Xe điện đứng trước cuộc cách mạng

Ngành công nghiệp ô tô trị giá 2 nghìn tỷ đô la Mỹ đang trải qua một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ khi xe ô tô điện bắt đầu thay thế cho xe có động cơ đốt trong.

Năm 2016, gần 95 triệu xe hơi được sản xuất và bán ra trên toàn cầu, hầu hết đều sử dụng động cơ đốt trong (ICE). Trong vòng 100 năm trở lại đây, sự phát triển của các loại xe sử dụng động cơ đốt trong đã dẫn đến sự chiếm lĩnh của các ông trùm trong ngành dầu mỏ.

Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi và nhiều người tin rằng ngành công nghiệp ô tô trị giá 2 nghìn tỷ đô la Mỹ đang trải qua một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ khi xe ô tô điện bắt đầu thay thế cho xe có động cơ đốt trong.

Đứng trước cuộc cách mạng

Mặc dù xe điện hay xe lai điện (plug-in hybird electric vehicle - PHEV) hiện mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng số xe hơi được sản xuất hàng năm nhưng đây có thể là sự khởi đầu của một cuộc “cách mạng xe điện”.

Các chuyên gia tại Bernstein – một công ty phân tích ở Phố Wall vốn theo dõi khá chặt chẽ ngành công nghiệp xe điện, dự đoán rằng xe điện sẽ chiếm 40% doanh thu bán ô tô và 30% tổng số lượng xe trên toàn cầu trong 20 năm tới, dẫn tới những thay đổi sâu rộng đối với chuỗi cung ứng và các nhà lắp ráp.

Đồng ý với quan điểm trên, UBS, một trong những công ty dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới cũng cho rằng sự phát triển của xe điện sẽ tác động tới nhu cầu xăng dầu từ năm 2031.

Dĩ nhiên, Tesla được công nhận rộng rãi là người dẫn đầu cuộc cách mạng này, nhưng Volvo cũng gây sốc khi thông báo hồi tháng 7 rằng sẽ thay thế các loại xe chạy bằng động cơ đốt trong vào đầu năm 2019 và tất cả các mẫu xe ra mắt sau đó sẽ là xe điện hoặc xe lai điện.

Volvo thuộc sở hữu của Geely, nhà sản xuất xe hàng đầu Trung Quốc, Chắc chắn đây chính là nhân tố ảnh hưởng quan trọng. Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển xe điện để đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại quốc gia này.

Trong khi nhiều người đang ảo tưởng về một thất bại giành cho Tesla và xu hướng xe điện, giới chức lãnh đạo ở các nước và nhà đầu tư đã sẵn sàng cho cuộc thay đổi.

Được cố tổng thống Ronald Reagan, lúc đó là thống đốc, thành lập cách đây 50 năm về trước, Ủy ban tài nguyên California (CARB) đã đi đầu nước Mỹ bằng việc ban hành các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt và thực hiện một loạt chính sách khuyến khích xe điện, bao gồm cấp tín dụng cho các công ty sản xuất xe hơi không khí thải (ZEV).

California và 13 bang khác, được gọi là các bang CARB, sẽ xuất hiện tại triển lãm ô tô Frankfurt nhằm thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ ở một trong những thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Thực tế, các nước khác cũng đã bắt đầu có những biện pháp khắc nghiệt hơn trong thời gian gần đây.

Trong tháng 6, Nauy cho biết sẽ cấm bán các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2025. Tháng 7, Pháp tuyên bố sẽ dừng việc bán các loại xe chạy xăng và dầu vào năm 2040, và Anh cũng nhanh chóng theo sau đó với những thông báo tương tự.

Ở cấp độ thành phố, Paris, Madrid và Mexico City thông báo sẽ cấm tất cả xe chạy bằng dầu diesel ở khu vực trung tâm thành phớ vào năm 2025. Trung Quốc cũng đang vạch ra kế hoạch cấm bán xe chạy bằng xăng dầu.

Các nhà đầu tư chứng khoán cũng đang đè nặng áp lực vào các nhà sản xuất xe toàn cầu. Bằng cách đẩy giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán của Tesla lên mức 58 tỷ USD, mặc dù trên thực tế công ty này chỉ mới đạt 76.000 chiếc xe vào năm ngoái, giới đầu tư đã phát đi một thông điệp rất rõ ràng về niềm tin vào tương lai của ngành xe điện.

