Xây hồ bơi học sinh thu phí BOT: Hiểu lầm hết rồi!

Việc xây dựng hồ bơi không có mục đích kinh doanh mà chỉ là phục vụ kỹ năng sống cho các học sinh, không nên dùng từ BOT ở đây.

Dùng từ BOT là không đúng

Trước thông tin một số trường học trên địa bàn tình Bình Thuận đang có dự tính xây dựng hàng loạt các bể bơi cho học sinh dưới dạng BOT, trao đổi với Đất Việt, ngày 14/9, ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết: "Tôi đã nói ngay từ đầu là tạm coi giống như hình thức BOT chứ không phải là BOT như giao thông, cho doanh nghiệp đầu tư rồi tiến hành thu phí.

Tại vì hiện nay tôi chưa biết dùng từ nào để mô tả nên tạm gọi là đầu tư BOT. Ở đây là các trường đứng ra vay nợ công ty rồi xây dựng bể bơi và trả nợ chậm trong khoảng thời gian nhất định.

Hiện tỉnh Bình Thuận có trường Nguyễn Văn Linh đang vay tiền của Công ty sách và thiết bị trường học Bình Thuận, công ty này cho nhà trường vay tiền trả chậm trong 3 năm, mỗi năm thu 100.000đ/năm/học sinh, sau 3 năm sẽ trả hết.

Tôi không đồng tình khi dùng từ BOT cho việc xây dựng bể bơi, BOT phải để trong ngoặc kép".

Theo ông Thái, chủ trương của Sở là các trường học gần nhau thì sẽ làm chung một bể bơi, rồi hỗ trợ nhau, chứ không bắt buộc mỗi trường làm một bể bơi.

Hồ bơi của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Bắc Bình, Bình Thuận

Hồ bơi của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Bắc Bình, Bình Thuận

Thực tế, nếu làm được hình thức này thì học sinh sẽ giảm được tiền học phí rất nhiều, vì hiện nay, mỗi lần đi học bơi ngoài bể bơi cũng tầm 20.000đ-30.000đ/buổi học, kèm theo tiền thuê thầy giáo, trong khi nếu xây trong trường, sau này trường vẫn còn hồ bơi để dạy học.

Còn các cháu đóng tiền là dưới hình thức hỗ trợ nâng cấp, duy trì bảo dưỡng hồ bơi hàng năm thì số tiền đóng góp không còn lớn.

"Tôi cũng chỉ đạo với các trường không thu tiền các học sinh hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện miễn học phí luôn chứ không phải giảm giá. Chúng tôi hoàn toàn không có mục đích kinh doanh, ngân sách nhà nước không thể có tiền xây mấy trăm hồ bơi nên phải xã hội hóa.

Mục tiêu của chúng tôi chỉ có là hỗ trợ đào tạo giúp cho học sinh có thêm các kỹ năng sống", ông Thái nói thêm.

Rẻ hơn học bể bơi tư nhân

Trong khi đó, là trường THPT đầu tiên áp dụng hình thức xã hội hóa để xây dựng bể bơi, chia sẻ với Đất Việt, ông Lương Văn Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, Bình Thuận cho biết: "Chúng tôi đầu tư theo chủ trương xã hội hóa của tỉnh, dưới sự đầu tư của Công ty sách và thiết bị trường học Bình Thuận.

Phía bên công ty hỗ trợ đầu tư xây dựng phần hồ bơi, trong thời gian 3 năm không lấy lãi. Còn lại phần nổi mái che thì kêu gọi các nhà đầu tư khác họ đầu tư cho rồi hoàn vốn lại bằng cách kêu gọi phụ huynh đóng tiền coi như học phí cho con 100.000đ/học sinh/năm.

Sau khi hoàn vốn thì sẽ giảm toàn bộ mức thu lại, năm nay 100.000đ/năm/học sinh thì năm sau sẽ giảm dần đến khi bão hòa nguồn vốn đó. Sau khi hoàn vốn xong thì học sinh sẽ chỉ còn phải đóng góp trả chi phí tiền nước, điện, tiền bảo dưỡng hồ, các hóa chất xử lý làm sạch hồ bơi.

Làm như vậy thì mức tiền dành cho các học sinh là khá thấp, vì ra hồ bơi tự nhân thuê, như trường chúng tôi thuê đợt vừa rồi chi phí khoảng 500.000đ/năm/học sinh.

Làm như này thì chi phí rất ít, hàng năm giảm dần, miễn sao học sinh càng đông thì sẽ tạo ra xã hội hóa nhanh, trong 1-2 năm thì thành ra tài sản chung mà học sinh sau này học ít tốn kém".

Theo ông Hà, mục đích là cho học sinh có được kỹ năng sống, vốn đầu tư xây dựng không quá lớn, vấn đề là có làm đúng theo chủ trương xã hội hóa hay không. Như trường Nguyễn Văn Linh đầu tư ban đầu từ năm 2016 đến nay, xây dựng khoảng 180 triệu đồng, còn đầu tư mặt sân tổng chi phí 360 triệu đồng.

Riêng giáo dục chỉ cần tạo giá trị cho học sinh, xã hội hiện nay tỷ lệ học sinh chết đuối rất nhiều, trong 5 năm có 4 học sinh lớp 12 bị mất do chết đuối, nên việc trang bị kỹ năng cho các em là cần thiết.

"Nói chung chỉ cần mấy trường gần nhau phối hợp cùng làm là được, chủ trương này là bắt buộc, thay thế các môn tự chọn. Còn đối với các em học sinh hoàn cảnh khó khăn miễn học phí 100%, gia đình chính sách thương binh xã hội cũng miễn phí hoàn toàn.

Đây là một chủ trương tốt, các đơn vị trường học nên tận dụng để tạo một môi trường kỹ năng cho học sinh, đúng chủ trương của Bộ GD-ĐT là dạy kỹ năng cho học sinh. Tất cả phụ huynh đến tham quan đều thống nhất, đồng tình ủng hộ chủ trương này", ông Hà cho biết thêm.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/xay-ho-boi-hoc-sinh-thu-phi-bot-hieu-lam-het-roi-3343085/