Xe 'dù' đội lốt xe hợp đồng: Bất lực, nhiều nhà xe muốn bỏ bến, chạy... hợp đồng

Có một thực tế khá buồn là do sự bùng nổ gần như mất kiểm soát của các loại xe 'dù' đội lốt xe hợp đồng, tại nhiều cung đường, không ít doanh nghiệp vận tải tuyến cố định (xe khách truyền thống) đã thúc thủ hoàn toàn. Khi những lời than vãn, kêu gọi, phản đối… rơi vào thinh không, họ buộc lòng phải tự thích nghi bằng cách 'độn' thêm trên chính luồng tuyến của mình một vài đầu xe hợp đồng.

Một chiếc xe Limousine chạy hợp đồng nhưng chở khách chạy tuyến cố định tuyến Quảng Ninh - Hà Nội. Ảnh: P.V

Loạn xe “dù”, bến “cóc”

Như Báo Lao Động thông tin, theo thống kê từ Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), hiện trên cả nước có trên 35.000 xe ôtô được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch. Do điều kiện kinh doanh tương đối đơn giản, chi phí hoạt động thấp, nên thời gian vừa qua, loại hình vận tải này nở rộ như nấm sau mưa, bất kể tỉnh, thành nào cũng có. Nhiều xe trong vỏ bọc xe hợp đồng nhưng ngang nhiên đón trả khách như xe chạy tuyến cố định. Nổi bật nhất phải kể đến loại xe Limousine 9 chỗ ngồi. Thậm chí, nhiều nhà xe còn “chịu chơi” đến mức dùng hẳn loại xe gia đình 7 chỗ để chở khách theo hình thức đi chung.

Mặc dù có giá vé cao gấp từ 2-3 lần xe khách thông thường nhưng vì dịch vụ và chất lượng vượt trội, xe “dù” đội lốt xe hợp đồng thời gian gần đây đã trở thành lựa chọn hàng đầu của không ít khách hàng, trở thành mối đe dọa thực sự của xe khách truyền thống. Và câu chuyện tại bến xe khách Bắc Kạn vừa qua như một minh chứng rõ nét nhất cho thực trạng này khi nhiều xe rời bến chỉ có 1-2 khách.

Bên cạnh đó, ghi nhận của nhóm PV Báo Lao Động còn cho thấy, không chỉ núp bóng bằng những chiếc xe nhỏ nhắn, ngay cả những chiếc xe cồng kềnh loại giường nằm hai tầng hoặc ghế ngồi 45 chỗ cũng được các nhà xe tận dụng kẽ hở của pháp luật để vận tải hành khách tuyến cố định. Đáng chú ý, vì trong vỏ bọc xe hợp đồng, những chiếc xe này có thể chở một lượng khách lớn ngông nghênh ra vào phố cấm để đón trả khách, tăng mức độ thuận lợi cho người sử dụng nhưng cũng đồng nghĩa đẩy các doanh nghiệp xe khách truyền thống gần hơn bờ vực phá sản.

Cụ thể sau nhiều ngày quan sát, có thể thấy, phần lớn đây là những tuyến xe đi các tỉnh miền trung, thời gian xuất phát khoảng sau 17h hàng ngày, địa điểm bán vé và tập kết khách chính là hệ thống văn phòng của các nhà xe nằm rải rác trên các tuyến phố Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Giải Phóng (quận Hoàng Mai)…

Khảo sát tại số nhà 388 Trần Khát Chân là đại lý bán vé của nhà xe Hưng Long, cho thấy, tại đây có bán vé cho hành khách đi tuyến Hà Nội - Quảng Bình. Nhân viên nhà xe tiết lộ, đối với tuyến cố định này, Hưng Long phục vụ 4 chuyến/ngày, đó là: 17h30, 18h30, 19h30 và 20h30. Thế nhưng qua tìm hiểu thực tế được biết, xe của Công ty Hưng Long được cấp phép phục vụ khách đoàn đi tham quan, du lịch, đám cưới, đám ma...