Mức định giá của Tesla trái ngược với các nhà làm xe truyền thống. Giá trị vốn hóa của cổ phiếu hãng General Motors, vốn bán được 9,6 triệu chiếc - nhiều hơn gấp 100 lần so với số lượng Tesla bán được trong năm 2016, thấp hơn vài tỷ USD so với đối thủ mới bước chân vào ngành.

Có rất nhiều lý do để tin vào sự phát triển của ngành xe điện trong tương lai.

Thứ nhất, chi phí về công nghệ đã giảm đáng kể, với chi phí cho pin đã giảm chỉ bằng 20% so với chi phí cách đây năm năm. Ngoài ra, những đổi mới về công nghệ cũng như dung lượng pin ngày càng lớn xuất hiện ở Trung Quốc đã tác động tích cực cho việc giảm giá.

Thứ hai, những trạm sạc điện đang phát triển ở nhiều nơi tại Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia phát triển trên thế giới.

Một lý do nữa là chi phí vận hành xe điện rẻ hơn so với xe có động cơ đốt trong thậm chí cả khi giá xăng dầu đã giảm trong thời gian gần đây. Khi chi phí công nghệ thấp kéo giá ban đầu của các loại xe điện xuống, ngang với các loại xe chạy bằng động cơ đốt trong nhưng chi phí vận hành lại thấp hơn tạo ra một ngành công nghiệp xe điện đầy hấp dẫn.

Một trạm xạc pin xe điện tại Trung Quốc (ảnh: Forbes.com)

Xét về sự phát triển của ngành xe điện, Trung Quốc giờ đã vượt qua các nước khác để dẫn đầu.

Năm 2016, có 507.000 xe điện và xe lai điện được bán ở Trung Quốc, tăng 53% so với năm 2015. Trong khi đó, chỉ có 222.200 xe điện và xe lai điện được bán ở châu Âu, tăng 14%; và tương tự cũng có 157.130 chiếc xe loại này được bán ở Mỹ, tăng 36% so với cùng ký năm trước đó.

Trung Quốc phủ bóng ngành xe điện toàn cầu

Tại sao Trung Quốc dẫn đầu trong việc nắm bắt công nghệ xe điện?

Câu trả lời có lẽ đơn giản là Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác. Trung Quốc có ba con đường để lựa chọn.

Đầu tiên, Trung Quốc có thể chọn sự phát triển nhanh chóng của các loại xe chạy động cơ đốt trong, dẫn đến hệ quả ô nhiễm không khí và lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Thứ hai, chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát nhu cầu về phương tiện di chuyển của người dân nhằm nỗ lực cân bằng những mối lo ngại về môi trường.

Thứ ba, quốc gia này có thể áp dụng công nghệ xe điện cho phép người dân có thể sử dụng xe của họ mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Một nơi đậu xe điện tại Vũ Hán - Hồ Bắc - Trung Quốc (ảnh: Forbes.com)

Khi xe động cơ đốt trong bước vào giai đoạn phát triển, Mỹ, với diện tích lớn và những vùng ngoại ô rộng có mật độ dân số thấp, là thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Ngày nay, Trung Quốc mới là thị trường ô tô lớn nhất thế giới và chiếm hầu hết nhu cầu ô tô mới trên toàn cầu. Bối cảnh thị trường của Mỹ ngày trước và Trung Quốc ngày nay có thể không có quá nhiều khác biệt.

Thực tế cho thấy Trung Quốc với dân số 1,3 tỷ người và mức thu nhập bình quân tăng lên nhanh chóng đang tạo ra nhu cầu về các phương tiện di chuyển cá nhân, nhưng khó đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững nếu sử dụng các công nghệ lạc hậu.

Trung Quốc đã là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, với 28 triệu chiếc xe được sản xuất trong năm 2016 và dự đoán sẽ tăng trưởng lên 40 triệu chiếc vào năm 2025.

Tại Mỹ, có gần một chiếc xe trên đường cho mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Ở Trung Quốc,  mỗi 6 người. Trong khi con số xe hơi bình quân đầu người ở Trung Quốc có thể không bao giờ đạt tới mức bằng Mỹ, nhưng mức độ thâm nhập của ô tô chắc chắn sẽ tăng trưởng như bây giờ.

