Xây dựng nông thôn mới bằng sức mạnh tập thể

(VOV) - Nhờ vận dụng tốt các bài học kinh nghiệm từ thực tế, cộng với sự chủ động, sáng tạo, xã Thọ Nghiệp đang đổi thay từng ngày.

Hà Giang: Xây dựng xã điểm nông thôn mới

Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, Nam Định đã có bước chuyển mình rõ rệt.

Một góc xã Thọ Nghiệp hôm nay

Xã Thọ Nghiệp có 23 đơn vị hành chính, là một trong những xã đông dân cư nhất của huyện Xuân Trường. Thực hiện dân chủ, ngay từ khi xây dựng và công bố đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đã tổ chức các cuộc họp để người dân tham gia đóng góp ý kiến, cùng nhau bàn bạc, lựa chọn công trình xây dựng. Tất cả các công trình, hạng mục xây dựng, người dân đều được tham gia giám sát.

Ngoài phần đầu tư của Trung ương và địa phương, nhiệm vụ xây dựng NTM ở Thọ Nghiệp được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng là chính. Mặt khác, Thọ Nghiệp cũng xác định rõ, thay đổi bộ mặt nông thôn không chỉ ở việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở khang trang, mà điều quan trọng là đời sống của người dân phải từng bước được cải thiện và nâng cao.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân đã tự nguyện đóng góp bằng nhiều hình thức như hiến 3ha đất thổ cư làm đường, quyên góp hơn 5 tỷ để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và các công trình văn hóa. Toàn bộ kinh phí làm đường giao thông trong thôn do dân tự đóng góp.

Ông Đỗ Văn Kiểm, người dân xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường phấn khởi nói: “Chúng tôi sẵn sàng hiến đất và tích cực vận động gia đình và người thân thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa, tạo quỹ đất công cho xã thực hiện một số dự án”. Theo đó, người dân tham gia đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, tham gia đầu tư các công trình công ích như giao thông, thủy lợi… tham gia các hoạt động y tế, giáo dục, môi trường một cách tích cực.

Triển khai quyết liệt và đồng bộ

Đến nay, toàn bộ đường giao thông ở Thọ Nghiệp được đổ bê tông, cảnh quan môi trường được đảm bảo. Xã đang tiến tới xây dựng điểm chứa rác thải. Về giáo dục, tất cả các trường THCS đạt tiêu chuẩn, các trường mầm non, tiểu học phấn đấu đến năm 2014 đạt chuẩn quốc gia.

Ông Lê Văn Thực, Chủ tịch UBND xã Thọ Nghiệp cho biết: “Xã đã đạt được 9/19 tiêu chí xây dựng NTM, các tiêu chí còn lại chúng tôi đang triển khai và sẽ cố gắng phấn đấu đến 2014 hoàn thành 19 tiêu chí. Hiện, Thọ Nghiệp đang tập trung xây dựng hệ thống tưới tiêu và đường khuyến nông từ đồng về nhà. Trong thời gian tới, chúng tôi ưu tiên tập trung phát triển nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, hoàn thiện hệ thống giáo dục”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thọ Nghiệp còn một số khó khăn trong việc xây dựng NTM như: Xây dựng hệ thống nước sạch cho mỗi hộ dân, giữ vệ sinh môi trường, giải quyết các vấn đề lao động, đào tạo nghề cho nông dân, chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm nghề, hình thức tổ chức sản xuất…

Xây dựng NTM cần quá trình lâu dài và chắc chắn còn nhiều khó khăn. Điều đó cần sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân. Những kết quả bước đầu đạt được chính là kinh nghiệm để Thọ Nghiệp tiếp tục phát huy tính dân chủ, đoàn kết, huy động sức mạnh tập thể từ người dân, huy động mọi nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng thành công mô hình NTM./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/xay-dung-nong-thon-moi-bang-suc-manh-tap-the/201111/191829.vov