Xe công vụ bị "nhốt" 4 ngày: Luật sư phân giải

Công ty Phương Anh có lỗi cản trở người thi hành công vụ sẽ phải xử phạt hành chính, đoàn thanh tra cũng có lỗi khi tiến hành kiểm tra.

Có hành vi cản trở, chống lại việc thanh, kiểm tra của người thi hành công vụ

Liên quan đến sự việc 2 xe công vụ của Cục quản lý đường bộ I, thuộc Tổng cục Đường bộ bị Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh khóa chặn, không cho di chuyển đã và đang nhận được rất nhiều quan tâm từ dư luận, luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci Hà Nội đã có những nhận định riêng.

Trao đổi với Đất Việt, ngày 19/5, Luật sư Tú phân tích, theo quy định tại Thông tư 02/2014/TT-BGTVT thì Đoàn kiểm tra liên ngành có thẩm quyền thực hiện việc thanh, kiểm tra phương tiện có dấu hiệu quá tải, quá khổ.

Cụ thể, tại Điều 5 - Nội dung thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải có nêu rõ: Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải là hoạt động thanh tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giao thông vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải và hàng không (bao gồm cả điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên), bao gồm:

a) Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải;

b) Phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông vận tải;

c) Hoạt động đăng ký, đăng kiểm phương tiện, thiết bị giao thông vận tải;

d) Điều kiện, tiêu chuẩn và bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép của người điều khiển, tham gia vận hành phương tiện, thiết bị giao thông vận tải;

đ) Đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông vận tải;

e) Hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải;

g) Các hoạt động chuyên ngành khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành Giao thông vận tải.

Chính vì thế, Luật sự Tú khẳng định: "Hành vi của công ty Phương Anh có dấu hiệu là hành vi cản trở, chống lại việc thanh, kiểm tra của người thi hành công vụ (Điều 20, NĐ 167/2013/NĐ-CP) và có thể bị phạt hành chính".

Xe công vụ của đoàn công tác liên ngành đường bộ - công an bị “nhốt” tại huyện Hưng Hà (Thái Bình)

Bên cạnh đó, Luật sư Tú cũng viện dẫn, tại Điều 20, có nêu rõ phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

"Do công ty Phương Anh là tổ chức nên theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định này mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần mức phạt với cá nhân", Luật sư Tú khẳng định.

Đoàn Thanh tra cũng có lỗi khi tiến hành kiểm tra

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo Luật sư Tú, về thẩm quyền, phía Thanh tra Tổng cục đường bộ có thẩm quyền tiến hành việc thanh, kiểm tra giao thông vận tải đường bộ.

Nhưng để xác định việc làm của Tổng cục đường bộ có đúng luật không thì cần xác thực thêm thông tin do các bên cung cấp để có thể đưa ra câu trả lời.

Về việc tiến hành thanh tra theo quy định tại Khoản 3, Điều 8, Thông tư 02/2012/TT-BGTVT Quy định quy trình thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính; công tác lập kế hoạch, chế độ báo cáo và quản lý nội bộ của thanh tra ngành Giao thông vận tải

Thế nhưng, trong báo cáo gửi Bộ GTVT, ngày 18/5, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng, sau khi phát hiện xe quá tải tại cụm công nghiệp Đồng Tu (tỉnh Thái Bình) ngày 13/5, thanh tra giao thông yêu cầu lái xe xuất trình và thu giữ các loại giấy tờ liên quan để buộc lái xe chấp hành xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết và đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, biện pháp tự bóc tem kiểm định là chưa phù hợp, thay vào đó, cán bộ thanh tra cần yêu cầu lái xe giao nộp.

Luật sự Tú phân tích: "Đoàn thanh tra có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và cung cấp thông tin, tài liệu, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra.

Như vậy quyền hạn của Thanh tra giao thông đã được quy định là yêu cầu đối tượng được thanh tra xuất trình giấy phép và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan. Trực tiếp trong trường hợp của công ty Phương Anh là yêu cầu giao tem kiểm định.

Nhưng lãnh đạo Tổng cục đường bộ đã nhận định biện pháp tự ý bóc tem kiểm định là chưa phù hợp, thay vào đó, cán bộ thanh tra cần yêu cầu lái xe giao nộp. Như vậy phía Đoàn Thanh tra cũng có lỗi trong việc tiến hành thanh tra".

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xe-cong-vu-bi-nhot-4-ngay-luat-su-phan-giai-3308854/