Xe 'dù' đội lốt xe hợp đồng 'đại náo' thủ đô

Theo thống kê từ Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), hiện trên cả nước có khoảng 35.000 xe ôtô được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch. Do điều kiện kinh doanh tương đối đơn giản, chi phí hoạt động thấp, nên thời gian vừa qua, loại hình vận tải này nở rộ như nấm sau mưa. Nhiều xe trong vỏ bọc xe hợp đồng nhưng ngang nhiên đón trả khách như xe chạy tuyến cố định. Nổi bật nhất phải kể đến loại xe Limousine 9 chỗ ngồi.

Những chiếc xe Limousine của nhà xe Phúc Xuyên (Quảng Ninh) đang chờ đến giờ để bắt đầu hành trình “vợt” khách.

Về quê nhưng ký giấy đi… du lịch
Sáng 15.9, trong vai một hành khách có nhu cầu đi Thái Nguyên, PV Báo Lao Động đã tận thấy sự nhộn nhịp tại trụ sở của nhà xe Hà Lan trên đường Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Cứ mỗi 30 phút, lại có một xe Limousine 9 chỗ ngồi (là loại xe cải biến từ dòng Ford “cá mập” 16 chỗ) lăn bánh rời trụ sở, bắt đầu hành trình lòng vòng “vợt” khách tại các địa chỉ đã quy định trước.
Qua trò chuyện với hành khách trên xe được biết, tất cả số người này đều đang trên đường về quê. Thế nhưng thay vì ra bến mua vé tuyến cố định, họ đến các điểm gần nhất theo thông báo từ trước của nhà xe để chờ đợi. Cái lợi của của cách đi này, theo giải thích, là nhanh hơn, thuận lợi hơn, chấp nhận giá vé khá cao là 120.000 đồng/người/lượt, đắt gấp đôi giá niêm yết tại Bến xe Mỹ Đình. “Chỉ việc nhấc máy gọi, sẽ có người hướng dẫn mình nơi gần nhất để đón xe, ở trong phố họ vẫn vào đón được”, chị Hiền - một hành khách vui vẻ cho biết.
Khi đã yên vị trên ghế, nhân viên của xe khách Hà Lan lần lượt đi đến từng người vừa thu tiền vừa đưa cho chúng tôi một bản hợp đồng và chỉ chỗ cho ký. Khi được hỏi, thì giải thích: “Anh cứ ký vào hộ em với, cái này quy định của công ty”.
Trong văn bản mà nhân viên này đưa ra, ngoài việc thể hiện chúng tôi là khách du lịch thuê xe để đưa lên Thái Nguyên (phần tên hành khách để trống, các nội dung khác đã in sẵn), còn có cả những địa điểm đón trả khách cố định như: 82 Nguyễn Chánh, Bảo tàng Dân tộc học, chung cư Vườn Đào, sân bay Nội Bài…. Địa điểm trả khách tại Thái Nguyên là siêu thị Thanh niên, khách sạn Đông Á 1, khách sạn Thái Nguyên, siêu thị Media Mart và Công ty Hà Lan.
Đem thắc mắc này liên hệ đến Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi được biết, Công ty CP và TM du lịch Hà Lan nộp hồ sơ xin cấp giấy phép và phù hiệu xe hợp đồng cho các xe khách từ tháng 11.2015. Điều đó có nghĩa, công ty này không có chức năng chở khách theo tuyến cố định.
Tương tự, khi chúng tôi muốn đi tuyến Hà Nội - Quảng Ninh thì được giới thiệu đến trụ sở nhà xe Phúc Xuyên ở địa chỉ C5 195 Trung Kính (Cầu Giấy - Hà Nội). Nhân viên nhà xe cho biết cứ 3 tiếng thì có một xe Limousine 9 chỗ đến đón khách. Giá vé là 220.000 đồng/lượt. Hành khách có thể chọn các điểm đón xe tại văn phòng công ty, cổng sau siêu thị Bic C Thăng Long hoặc ngã tư Khuất Duy Tiến.
