Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh là hành trình không có điểm kết thúc

Trước khi trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) theo tiêu chí giai đoạn 2021 -2025, Bình Liêu là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh với 96% dân tộc thiểu số sinh sống. Nhờ 'bệ đỡ' chính quyền và ý chí, nghị lực người dân, Bình Liêu đã thoát nghèo và trở thành điểm sáng về NTM của cả nước.

3 ha rừng hồi của gia đình anh Hoàng Văn Hải, người Tày thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu đang vào vụ thu hoạch. Vừa nhanh tay phân loại hoa hồi để kịp giao cho thương lái, anh Hải vừa vui vẻ giải thích đặc điểm sinh trưởng của cây hồi ở vùng đất Bình Liêu này. Anh cho biết cây hồi cùng các mô hình kinh tế sinh thái đã giúp gia đình anh cùng nhiều hộ dân nơi đây thoát khỏi đói nghèo và mơ ước về một cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn.

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) theo tiêu chí giai đoạn 2021 -2025

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) theo tiêu chí giai đoạn 2021 -2025

"Gia đình tôi thu nhập chủ yếu từ hoa hồi, cải thiện được rất nhiều như sắm sửa được xe máy, ti vi, tủ lạnh, xây nhà mới, trang chải cuộc sống gia đình. Nhà tôi có 3ha, nhiều hộ có thu nhập cao hơn vì có diện tích trồng lớn", anh Hải nói.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu đánh giá: Người dân, nhất là đồng bào DTTS ở khu vực này đã có nhiều thay đổi về tư duy sản xuất nông nghiệp. Không trông chờ vào mảnh nương nhỏ mà nhờ có nguồn vốn vay phát triển kinh tế, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình nông nghiệp đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

"Một số hộ nông dân đã thay đổi tư duy, nhận thức rất sát với thị hiếu của thị trường. Nhất là Bình Liêu đang phát triển du lịch. Một số diện tích trồng từ ngô, khoai, sắn thì họ bây giờ họ trồng cam, dâu tây, ổi, trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Họ cho khách du lịch vào trải nghiệm, và bán sản phẩm tại chỗ. Họ áp dụng các mạng Zalo, FB, sàn thương mại điện tử để bán hàng... Đây là điều đáng ghi nhận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số", bà Lê Thị Thu Hương cho biết.

Một số hộ nông dân tại Bình Liêu đã phát triển các mô hình mới, trồng dâu tây để du khách check in, trải nghiệm khi tới huyện miền núi

Một số hộ nông dân tại Bình Liêu đã phát triển các mô hình mới, trồng dâu tây để du khách check in, trải nghiệm khi tới huyện miền núi

Thu nhập 65 triệu đồng/người/ năm là "con số mơ ước" của người dân Bình Liêu hơn chục năm về trước. Thời điểm đó, Bình Liêu có 6 xã đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân chỉ hơn 8 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh, lên đến trên 60%. Các nhóm tiêu chí cơ bản như quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất, nhà ở... đều rất thấp.

Xác định hạ tầng phải đi trước, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách đặc thù, đặc biệt là đề án 196. Từ "bệ đỡ" này, các tuyến giao thông dần được cải tạo, làm mới để người dân vùng DTTS có cơ hội giao thương, tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống...

Theo bà Lài Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Húc Động thì chỉ riêng tuyến đường liên xã Húc Động - Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối Quốc lộ 18C đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân nơi đây.

"Con đường đã giải quyết việc đi lại thuận tiện cho bà con giao thương buôn bán, phát triển kinh tế. Con đường hoàn thành cũng là điều kiện để du khách ngắm cảnh buôn bán, thúc đẩy phát triển văn hóa, đặc biệt đối với bản Lục Ngù, xã Húc Động là một trong những địa bàn để xây dựng đề án giữ gìn bản sắc văn hóa của người Sán Chỉ", bà Lài Thị Hiền nói.

Sau hơn 13 năm nỗ lực, huyện miền núi Bình Liêu đã có sự bứt phá ngoạn mục trong hành trình xây dựng Nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người đạt 65,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 0,84%; hệ thống hạ tầng giao thông cùng các thiết chế văn hóa mới dần được hoàn thiện đã góp phần kéo giảm khoảng cách đô thị với nông thôn, miền núi với đồng bằng và mở ra tương lai phát triển mới cho vùng đất này...

Hoa hồi Bình Liêu là nông sản chủ lực của địa phương, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Hoa hồi Bình Liêu là nông sản chủ lực của địa phương, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư huyện ủy Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Bình Liêu sẽ tiếp tục khai thác lợi thế Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô mà tới đây sẽ được công bố là cửa khẩu song phương để thúc đẩy những hoạt động thương mại, biên giới là động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Và đặc biệt, khai thác những tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, miền núi biên giới tươi đẹp và những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện để phát triển du lịch".

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định: Một trong những thành quả lớn nhất mà tất cả 13 địa phương của Quảng Ninh đạt được quá trình xây dựng NTM là nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 đạt trên 73 triệu đồng/người/năm; Nhiều chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Ninh đã được trung ương ghi nhận, lựa chọn để triển khai nhân rộng trên cả nước.

Sau 13 năm xây dựng Nông thôn mới, Bình Liêu đã thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm

Sau 13 năm xây dựng Nông thôn mới, Bình Liêu đã thoát nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm

"Xây dựng NTM là một hành trình chỉ có điểm xuất phát, không có điểm kết thúc, phía trước cơ hội rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, để thực hiện thành công những chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh vùng dân tộc thiểu số; phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của người dân trên địa bàn huyện bình quân đạt 100 triệu đồng/người/năm", ông Nguyễn Xuân Ký chia sẻ.

Những thành quả trong chương trình xây dựng nông thôn mới của Bình Liêu là minh chứng cho những chủ trương, quyết sách đúng đắn nhằm nâng cao đời sống kinh tế xã hội của nhân dân mà tỉnh Quảng Ninh triển khai trong thời gian qua. Và hơn hết, đây là kết quả từ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chủ động và nỗ lực của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.... tất cả sẽ là nền tảng để huyện miền núi biên giới Bình Liêu tiếp tục chặng đường nâng cao chất lượng cuộc sống với mục tiêu cao nhất là hạnh phúc của nhân dân.

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc Vũ Miền/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xay-dung-nong-thon-moi-o-quang-ninh-la-hanh-trinh-khong-co-diem-ket-thuc-post1083847.vov