Xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương: Thận trọng để không xâm phạm di tích

Sau hơn 1 năm phát động cuộc thi sáng tác phác thảo tượng đài Hùng Vương, Hội đồng nghệ thuật cuộc thi và tỉnh Phú Thọ vừa chọn được hai phương án tối ưu nhất về thẩm mỹ, không gian, cảnh quan, kiến trúc quy hoạch. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc nên hay không xây dựng tượng đài nằm trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng, khi di tích này đã được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Xã hội hóa xây dựng tượng đài

Nhằm góp phần bảo tồn và tôn vinh giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cuối năm 2015, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức cuộc thi “Sáng tác phác thảo tượng đài Hùng Vương” thuộc dự án đầu tư xây dựng tượng Hùng Vương tại Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng. Tuy vậy, để chọn ra phương án tối ưu nhất, hợp lòng dân nhất lại không phải là chuyện dễ dàng, vì đến nay vẫn chưa có bất kỳ quy chuẩn riêng nào về tượng Vua Hùng.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng đưa ra những khó khăn về việc đi tìm hình tượng Quốc tổ Hùng Vương. Chuyên gia văn hóa Ngô Đức Thịnh cho rằng việc tạo hình về một nhân vật lịch sử đặc biệt - vị Vua Tổ của người Việt cách ngày nay cả 4.000 năm là một thách thức rất lớn. Nhất là đã có quá nhiều bài học về việc dựng tượng đài các anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử na ná nhau do không có tranh vẽ, hoặc ảnh chụp lại các nhân vật lịch sử. Vì vậy mẫu phác thảo tượng đài Hùng Vương được chọn phải là một tác phẩm đảm bảo sự kỳ công về khoa học, nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự tham vấn của các chuyên gia văn hóa, chứ không được làm tùy tiện.

Hai mẫu phác thảo tượng đài Hùng Vương HV-01 (trái ảnh) và HV-03 (phải) được tỉnh Phú Thọ lựa chọn để trình Ban Bí thư quyết định.

Theo ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cuộc thi - tượng Hùng Vương không chỉ là tác phẩm mỹ thuật thông thường, mà còn là hình tượng của dân tộc. Theo quy chế ban đầu của cuộc thi, Tỉnh ủy Phú Thọ sẽ chọn mẫu phác thảo có số phiếu bình chọn cao nhất của nhân dân và Hội đồng nghệ thuật để trình xin ý kiến Ban Bí thư. Tuy nhiên, một tháng trước khi trình Ban Bí thư, Tỉnh ủy Phú Thọ đã bổ sung quy chế và đề xuất hội đồng chọn ra 2 mẫu, vì đều đánh giá cao cả hai mẫu phác thảo này. Đó là mẫu HV-01 của Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Hà Nội và HV-03 của nhóm tác giả Phạm Xuân Khánh (Hà Nội). Ông Hà Kế San cho rằng hai mẫu phác thảo tượng đài đều thể hiện được sự uy nghiêm, tầm vóc thời đại, các tác giả có sự nghiên cứu khá kỹ về lịch sử thời đại Hùng Vương, đáp ứng tốt về yêu cầu thẩm mỹ.

Tuần trước, Tỉnh ủy Phú Thọ đã có buổi làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đảng về việc thẩm định và đưa ra lựa chọn mẫu để triển khai thực hiện. Ông San cũng cho biết sau khi có quyết định chính thức, tỉnh Phú Thọ sẽ tiến hành kêu gọi xã hội hóa để xây dựng tượng đài Hùng Vương.

Cân nhắc vị trí đặt tượng đài Hùng Vương

Hiện tại phía Phú Thọ đang có hai luồng ý kiến về việc chọn vị trí đặt tượng đài. Trong khi một số người muốn đưa vào khu di tích lịch sử Đền Hùng, cụ thể là đặt tại đồi Phân Bùng, với tổng không gian cảnh quan là 76.000m2. Còn một luồng ý kiến khác cho rằng nên đặt tượng Hùng Vương ở thành phố Việt Trì. Vì Việt Trì xưa kia chính là kinh đô của Nhà nước Văn Lang, tỉnh cũng đang có chủ trương xây dựng Việt Trì thành thành phố lễ hội, điểm đến văn hóa, trung tâm kết nối vùng Tây Bắc. Hai phương án này hiện vẫn đang được nâng lên đặt xuống.

Năm 2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Cuộc thi “Sáng tác phác thảo Tượng đài Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử đền Hùng” cũng nhằm mục đích góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt, cũng là đại diện di sản văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, cũng có lo ngại việc xây dựng, đặt tượng tại khu di tích nếu làm không khéo sẽ phá vỡ cảnh quan vốn có và mọi phương án xây dựng đều phải có sự cho phép của cơ quan chủ quản là Bộ VHTTDL, nếu không sẽ thành xâm phạm di tích, vì Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2009.

Chia sẻ về vị trí đặt tượng đài Hùng Vương, nhà điêu khắc Phạm Sinh (Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) cho biết: “Vị trí đặt tượng Hùng Vương rất quan trọng. Nếu đặt tượng đài tại khu di tích Đền Hùng là không hợp lý bởi vị trí đặt tượng cách khu mộ Tổ trên núi Hùng chưa đầy 500m, khi tiến hành thi công sẽ gây chấn động mạnh do máy móc thiết bị chuyên dụng thi công, sẽ phá vỡ cảnh quan của toàn bộ khu di tích văn hóa tâm linh đặc biệt”.

Thêm nữa, tại cuộc họp tổng kết công tác tổ chức lễ hội năm 2016 do Bộ VHTTDL tổ chức vào chiều 10.1, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy đã chia sẻ về sự “quá tải” tại lễ hội Đền Hùng năm vừa qua. Dù đã huy động hết sức người, sức dân, nhưng với lượng khách trẩy hội có ngày đạt tới 2 triệu lượt đã khiến việc quản lý, phân luồng, tổ chức gặp khó. Vì vậy nếu xây thêm tượng đài Hùng Vương tại khu di tích, dĩ nhiên thu hút thêm khách du lịch, nhưng cũng tạo thêm “áp lực” cho khâu tổ chức, nhất là khi Bộ VHTTDL đang có chủ trương tìm cách để “giảm tải” cho lễ hội Đền Hùng.

ĐẶNG CHUNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/xay-dung-tuong-dai-quoc-to-hung-vuong-than-trong-de-khong-xam-pham-di-tich-631693.bld