Xây hầm chui vượt sông Hàn: Vốn to, phí duy trì lớn...

Chuyện làm hầm chui sau này hãy tính, còn bây giờ thì nên làm cầu, vì cầu có thể trở thành sản phẩm hỗ trợ phát triển du lịch.

Những cái khó khi làm hầm

Liên quan đến dự án làm hầm chui vượt sông Hàn, trao đổi với Đất Việt, ngày 30/12, PGS.TS Hoàng Phương Hoa, Trưởng Bộ môn Cầu - Hầm (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết: "Tôi đã từng tư vấn cho thành phố, nếu làm hầm thì phải kết hợp 2 phương án, của Oriental Consultants Global Company LTD (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC - Bộ GTVT).

Khi đó, dù phải chỉnh trang đô thị một ít, đền bù giải tỏa ít nhưng lại bền vững lâu dài.

Bởi nếu làm theo phương án của BRITEC, đường dẫn vào hầm quá dốc, nên xe vừa xuống hầm vừa chạy vòng với vận tốc 60km/h, chắc chắn nó sẽ văng hết xe vào thành hầm, nên phương án đi vòng là không được.

Còn phương án đi thẳng nó đấu nối, sau này nếu làm Metro thì sẽ thuận tiện, còn phương án vòng không nối được. Về kỹ thuật tôi đã góp ý thẳng như vậy, vì nếu nói đến kỹ thuật làm hầm tôi khẳng định mình giỏi và chắc nhất khu vực miền Trung này.

Tôi cũng nghĩ nếu làm thì phải tính đến sự bền vững, bởi nếu tính ban đầu chi phí khoảng 4700 tỷ đồng, thì lúc làm thực tế sẽ mất khoảng 6000 tỷ, mà số tiền đó không hề nhỏ, nếu không hiệu quả, thì người dân sẽ không để yên.

Hình ảnh phối cảnh hầm chui qua sông Hàn

Đặc biệt, để làm hầm được cần vốn rất lớn, trong khi nhu cầu giao thông của Đà Nẵng bây giờ chưa cần thiết, chưa đến mức tắc đường như HN, TPHCM. Thực tế, Đà Nẵng cũng không có nhiều nhà máy, khu công nghiệp để thu hút FDI, nên ngân sách không nhiều".

Bên cạnh đó, theo ông Hoa, thi công hầm ngầm qua sông đòi hỏi trình độ tay nghề cao, thiết bị thi công đặc chủng song vẫn khó kiểm soát độ an toàn và chất lượng; thời gian thi công dễ bị kéo dài nên khả năng đội vốn đầu tư khá lớn.

Thực tế cho thấy, hầm Hải Vân thi công trên mặt bằng rất thuận lợi, núi nổi, do hai công ty nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc liên danh với hai nhà thầu trong nước, có công nghệ hiện đại và nhiều kinh nghiệm, thi công từ hai đầu hầm nhưng cũng phải mất tới 5 năm mới hoàn thành.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thì khả năng lún hầm, rò rỉ nước vào hầm vẫn có thể xảy ra. Không khí trong hầm bị ô nhiễm do khí thải của các phương tiện giao thông, đặc biệt là tiếng ồn rất cao.

Chưa quá cần thiết

Mặt khác, ông Hoa cho rằng, từ cầu Thuận Phước đến cầu quay sông Hàn là 2,5km, từ cầu quay sông Hàn đến cầu Rồng là 1,2km, từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý là 1,2km, do vậy nếu làm cầu ở giữa Thuận Phước và sông Hàn thì cũng được.

Nhưng thành phố thiên về làm hầm vì muốn giữ lại mặt sông rộng rãi dài 2,5 km còn lại trên sông Hàn, đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu quay để phục vụ cho các cuộc đua thuyền, lễ hội pháo hoa.

Chứ thực ra phương án làm hầm tính vẫn trung bình lượng lưu thông đó nhưng mà phải tốn hơn phương án làm cầu 1,8 lần, chỉ vì muốn để lại một đoạn dài của sông 2,5km cho mọi người đua thuyền thì có đáng không? Thực tế ở các nước, thường nếu phương án làm cầu không làm được thì mới làm hầm.

"Giải pháp làm hầm cần tính toán độ an toàn cho phù hợp, gộp những ưu thế của nhiều phương án tại cuộc thi. Thành phố cần chỉnh trang đô thị để làm một công trình bền vững và sẽ phải chấp nhận giải tỏa đền bù vì cần diện tích đất đủ rộng làm hầm vượt sông Hàn, khớp nối với các tuyến metro trong tương lai.

Đây là một lựa chọn mang tính lịch sử, một công trình để lại cho nhiều đời sau nên phải tuyển chọn kỹ càng. Tuy nhiên, rất khó để có phương án hoàn hảo theo kiểu “ngon, bổ, rẻ”.

Muốn ngon, bổ thì phải đắt. Ngay từ đầu tôi đã lưu ý nếu làm hầm thì khó xử lý được ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Nhưng vẫn có thể giải quyết được nếu đơn vị thi công sử dụng các kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài. Rất khó để phương án giải quyết tốt yêu cầu hài hòa giữa kiến trúc và thi công”, ông Hoa đánh giá.

Nói chung, theo quan điểm của ông Hoa, cũng cần phải cân nhắc kỹ xem có nên làm hay không, số tiền 6000 tỷ không hề nhỏ, trong khi kỹ thuật làm hầm qua sông rất lớn.

"Chi phí khai thác cao lắm, hầm Thủ Thiêm 1 năm tiền chi ra cho thắp điện, quạt gió cũng 34 tỷ đồng, hầm chui sông Hàn đi vào hoạt động cũng cần tương đương như vậy. Hầm Hải vân 1 năm tiền chi phí điện cũng 86 tỷ đồng.

Chi phí cho khai thác, vận hành rất cao so với phương án cầu nên phải cân nhắc, còn nếu hỏng hóc gì thì sửa chữa khó, cứ hình dung khí hậu, mưa gió không thuận lợi, nước thấm vào sửa rất khó.

Mà nếu làm công trình đó mà chỉ ngắm đến vài trăm nghìn dân đi lại thì không đáng, mà có lẽ họ nhắm đến cả một khu vực rộng lớn phát triển ra, nó phân chia lưu lượng cho các cầu quá tải như cầu quay, cầu rồng. Đến thời điểm nào đó thì cũng cần làm, nhưng hiện tại thì chưa quá cần thiết", ông Hoa nhấn mạnh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xay-ham-chui-vuot-song-han-von-to-phi-duy-tri-lon-3326133/