Xế buýt: Nhanh về bến để còn... đi vệ sinh

- Ăn tính từng phút, thậm chí đi vệ sinh cũng phải tính từng phút... tài xế xe buýt trải lòng.

Giờ cao điểm một chiếc xe buýt có thể “lèn” tới gần 200 người, không còn chỗ để xoay người, đứng bằng một chân là “chuyện thường ngày ở huyện”.

“Lái taxi chỉ chở vài khách, lái xe tải chỉ chở hàng, còn xe buýt chở đến hàng trăm người, nên áp lực trách nhiệm rất cao” - anh Lương Ngọc Giáp (37 tuổi) đã có thâm niên 9 năm lái xe buýt tâm sự.

Một ca (8 - 9 tiếng), mỗi tài xế xe buýt phải lái từ 7 - 8 lượt không có thời gian nghỉ. Nghỉ lượt nào mất tiền lượt đó (mỗi lượt tài xế được trả khoảng 31.000 đồng tùy tuyến) nên tài xế phải canh từng phút để hoàn thành đủ số lượt quy định.

“Tranh thủ có phải để làm việc gì to tát đâu, chỉ để đi vệ sinh thôi! Trung bình cứ khoảng 2h là phải đi tiểu rồi, có ông nào thận yếu thì sau 1h là phải giải quyết. Mà cứ phải đợi về bến mới giải quyết được “nỗi buồn”.

Nhưng khổ, không phải bến nào cũng có nhà vệ sinh, như bến Nhổn. Đâm ra đành phải “bậy” thôi! “Bậy” cũng phải kiếm chỗ nào xa xa xe đậu, “bậy” gần dân họ kêu làm sao hàng ngày đỗ xe yên ổn được”, anh Giáp tủm tỉm kể.

Anh Lê Vũ Long (35 tuổi) tài xế tuyến buýt 22.

Mỗi lần đi vệ sinh mất khoảng 5 phút, tài xế lại phải chạy bù chuyến sau từng đấy thời gian. "Không được nữa thì cánh lái xe mua sẵn một chai lavie, nước để uống còn chai không chờ cơ hội vắng người để…" - anh Lê Vũ Long (35 tuổi) tài xế tuyến buýt 22 của Xí nghiệp xe buýt Hà Nội ngồi bên nói thêm.

Không chỉ tính phút đi tiểu, lái xe buýt còn phải biết tính phút đèn đỏ. Đi không tính đèn đỏ đảm bảo 100% xe buýt muộn giờ. Ai mới vào lái xe đều phải mất ít nhất một lượt. Chỉ cần lái nửa năm, tài xế tự biết căn chỉnh bao giờ đèn xanh, đèn đỏ để đi chậm, đi nhanh, phanh, đề pa,… để khỏi mất lượt.

Thời gian hạn hẹp nên bữa trưa cũng chỉ đơn giản, nhẹ nhàng. Anh Trần Hùng (45 tuổi, nhân viên Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội) nói: “Bánh mì, cơm nắm ruốc, mì tôm húp là tiện nhất. Nhiều lúc tắc đường, chúng tôi còn tranh thủ vừa ăn bánh mì vừa lái xe. Lề mề vừa phải làm bù, vừa ảnh hưởng đến người ca sau, họ làm muộn phải về muộn, lượt quy định vẫn phải đảm bảo”.

Trần tình nghề làm dâu trăm họ

Ăn uống, vệ sinh, đèn đỏ còn có thể tự điều chỉnh được, chứ về hành khách, tắc đường lái xe buýt chỉ còn biết kêu trời. Một con thì bố mẹ cưng chiều tất cả mọi thứ, chứ chín đứa con thì sao bố mẹ nâng niu hết được. Buýt cũng vậy thôi, ít người còn chiều được, đông thì chịu.

Khách hỏi tài xế chỉ trả lời được một câu, đến câu thứ hai là cáu. Một ngày biết bao lượt người hỏi, mà tài xế còn phải nhìn đường, nhìn khách lên xuống có an toàn hay không? Cũng có một số tài xế mới vào chưa quen nên cách xử lý tình huống thiếu chín chắn.

Lái xe buýt hàng ngày đối mặt với cả trăm áp lực.

“Tôi đang ngồi trên xe nghỉ giữa lượt, có khách đập vào cửa kính hất mặt hỏi: “Này! Giáp Bát không?”. Mà nó cũng chỉ bằng tuổi con tuổi cháu mình, không trả lời thì bảo thái độ, mà trả lời thì “cục tức” dồn lên tận cổ”, anh Nguyễn Văn Lượng (58 tuổi, Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội) bức xúc.

Nhiều khách “gấu mèo” còn quay lại ném đá vỡ cửa kính buộc tài xế, phụ xe phải bỏ tiền túi đền cho công ty. Thế nên gặp khách nhiều chuyện, anh em tài xế “im cho lành”.

Không ít người mắng lái xe buýt phanh gấp, nhưng bị xe máy tạt đầu buộc phải phanh chứ để xảy ra tai nạn thì ai chịu cho tài xế. Di chuyển chiếc xe kềnh càng giữa giờ cao điểm phải chắc tay lái lắm nếu không xảy ra tắc đường.

Cánh tài xế than thở: nuôi xe ô tô còn khổ hơn cả nuôi con mọn. Nay hỏng còi, mai hỏng xi nhan, cửa lên xuống… đặc biệt là xịt lốp. Trên quãng đường đến điểm đổi xe, tài xế không thể dừng lại đón khách vì lốp chỉ chịu được một lượng người nhất định.

Nhưng ai hiểu cho buýt, họa chăng chỉ có tài xế, phụ xe, khách trên xe, còn khách ở dưới bến thì chịu. Về đến công ty, nếu đến thời điểm thay lốp định kỳ xe sẽ được lốp mới, còn không đành dùng lốp vá lại. Lốp hỏng nặng, công ty còn giám định, không khéo tài xế phải chịu phạt vì để lốp rách. Chính vì thế, lái xe ngoại tỉnh rất ngại vào nội thành lái xe buýt vì bị “tức chân”, áp lực công việc lớn.

Một điều khá thú vị là nhiều anh em trong xí nghiệp nên duyên nhờ những chuyến xe buýt. Anh Giáp vẫn nói đùa: “Người ta đưa đón nhau bằng bốn bánh, mình chơi hẳn mười mấy bánh”. Chị Mai (vợ anh Giáp) chia sẻ: “Nghề lái xe buýt là nghề làm dâu trăm họ, chỉ có ai ở trong hoàn cảnh của họ, hoặc thân thiết mới hiểu được cho họ”.

Kim Thái

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1983/201111/Nghe-xe-buyt-trut-bau-tam-su-1817022/