Xe đạp thồ huyền thoại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Trong thắng lợi vĩ đại ấy, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của đội dân công cùng những chiếc 'xe đạp thồ' ngày đêm âm thầm ra trận phục vụ chiến dịch.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện đang trưng bày chiếc xe đạp thồ của chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng, tỉnh Phú Thọ. Ông được mệnh danh là "kiện tướng xe thồ" với kỷ lục vận chuyển hơn 350kg hàng hóa trong một chuyến.

Chiếc xe đạp thồ của chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Để có thể thồ được khối lượng lớn hàng hóa phục vụ chiến dịch, chiếc xe đạp đã được ông Thắng cùng các chiến sĩ dân công khác cải tiến như: buộc thêm vào ghi-đông một đoạn tre nhỏ, gọi là "tay ngai" để điều khiển xe, buộc vào trục yên xe một đoạn tre, cao hơn yên khoảng 50cm để cầm, giữ thăng bằng và đẩy xe đi; hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ; dùng vải, quần áo cũ, săm cũ… để "gia cố", tăng độ bền cho săm, lốp và khung xe.

Chiếc xe đạp thồ gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đến Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chị Ma Thị Lanh, con gái út của chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng không khỏi bồi hồi, xúc động khi được nhìn lại kỷ vật của cha mình trong chiến dịch.

Nhiều lần cha tôi kể và cũng nhiều đơn vị đã kể lại cho tôi câu chuyện về cha tôi. Tôi rất vinh dự và tự hào về cha mình.

Chị Ma Thị Lanh - xã Phú Hộ - thị xã Phú Thọ - tỉnh Phú Thọ.

Thời điểm đó, mặc dù xe đạp là tài sản thuộc hàng hiếm và quý, nhưng nhân dân Nghệ An, Thanh Hóa, các tỉnh Liên khu Ba, Việt Bắc, Tây Bắc đã đóng góp 21.000 chiếc xe phục vụ chiến dịch. Trong suốt cả chiến dịch, đội quân xe đạp thồ đã vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa. Chiến trường chưa bao giờ bị gián đoạn về hậu cần từ lương thực, thực phẩm, thuốc men đến những nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Đoàn xe đạp thồ hành quân lên Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ hậu cần.

Hành quân cùng đoàn xe đạp thồ lên Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ hậu cần, ông Trần Khắc Lộng, thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nhớ như in hình ảnh những chiếc xe đạp thồ cùng lực lượng dân công vượt hàng trăm km đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận.

Đi qua những vùng bom đạn rơi suốt ngày, đêm, xe đạp thồ có thể tải từ lương thực, súng đạn đến thương binh... cái gì cũng tải được.

Thanh niên xung phong Trần Khắc Lộng - phường Yên Sở - quận Hoàng Mai - Hà Nội.

Sứ mệnh lịch sử đã hoàn thành, chiếc xe đạp thồ ngày ấy đã trở thành kỷ vật chiến tranh về một thời hào hùng còn sống mãi với thời gian. Trong lễ kỷ niệm vào ngày 7/5 tới đây, "Đoàn quân xe đạp thồ" với những hình ảnh hào hùng sẽ một lần nữa được tái hiện.

"Đoàn quân xe đạp thồ" với những hình ảnh hào hùng sẽ một lần nữa được tái hiện trong lễ kỷ niệm vào ngày 7/5 tới.

Trong khối diễu binh, diễu hành, khối xe đạp thồ là nội dung rất đặc trưng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng tôi sẽ cố gắng mang những hình ảnh đẹp nhất, thực tế nhất để tái hiện lại những hình ảnh của cha ông ta ngày xưa.

Đại úy Nguyễn Đại Tá - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 2 - Sư đoàn 3 - Quân Khu 1.

70 năm kể từ ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, song câu chuyện và hình ảnh chiếc xe đạp thồ chở hàng ngàn tấn lương thực cho chiến dịch đã và đang được cả thế giới biết đến như một "huyền thoại". Thứ "vũ khí đặc biệt" ấy đã đánh bại sức mạnh của thực dân xâm lược với hàng vạn vũ khí tối tân, để làm nên chiến thắng vang dội "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/xe-dap-tho-huyen-thoai-trong-chien-dich-dien-bien-phu-235172.htm