Xây dựng nông thôn mới - Từ mô hình xã Tân Thông Hội

Trong khuôn khổ đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM, Sở VH-TT-DL TPHCM và các sở, ban ngành đã tổ chức hội thảo xây dựng đời sống văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường tại các xã nông thôn mới trên địa bàn. Hội thảo đề ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, từng bước nâng chất thực hiện chương trình quan trọng này.

Nâng cao đời sống văn hóa tại cơ sở

“Sau hơn 2 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, mặt bằng chung các tiêu chí văn hóa ở xã Tân Thông Hội đã có những chuyển biến đáng kể”, bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội cho biết.

Đã có 9/10 ấp đạt chuẩn văn hóa theo quy định của Bộ VH-TT-DL; nâng cấp văn phòng 10 ấp để làm việc và tiếp dân, hoàn chỉnh góc truyền thống tại tất cả các ấp. Trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT) của xã dự kiến quý 2-2012 sẽ hoàn thành. Hai công trình sân đa năng và sân thể thao cơ bản cuối năm 2011 đưa vào sử dụng. Các hộ dân còn tự đầu tư thêm 5 sân bóng đá mini với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng.

Trồng lan tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, nơi thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới. Ảnh: THANH TÂM

Xã đã lắp đặt 20 trạm thông tin tuyên truyền và mạng lưới internet phủ đều 10 ấp. Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM còn hỗ trợ tập huấn công tác thủ thư, trang bị máy tính, sách đến người dân tại 4 ấp xã: Thượng, Trung, Tân Thành và Tân Lập, góp phần đáp ứng nhu cầu đọc sách cho người dân trên địa bàn.

Về sản xuất nông nghiệp, môi trường và các vấn đề xã hội cũng được quan tâm. Trung tâm khuyến nông, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã đã hỗ trợ nông dân cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trồng rau an toàn; kỹ thuật trồng hoa lan, cây cá cảnh, nuôi cá thịt; xây dựng đúng quy cách 1.053 nhà vệ sinh, 98 hầm biogas từ nguồn vốn vay không lãi suất.

Cần linh hoạt các tiêu chí

Là xã thí điểm xây dựng nông thôn mới của trung ương và là 1 trong 6 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới ở TPHCM, bước đầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thông Hội đã đạt được những kết quả khởi sắc. Tuy nhiên, thực tế qua quá trình thực hiện cũng nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn.

Ông Thái Văn Năng, Trưởng ban Thanh tra nhân dân ấp Tân Lập, đề nghị trang bị thêm tivi, đầu máy phục vụ thiếu nhi; hoàn thiện cơ sở vật chất để đưa hoạt động thể thao (như sân bóng đá, bóng rổ) vào đời sống cộng đồng.

Ông Dương Văn Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thông Hội, cho biết: “Sắp tới, xã đưa vào sử dụng 3 cơ sở văn hóa: trung tâm VHTT, sân đa năng và sân thể thao. Chúng tôi mừng vì có địa điểm phục vụ đời sống tinh thần cho người dân nhưng vẫn lo vì chưa biết lấy người ở đâu để bố trí”.

“Theo quy định của Bộ VH-TT-DL về tiêu chí của Trung tâm VHTT xã, thực tế tại TPHCM, việc mỗi xã xây dựng một trung tâm VHTT liệu có cần thiết? Để duy trì hoạt động thường xuyên, những nơi này cần có bộ máy, kinh phí, phương thức hoạt động, nên xem xét để tránh hình thức và lãng phí”, ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM băn khoăn.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đồng tình với ý kiến này. Liên quan đến đầu tư xây dựng trung tâm VHTT xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn, Sở VH-TT-DL TPHCM cho biết, sở sẽ kiến nghị Bộ VH-TT-DL nên điều chỉnh lại là có trung tâm VHTT xã hoặc khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH-TT-DL và kiến nghị cho phép TP xây dựng quy chuẩn về tụ điểm sinh hoạt VHTT ấp tại TPHCM.

Ngoài ra, để các thiết chế văn hóa cơ sở này hoạt động ổn định, Sở VH-TT-DL cũng kiến nghị UBND TPHCM bố trí cán bộ cho chức danh chủ nhiệm và kế toán của trung tâm VHTT xã, có tài khoản riêng và kinh phí hoạt động ổn định.

MINH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2011/11/273586/