Xây dựng vườn kiểu mẫu cho khu dân cư kiểu mẫu

Vùng vườn kiểu mẫu (VKM) sầu riêng, cây ăn trái rộng 110 hécta gắn với khu dân cư kiểu mẫu ở xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) là mô hình thí điểm VKM có quy mô lớn đầu tiên của Đồng Nai.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) Đỗ Quang Thúy (phải) khảo sát mô hình Vườn kiểu mẫu tại ấp 12. Ảnh: B.Nguyên

Vùng VKM này không chỉ phấn đấu đạt các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế, sản xuất an toàn, mà còn đạt các tiêu chí về cảnh quan vườn sạch, đẹp gắn với tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới.

Kiểu mẫu cả về sản xuất và cảnh quan

Vùng VKM sầu riêng và cây ăn trái tại xã Xuân Tây ấn tượng khi đã hình thành được vùng chuyên canh cây sầu riêng và cây ăn trái với diện tích khoảng 110 hécta. Vùng trồng này được đầu tư đồng bộ hệ thống đường giao thông, nguồn điện, nguồn nước phục vụ sản xuất.

Với mô hình VKM, nông dân không chỉ quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng giống mới, hệ thống tưới nước tiết kiệm, sản xuất đạt chuẩn an toàn, mà cảnh quan trong vườn được quan tâm chăm chút, cải tạo, đảm bảo sạch, đẹp với cây trồng theo quy hoạch, có lối đi, có hàng rào bao quanh…

Hiện mô hình vùng VKM đang trong giai đoạn thử nghiệm, đúc kết những kinh nghiệm hay, thiết thực để khi thành công sẽ làm mô hình mẫu tiếp tục nhân rộng ra nhiều khu vực khác. Về lâu dài, địa phương quy hoạch phát triển nông nghiệp của vùng VKM này gắn với du lịch sinh thái.

Bà Hứa Chung Anh, nông dân ở ấp 12, xã Xuân Tây, cho biết gia đình bà có 5 hécta sầu riêng giống Monthong đã trồng được 4 năm. Vụ thu hoạch năm nay, vườn sầu riêng của gia đình bà rất sai trái, dự báo sẽ có vụ bội thu.

Bà Chung Anh chia sẻ, vườn cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao từ những vụ thu hoạch đầu tiên nhờ gia đình bà ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Gia đình bà chọn trồng giống sầu riêng đặc sản Monthong, cây được trồng với khoảng cách đều, từng cây sầu riêng được đánh số cụ thể, được lắp đặt hệ thống tưới tự động với công nghệ mới. Hệ thống tưới nước này không chỉ đảm bảo tưới nước đẫm đều quanh gốc cây, mà còn có béc tưới cao phủ từ trên ngọn cây xuống. Giải pháp này vừa giữ mát cho lá, vừa rửa được nhiều loại sâu rầy gây hại cho cây trồng. Việc đánh số từng cây trồng cụ thể giúp nông dân quản lý tốt hơn vườn cây thông qua việc nắm rõ từng cây trong vườn sinh trưởng, phát triển như thế nào, bị bệnh gì, cần xử lý ra sao.

Bà Chung Anh vui vẻ khoe: “Vườn cây trồng theo hướng hữu cơ, được đảm bảo nguồn nước tưới, phòng trừ tốt về sâu bệnh nên cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao ngay từ những vụ thu hoạch đầu tiên”.

Cùng là mô hình VKM tại ấp 12, gia đình bà Trần Hồ Chiếu Hậu có hơn 1 hécta trồng các loại cây ăn trái như: mít, bơ, sầu riêng gắn với nuôi dê. Vườn cây của gia đình bà được chăm sóc tỉ mỉ, cảnh quan trong vườn được chăm chút sạch, đẹp. Vườn cây được canh tác theo hướng hữu cơ, đầu tư bài bản hệ thống tưới, làm tốt công tác phòng bệnh nên cây trồng cho năng suất cao, chất lượng ngon.

Hình thành chuỗi liên kết

Trưởng ấp 12, xã Xuân Tây Phạm Văn Lãm chia sẻ, thời gian đầu, nông dân không mấy mặn mà làm VKM vì phải bỏ nhiều công và vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Ngoài ra, nhà vườn còn phải bỏ công dọn dẹp, tạo cảnh quan cho vườn cây sạch đẹp.

Theo ông Lãm: “Chúng tôi chọn vài vườn làm vườn mẫu, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển đổi sản xuất đạt chuẩn an toàn. Nhờ đó, vườn cây sinh trưởng tốt, năng suất cao, chất lượng trái ngon, cảnh quan sạch, đẹp. Từ những vườn mẫu hiệu quả này, chúng tôi có những mô hình mẫu thực tế để thuyết phục những nhà vườn còn lại làm theo”.

Đến nay, vùng VKM này ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới từ khâu chọn lọc cây giống đến sản xuất. Đặc biệt, nông dân đều ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc sinh học từ nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp hữu cơ, chất thải chăn nuôi… để sản xuất theo hướng hữu cơ. Ấp nào trong xã cũng tổ chức “Ngôi nhà xanh” thu gom rác tái chế vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa gây quỹ hỗ trợ cho hoạt động ở khu dân cư.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Tây Đỗ Quang Thúy cho biết, đầu năm 2023, Đảng ủy, UBND xã đã khảo sát chọn ấp 12 của xã làm VKM. Vùng trồng cây ăn trái này có nhiều thuận lợi về đất đai, nguồn nước, hạ tầng. Tại địa phương còn có doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh tham gia xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, mô hình đã có kết quả nổi bật ở tất cả các tiêu chí về kinh tế, xã hội, an ninh. Đặc biệt, xã tuyên truyền, định hướng cho người dân chuyển đổi, phát triển cây trồng hiệu quả gắn với xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Ông Đỗ Quang Thúy khẳng định: “Phương châm của chúng tôi là cán bộ xã lấy địa bàn dân cư làm điểm. Cán bộ xã, ấp luôn sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, chúng tôi đưa ra cách làm, cách tuyên truyền sát với thực thế. Chúng tôi là người dẫn dắt, hướng dẫn và tạo điều kiện giúp người dân làm ăn hiệu quả. Mục đích để người dân có thu nhập cao hơn, đời sống tốt hơn và mọi mặt của khu vực này nổi trội hơn so với mặt bằng chung của toàn xã”.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/xay-dung-vuon-kieu-mau-cho-khu-dan-cu-kieu-mau-b164d15/