Xây dựng thiết chế phục vụ người lao động trong khu công nghiệp (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Từ quyết tâm đến hành động - Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN - KCX” của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam được đánh giá là “bước ngoặt lịch sử”, mang tính đột phá của tổ chức công đoàn trong chiến lược đổi mới phương thức tập hợp, phát triển đoàn viên của công đoàn trong tình hình mới. Tuy nhiên, để biến ước mơ thành hiện thực, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

* Bài 1: Khi chủ nhân chỉ là… khách mời

Trên dưới cùng đồng thuận

Dự báo, quan hệ lao động tại các KCX-KCN còn nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng phân biệt đối xử về quyền công đoàn và can thiệp vào công việc của tổ chức công đoàn từ phía chủ sử dụng lao động vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Việc đầu tư cơ sở vật chất, cán bộ công đoàn có chuyên môn tại các KCN-KCX trong thời gian tới là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tổ chức công đoàn Việt Nam hiện nay.

Tại Hội nghị các Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành phố; công đoàn ngành T.Ư và tương đương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, nội dung chính đưa ra thảo luận chính là việc xây dựng thiết chế của công đoàn tại các KCN-KCX. Sau hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kịp thời ra nghị quyết về việc điều chỉnh giảm 10% chi phí hành chính và hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn nhằm tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN-KCX. Việc tiết giảm được nhận định dẫu khó khăn nhưng có tính khả thi. Về giao nguyên tắc chỉ tiêu trong xây dựng dự toán tài chính công đoàn năm 2017, các chủ tịch cho rằng đây là cách giao chính xác, hợp lý, sát thực tiễn ở cơ sở. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hòa Bình Bùi Tiến Lực cho biết, đề án đáp ứng nguyện vọng mà các cán bộ công đoàn ấp ủ lâu nay, LĐLĐ tỉnh Hòa Bình được tỉnh cấp đất sạch nhưng chưa có cơ chế rõ ràng, điều kiện kinh tế xây dựng. Là tỉnh nghèo, nên sau khi chúng tôi báo cáo về đề án, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng chỉ đưa ra phương án ủng hộ về cơ chế quản lý các thiết chế như: giáo viên mầm non, nhà trẻ, y, bác sĩ khám, chữa bệnh, mời gọi các DN kinh doanh lương thực, thực phẩm phục vụ người lao động (NLĐ) với giá ưu đãi...

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Ngô Tôn Tẫn trải lòng: Là những người trực tiếp chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, NLĐ, hằng ngày, hằng giờ chứng kiến cảnh công nhân (CN) của mình thiếu thốn cả về tinh thần, vật chất, ngay cả một chỗ sinh hoạt chung để tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho NLĐ cũng không có, chúng tôi thật xót xa, trăn trở nhưng quả thật lực bất tòng tâm. Khi đề án ra đời, đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của công đoàn các cấp. LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm báo cáo với lãnh đạo tỉnh, tin tưởng sẽ được ủng hộ. Việc tiết kiệm 10% chi phí hành chính và hoạt động phong trào công đoàn, dành nguồn lực xây dựng các thiết chế là thử thách không nhỏ đối với công đoàn cấp dưới. Tuy nhiên, để đạt mục đích lớn hơn, sâu xa hơn là phục vụ NLĐ, chúng tôi tin tưởng sẽ vượt qua khó khăn này.

