Xây nhà 40-70 tầng tại ga Hà Nội: Quy hoạch nào?

Xây nhà 70 tầng quanh khu vực ga Hà Nội là trái với quy định hiện hành về quản lý kiến trúc trong nội thành cũng như vi phạm luật thủ đô.

Phá vỡ quy hoạch thủ đô

Liên quan đến đề xuất của Hà Nội về việc xây ga Hà Nội 40-70 tầng, trao đổi với Đất Việt, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội khẳng định không đồng tình với kiến nghị trên.

“Việc này cần phải xem lại cho đủ cơ sở pháp lý và đúng quy trình”, ông Nghiêm khẳng định.

Trong khi đó, TS Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định việc xây các tòa nhà 70 tầng quanh khu vực ga Hà Nội là trái với quy định hiện hành về quản lý kiến trúc trong nội thành Hà Nội cũng như vi phạm luật thủ đô.

Cụ thể, theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành từ tháng 4/2016, khu vực xung quanh ga Hà Nội được xây dựng cao tối đa 18 tầng, khoảng 65 m.

Khu vực ga Hà Nội. Ảnh: DT

Ngoài ra, theo ông Liêm, khu vực ga Hà Nội hiện nay đang là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành như Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng... Khu vực này mật độ giao thông qua lại rất lớn khiến tình trạng ùn tắc liên tiếp xảy ra.

Khi xây dựng các tòa nhà cao tới 70 tầng, đồng nghĩa với việc tăng thêm mật độ xây dựng dẫn đến mật độ dân số tập trung quanh khu vực này cao hơn nhiều lần so với hiện tại.

“Khi xây dựng nhà 70 tầng quanh ga Hà Nội, đường xá có thể được thiết kế rộng rãi hơn hiện tại. Tuy nhiên các tuyến đường kết nối trong nội đô vẫn nhỏ hẹp thì tình trạng tắc đường sẽ xảy ra với mức độ nghiêm trọng hơn”, TS Liêm cảnh báo.

Đặc biệt theo TS Phạm Sỹ Liêm, muốn có đất để xây dựng theo quy hoạch Hà Nội đưa ra, bắt buộc phải tác động đến hồ Linh Quang và hồ Văn Chương.

Khi đó, hồ Linh Quang còn duy trì nhưng sẽ được làm theo hướng tôn tạo thu hẹp diện tích. Đối với hồ Văn Chương không mở rộng được thì nhiều khả năng có thể bị lấp để lấy mặt bằng.

“2 hồ này đang đóng vai trò hồ điều hòa cho khu vực quanh ga Hà Nội. Bây giờ giảm diện tích và lấp lại như thế thì mưa to chắc chắn sẽ ngập lụt vì nước không thoát được”, ông Liêm cảnh báo.

Trung tâm liên vận quốc tế kiểu gì?

Một vấn đề khác được nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhắc tới trong đề xuất là ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại thành ga trung tâm tàu khách, tàu liên vận và đường sắt đô thị.

Ông Liêm cho rằng điều này là không thực tế và khó có thể làm được trong bối cảnh hiện nay.

Vị chuyên gia dẫn chứng: “Trung tâm liên vận, giao thông quốc tế của Hà Nội đứng đầu là cảng hàng không Nội Bài. Khách đi đến Hà Nội bằng máy bay.

Còn ở ga Hà Nội hiện nay là chỉ có khoảng mươi chuyến đi lại trong nước. Đặc biệt chỉ có 1 chuyến duy nhất đi sang Nam Ninh (Trung Quốc). Như vậy thì xây dựng ga Hà Nội thành tàu liên vận thế nào?

Theo tôi, đây là cách nói ngụy biện và chủ yếu nhằm khai thác đất đai. Cá nhân tôi thấy đây là một dự án không thích hợp và không khả thi”, ông Liêm nhấn mạnh.

Ông Liêm cũng kiến nghị thành phố nên tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng đang bị đắp chiếu ở các khu vực như Mỹ Đình, phía Tây hồ Tây thay vì đầu tư vào khu vực đất vàng quanh nhà ga Hà Nội.

“Khu Mỹ Đình đất đai rộng rãi và còn thừa rất nhiều. Chục năm nay chúng ta tập trung phát triển nhưng vẫn chưa đâu vào với đâu. Thế thì tại sao lại không tập trung công sức để hoàn thành khu đô thị mới Mỹ Đình và giãn bớt dân ra để nơi đây trở thành khu trung tâm mới của Hà Nội?

Tương tự khu vực phía Tây hồ Tây đã có dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc và thành phố định đưa khu thương mại về đây. Tuy nhiên đến giờ cũng chưa phát triển.

Hiện giờ, lấy khu ga Hà Nội, nơi đất vàng trong nội thành để xây dựng thì lợi ích của ai? Quy hoạch phải chỉ đạo các dự án. Nhưng giờ thì các dự án quay trở lại chỉ đạo quy hoạch. Điều này thể hiện lợi ích nhóm rõ ràng”, ông Liêm đặt vấn đề.

Vị chuyên gia cũng bày tỏ nghi ngại về năng lực thật sự của đơn vị tư vấn quốc tế Nhật Bản khi đưa mật độ dân số kỷ lục vào khu vực ga Hà Nội hay xây dựng nơi đây thành trung tâm tàu khách, tàu liên vận và đường sắt đô thị.

“Khi thuê tư vấn quốc tế làm quy hoạch thì phí thư vấn sẽ cao. Tôi không hiểu ai sẽ là người trả cái này”, ông Liêm băn khoăn.

Bộ GTVT sẽ xem xét đề xuất

Cũng liên quan đến đề xuất của Hà Nội về việc xây ga Hà Nội 40-70 tầng, chiều 20/9, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan này sẽ quan tâm tới góc độ sử dụng đất tại đây.

Theo ông Hà, đến nay chưa thấy quy hoạch gì khác tại khu vực ga Hà Nội. Do chưa có quy hoạch đất đai tại đây nên khi được Hà Nội xin ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ dựa vào quy hoạch cụ thể về giao thông, môi trường, đất đai,… để nêu quan điểm.

Trong khi đó, trả lời báo chí, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, Bộ GTVT đã nhận được bản đề xuất xây dựng cao ốc 70 tầng tại khu vực ga Hà Nội và đang nghiên cứu để có ý kiến.

Thứ trưởng Đông tiết lộ, hiện Bộ trưởng GTVT đã phân công Thứ trưởng Nguyễn Văn Công - phụ trách địa bàn Hà Nội xem xét, đánh giá.

Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ triển khai sớm việc lấy ý kiến các cục, vụ, đơn vị liên quan về đề xuất này.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xay-nha-40-70-tang-tai-ga-ha-noi-quy-hoach-nao-3343506/