Trong một giai đoạn phát triển mới của một ngành công nghiệp, câu chuyện diễn ra ở Trung Quốc cũng tương tự. Nhờ động lực lớn từ dân số đông, không hề có những cơ hội hay vấn đề nhỏ ở đất nước này. Tại Trung Quốc, dân số đông đồng nghĩa chỉ có những cơ hội lớn và vấn đề lớn. Trong bối cảnh này, cải thiện chất lượng không khí, trong khi cùng lúc phải đáp ứng được nhu cầu vận chuyển lớn, tăng trưởng kinh tế và gia tăng sức khỏe cho dân thành thị, là những vấn đề rất lớn.

Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc - ảnh được chụp ngày 3.1.2017 tại tỉnh Phú Dương - Hàng Châu - Trung Quốc (ảnh: Forbes.com)

Trung Quốc có mật độ dân số đông hơn Mỹ. 10 thành phố lớn nhất Trung Quốc có số dân từ 6-22 triệu người, và có hơn 160 thành phố có dân số trên 1 triệu người. Nếu so sánh, dân số 10 thành phố lớn nhất Mỹ từ 1-8,6 triệu người, và chỉ có 10 thành phố trên 1 triệu dân.

Hơn nữa, một nửa dân số Trung Quốc sống ở nông thôn, nhưng xu hướng ngày càng nhiều người kéo đến thành thị sinh sống. Trong những năm tới, ước tính có khoảng 240 triệu người sẽ chuyển vào các thành phố ở Trung Quốc. Đến năm 2025, hơn 1/3 trong số 600 thành phố lớn nhất thế giới sẽ nằm ở Trung Quốc.

Trong  100 năm trở lại đây, động cơ đốt trong là công nghệ được lựa chọn cho ngành công nghiệp ô tô, vốn được phát triển chủ yếu cho người tiêu dùng Mỹ, một đất nước có không gian rộng lớn và mật độ dân thấp. Với người tiêu dùng ở một quốc gia đông dân như Trung Quốc, giờ đây họ sẽ là những người “lèo lái” nhu cầu mới cho ngành ô tô toàn cầu, công nghệ của quá khứ giờ không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Vì lý do này, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục dẫn đầu trong sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện.

Triển vọng đối với xe điện cũng tạo ra những mối quan hệ hợp tác kỳ lạ. Tháng trước, Ford Motor cho biết hãng sẽ thiết lập một liên doanh mới với một công ty Trung Quốc ít tên tuổi - Anhui Zotye Automobile nhằm phát triển các loại xe khách điện tại Trung Quốc mang thương hiệu mới.

Liên doanh mới sẽ nhắm vào nhu cầu về xe điện đang tăng trưởng tại Trung Quốc và cũng phù hợp với các chính sách của chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc đang xem xét áp dụng các chính sách tương tự như các quy định của CARB, khuyến khích sản xuất các phương tiện không thải khí.

Nếu không phải vì xe điện là xu hướng chính trong thị trường ô tô lớn nhất thế giới này, có lẽ Ford – một trong những công ty ô tô lớn nhất thế giới - sẽ chẳng bao giờ liên doanh với Zoyte, công ty có doanh số bán xe khá ít ỏi.

Ngay cả các công ty sản xuất linh kiện lớn đang chuẩn bị cho một thời kỳ mới khi xe điện thay thế xe dùng động cơ đốt trong. Bosch, nhà cung ứng linh kiện ô tô lớn nhất thế giới, đang bận rộn bán tháo các linh kiện dùng cho xe động cơ đốt trong để tập trung vào các bộ phận và hệ thống xe chạy điện.

Trong tháng 5, Bosch đã thoái vốn khỏi công ty chuyên về máy phát điện (SG) cho một công ty lớn của Trung Quốc, mặc dù thực tế SG sở hữu vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này. SG có 16 chi nhánh tại 14 quốc gia, bao gồm Đức, Trung Quốc, Brazil, Hungary, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi, Tây Ban Nha và Mỹ.

Berntein đưa ra lời khuyên cho các công ty ô tô trong hầu hết các báo cáo của hãng này, rằng nếu các nhà làm luật và các nhà cấp vốn đều hướng đến việc đầu tư vào ngành nào, mà cụ thể là xe điện, thì bạn tốt nhất là nên bắt tay vào làm ngay.

Nguồn Forbes: http://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/xe-dien-dung-truoc-cuoc-cach-mang-1234.html