Tiếp tục tìm hiểu, PV cũng bắt gặp rất nhiều hãng xe nhận chở khách theo dạng hợp đồng đi các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương... Tại các điểm quanh siêu thị Bic C Thăng Long, tuyến đường Phạm Hùng, công viên Thủ Lệ… cũng tấp nập những chiếc xe Limousine 9 chỗ hoặc Ford Transit ngang nhiên hoạt động, vô tư đón trả khách. Đáng nói là trên các xe này đều trưng biển xe hợp đồng, xe chở khách du lịch, chuyển phát nhanh... Nhiều nhà xe thậm chí còn đón trả ngay trong phố cổ như xe Camel Travel, Queen Cafe, Hưng Thành…
Phương thức hoạt động của xe “dù” chủ yếu là núp bóng “xe hợp đồng”, đỗ tại nhà riêng, các điểm du lịch, bãi xe. Khi có khách, các phương tiện chạy vòng vo trong thành phố đón trả khách theo yêu cầu thông qua việc cung cấp danh thiếp và số điện thoại tổng đài. Các loại xe này ngang nhiên đón trả khách tùy tiện trên đường phố gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị…
Hàng tỉ tiền thuế bị “bốc hơi”
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Quốc Uy - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay: “Những chiếc xe đón trả khách bên ngoài như báo phản ánh thực chất là xe “dù” vì họ không đăng ký chạy tuyến cố định tại bến. Do họ hoạt động bên ngoài nên chúng tôi không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Chức năng này thuộc về lực lượng thanh tra giao thông”.
Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Cty vận tải Minh Thành Phát (Hà Nội) cho hay: “Việc các nhà xe chạy tuyến cố định, đón trả khách dọc đường nhưng “núp bóng” xe du lịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà xe chạy tuyến cố định”.
Theo lý giải của ông Bằng, xe của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách phải chịu các khoản thuế và phí như: Bến bãi, lộ trình đường tuyến, VAT 10% giá vé… trong khi đó những chiếc xe kiểu Limousine vẫn chở khách như tuyến cố định mà không phải đóng. “Đây là một hình thức trốn thuế và cạnh tranh không lành mạnh của loại xe dù này với các doanh nghiệp vận tải khác”, vị giám đốc nhấn mạnh.
Chiêu trò của họ thể hiện rất rõ bằng việc thành lập hoặc kết hợp với một công ty dịch vụ du lịch để xin giấy phép hoạt động vận tải theo hợp đồng. Sau khi đón khách tại văn phòng hoặc một số bến bãi tự phát, nhân viên nhà xe sẽ lập danh sách và nhờ một hành khách ký trước hợp đồng để ứng phó với lực lượng tuần tra, kiểm soát. Bằng cách làm này, họ đã trốn được nhiều khoản thuế như: Thuế doanh nghiệp, VAT, phí ra vào bến…

Nhận diện gã khổng lồ xe “dù”
Cũng trong quá trình tìm tư liệu cho bài viết này, PV Báo Lao Động đã tiếp cận với một “gã khổng lồ” vận tải nhưng thực chất là hoạt động xe “dù”, đó là Công ty CP vận tải du lịch Hưng Long, một thương hiệu rất nổi tiếng trong giới vận tải hành khách từ Hà Nội về các tỉnh miền Trung. Theo đó, tháng 8.2012, Hưng Long được Sở GTVT TP. Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô theo hợp đồng số 238. Tiếp đó, công ty này xin Phòng CSGT TP. Hà Nội cấp giấy phép “đưa đón học sinh Trường Đoàn Thị Điểm” để đi vào các tuyến phố cấm xe khách. Với những bùa hộ mệnh trên, 13 chiếc xe giường nằm của Cty Hưng Long vẫn ngày ngày ngang nhiên đón trả khách tại các con phố đông đúc trung tâm Hà Nội.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/xe-du-doi-lot-xe-hop-dong-dai-nao-thu-do-593043.bld