúng tôi đã thấy khó, vì quy định cụ thể, chi tiết quá thì không quy định được, nhưng quy định chung chung quá thì cũng không thực hiện được vì phải chờ hướng dẫn”. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo cho rằng, với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Thủ đô Hà Nội thì phương án 1 vẫn là ưu việt hơn cả. Tuy nhiên, cần phải xác định cho rõ hơn mục đích xây dựng Luật và chỉ ra đâu là những vấn đề bức xúc nhất của Thủ đô mà nếu có cơ chế đặc thù thì sẽ quản lý tốt hơn. Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: “Xây dựng Luật Thủ đô không phải là đòi quyền tự chủ cho Thủ đô Hà Nội, cũng không phải là để áp dụng cho toàn Thủ đô sau khi mở rộng địa giới hành chính. Trên thực tế, có những cái cần phải giao nhiều hơn cho Thủ đô, nhưng cũng có những cái Thủ đô cần “trả lại” cho Trung ương quản lý. Một số quy định cũng không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả các quận, huyện mà có thể chỉ chọn 1 số quận nội thành áp dụng”. Kim Thảo

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=23&newsid=177498