Xây dựng từ đòi hỏi thực tiễn

Việc xây dựng nhà ở cho CN, nhà trẻ, siêu thị được ưu tiên hàng đầu, đó là những nhu cầu cấp bách của NLĐ hiện nay. Tuy nhiên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Bùi Thanh Nhân cho biết, việc triển khai đề án, ưu tiên thiết chế nào cần phải có khảo sát cụ thể, đánh giá đặc điểm từng địa phương, KCN rồi mới tính toán hạng mục đầu tư phù hợp nhu cầu sát thực của NLĐ. Tại tỉnh Bình Dương, với hơn 50% công đoàn cơ sở, đoàn viên công đoàn nằm trong các KCN - KCX, nhu cầu nhà ở cho NLĐ rất cần thiết. Những căn hộ được thiết kế diện tích từ 30 đến 50 m2, với mức giá từ ba đến năm triệu đồng/m2 được coi là có tính khả thi. Như vậy, chưa tới 100 triệu đồng, NLĐ có thể sở hữu một căn hộ. Bên cạnh đó, ông Nhân cũng cảnh báo, việc xây nhà ở cho CNLĐ tại các KCN cần có sự cam kết cụ thể giữa công đoàn và NLĐ, bởi thực tế không ít CNLĐ sau khi làm việc vài năm ở KCN-KCX, khi có chút vốn liếng lại có mong muốn trở về quê hương. Nếu không có cam kết và tính toán kỹ sẽ có nhiều hệ lụy phải giải quyết.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên Vũ Duy Hoàng thông tin: Sau khi có Chỉ thị 52 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống, tinh thần cho CNLĐ KCN-KCX, LĐLĐ tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ra Công văn số 77 chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, trong đó xác định rõ: Chủ DN, doanh nhân, CNLĐ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của việc tạo dựng, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trong KCN; tạo điều kiện để NLĐ có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và giải trí. Điều này cho thấy sự vào cuộc nhanh chóng của LĐLĐ tỉnh trong đón đầu đề án của Tổng LĐLĐ Việt Nam nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thái Nguyên là một trong 15 tỉnh được đầu tư thiết chế. Trước mắt, tỉnh ưu tiên đầu tư nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, nhà sinh hoạt văn hóa phục vụ CNLĐ.

Qua trao đổi với một số chuyên gia, cán bộ quản lý, chúng tôi thấy, việc triển khai mô hình nhà văn hóa CN cần được khảo sát kỹ, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu thật sự của NLĐ. Ở những nơi không phù hợp, mô hình này có thể được thay thế bằng những thiết chế khác: Thư viện, phòng đọc, điểm chiếu phim, sân khấu nhỏ... Cần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động nhằm lôi kéo, thu hút CN vào sinh hoạt tại nhà văn hóa địa phương chứ không nên phát triển hệ thống nhà văn hóa CN tại các địa phương đã có nhà văn hóa. Thực tế cho thấy, cũng có một số tập đoàn đầu tư kinh phí xây dựng nhà văn hóa CN hoành tráng, tuy nhiên, trong quá trình sử dụng không thu hút được CN, cuối cùng phải chuyển đổi công năng sử dụng.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tại buổi làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam tháng bảy vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị về việc hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ nhu cầu của CNLĐ tại các KCN-KCX và giao Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì hoàn thiện đề án theo quy định, báo cáo Thủ tướng trong quý III năm 2016. Theo đó, 50 thiết chế văn hóa - thể thao, nhà ở, nhà trẻ, siêu thị sẽ được triển khai ở 15 địa phương trọng điểm, tập trung đông KCN-KCX. Ngay tại kết luận buổi làm việc, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị hỗ trợ về đất đai, thuế; huy động kinh phí từ các nguồn, tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn tham gia xây dựng nhà ở tập thể, nhà giá rẻ cho CN. Trước hết, triển khai tại các KCN-KCX tập trung đông CN ở Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh... Đây là tiền đề quan trọng, động lực để đội ngũ cán bộ công đoàn quyết tâm chăm lo thiết thực, sát sườn quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ. Việc triển khai đề án cũng giúp các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước đến được với NLĐ dễ dàng, mạnh mẽ hơn.

Trọng trách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho 2,8 triệu CNLĐ tại KCN-KCX nói riêng, NLĐ cả nước nói chung không chỉ đặt lên vai một mình tổ chức công đoàn mà cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức trong phối hợp thực hiện đề án: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tổ chức thực hiện đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bố trí nguồn vốn theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, cân đối vốn, ngân sách thực hiện đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn địa phương lập quy hoạch sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc quy hoạch quỹ đất đầu tư xây dựng các thiết chế; Bộ Xây dựng thiết kế kiến trúc quy hoạch, mẫu nhà phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội theo nhu cầu của NLĐ; Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thực hiện thành lập, quản lý hoạt động các cơ sở trông giữ trẻ, trường mầm non trong KCN. UBND tỉnh có quy hoạch sử dụng đất, bố trí đất sạch giao Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ của dự án.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 24-11-2016.

Mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN-KCX”: Trong hai năm 2016-2017 hoàn thành 10 thiết chế công đoàn tại các KCN-KCX. Từ 2017-2020, hoàn thành đưa vào sử dụng 40 thiết chế. Đến năm 2030 phấn đấu tất cả các KCN-KCX đều có thiết chế công đoàn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31367202-xay-dung-thiet-che-phuc-vu-nguoi-lao-dong-trong-khu-cong-nghiep.html