Cần một hành lang pháp lý

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - không ngần ngại khẳng định, xe hợp đồng trá hình chính là vấn nạn nhức nhối của ngành vận tải đang diễn ra trên cả nước. Trước thực trạng đáng buồn đó, trong thời gian qua, Hiệp hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nhưng hiện chưa thể có giải pháp nào mang tính chất triệt để.

“Hiện phát sinh ra nhiều hình thức xe hợp đồng trá hình, xe hợp đồng du lịch nhưng chạy như tuyến cố định, nay còn thêm Limousine rồi Uber, Grab nữa... Phải chăng những hình thức này đáp ứng được nhu cầu của người dân nên người ta không đến bến xe?” - ông Thanh nhận định.

Vì vậy, để hạn chế xe hợp đồng trá hình, vị chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô cho rằng, cần nghiên cứu các quy định theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải kinh doanh và phát triển, những loại hình vận tải nào phục vụ được hành khách tốt hơn, an toàn, thuận tiện, văn minh hơn thì tạo điều kiện cho phát triển. “Theo tôi phải làm vậy mới giải quyết được tận gốc xe trá hình nếu không cứ luẩn quẩn...”- ông Thanh kiến nghị.

Cũng liên quan tới sự việc trên, ông Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) phân tích: “Trong khi xe tuyến cố định phải chịu rất nhiều những chi phí như bến bãi từ 500.000-1.000.000 đồng/xe thì những xe hợp đồng, xe “dù” sẽ không mất vì đỗ bên ngoài. Lợi thế của những xe hợp đồng là có khách thì mới đi, còn ko có khách họ sẽ không đi, nếu đủ khách mà có lợi nhuận thì sẽ đi. Còn không đủ khách có thể bán khách hoặc không đi. Những xe truyền thống thì đúng giờ, đúng “lốt” là phải đi, kể cả không có khách vẫn phải xuất bến. Vì lẽ đó, chi phí vận hành của xe hợp đồng rất khiêm tốn. Chưa kể là xe “dù” nên họ cũng thoát được nhiều khoản thuế như thuế doanh nhiệp, VAT…”.

Theo ông Hải, nếu Nhà nước chấp nhận xe hợp đồng phát triển thì phải có một hành lang pháp lý để quản lý, còn không thì phải kiên quyết xử lý dứt điểm bởi cứ để tình trạng này xảy ra thì vai trò của bến xe sẽ không còn nữa. “Những doanh nghiệp lớn chắc chắn không đơn vị nào muốn làm trái quy định của nhà nước. Thế nhưng nếu cứ thế này mãi, chắc chắn sẽ có doanh nghiệp bỏ bến đi chạy xe hợp đồng để giải quyết nhu cầu tồn tại. Thực tế đã có không ít nhà xe “độn” thêm vài đầu xe hợp đồng lên tuyến của mình” - ông Hải cho hay.

Cần các ban ngành vào cuộc đồng bộ

Chiều 13.9, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đào Việt Long - Trưởng Phòng quản lý Vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) thừa nhận, tình trạng xe khách trá hình xe hợp đồng đang thực sự khiến các ngành chức năng đau đầu. Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp thu ý kiến của các sở GTVT, các hiệp hội, các doanh nghiệp để tham mưu cho chính phủ để sửa đổi Nghị định 86 của Chính phủ cho phù hợp với thực tế. Trong đó, có nội dung bàn thảo rất nhiều về phương pháp để hạn chế được xe khách trá hình, nội dung này đang được Bộ Giao thông tiếp thu.

Ở khía cạnh địa phương, ông Long cho biết, trước mắt, Sở GTVT Hà Nội đang có chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm, kiên quyết ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với xe khách trá hình.

NHÓM PV BẠN ĐỌC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-thong/xe-du-doi-lot-xe-hop-dong-bat-luc-nhieu-nha-xe-muon-bo-ben-chay-hop-dong-564902.ldo