Xe tải và ôtô - vũ khí tấn công đáng sợ của khủng bố

Các loại phương tiện giao thông phổ biến này từ lâu đã được các nhóm khủng bố sử dụng làm vũ khí tấn công trực diện.

Trong khi các cơ quan chức năng còn đang xác minh tính chất của vụ tấn công tại khu chợ Giáng sinh ở Đức mới đây là tai nạn hay khủng bố, dư luận chú ý đến việc sử dụng xe trong các cuộc tấn công khủng bố.

Julian Reichelt, tổng biên tập tờ báo Bild tại Đức, nói với CNN rằng vụ việc xảy ra như một kịch bản “chuyển thể của vụ tấn công ở Nice”. Khủng bố ở Nice được coi là một trong những sự kiện ám ảnh nhất của Pháp trong năm qua.

Tối 14/7, một chiếc xe tải lao trực diện vào đám đông đang xem pháo hoa trong ngày Quốc khánh Pháp tại thành phố Nice làm hơn 80 người thiệt mạng và 400 người khác bị thương.

Đường đi của chiếc xe tải dùng làm vũ khí tấn công vào khu chợ Giáng sinh đông đúc ở Đức. Đồ họa: Daily Mail

Khủng bố ở châu Âu

Vụ khủng bố đẫm máu ở Nice xảy ra vài giờ sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố không gia hạn tình trạng khẩn cấp được thiết lập sau chuỗi vụ khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris từ tháng 11/2015 đến ngày 26/7. Tuy nhiên, sau khi khẳng định vụ tấn công ở Nice là một vụ khủng bố, ông đã kéo dài tình trạng khẩn cấp ở Pháp thêm 3 tháng.

Chỉ riêng nước Pháp đã hứng chịu ít nhất 4 vụ tấn công của các chiến binh Hồi giáo được cho là dùng xe như một vũ khí. Theo chuyên gia phân tích an ninh quốc gia Peter Bergen, các nhóm khủng bố đã sử dụng Internet để khuyến khích những phần tử ủng hộ ở phương Tây sử dụng phương tiện giao thông để tấn công.

Trong bài báo có tựa đề “Cỗ máy gặt cuối cùng” (ám chỉ việc thảm sát nhiều dân thường), nhóm khủng bố nằm trong mạng lưới Al Qaeda ở Yemen đã kêu gọi các tân binh phương Tây sử dụng xe tải như máy cắt cỏ, nhưng không phải để cắt cỏ mà để "diệt bớt kẻ thù của thánh Allah".

Chiếc xe tải gây ra thương vong lớn tại khu chợ Giáng sinh ở Berlin ngày 19/12. Theo Reuters, nếu được xác nhận là hành vi khủng bố, đây có thể được coi là một trong số những vụ tấn công đẫm máu nhất tại Đức trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Reuters.

Vào tháng 9/2014, người phát ngôn của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng khuyến khích các cuộc tấn công bằng xe tải. “Hãy đè lên người chúng bằng chiếc xe của anh".

Một tháng sau, vào ngày 20/10, Martin Rouleau Couture, một công dân Canada từng có ý định đến Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập lực lượng IS ở Syria nhưng không thành, đã dùng xe tông vào 2 binh sĩ Canada tại một bãi đậu xe ở trung tâm mua sắm. Vụ việc khiến một binh sĩ thiệt mạng, người còn lại bị thương nặng. Couture sau đó bị cảnh sát bắn chết.

Cũng trong năm 2014, Pháp chứng kiến hai vụ tấn công bằng ôtô tại thành phố Nantes và Dijion, dù động cơ của chúng vẫn chưa được làm rõ. Một tên trong số đó từng hét “Allah Akbar”(ca ngợi Chúa Trời). Theo BBC, những kẻ tấn công có tiền sử bệnh tâm thần.

Xe tải trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Nice. Nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết chiếc xe tải lao thẳng vào đám đông, cố nghiền nát mọi người trước khi một người đàn ông xuống xe và nã đạn vào đám đông. Ảnh: Reuters.

Những 'con sói đơn độc' ở Mỹ

Chiến thuật dùng xe làm vũ khí tấn công từng được sử dụng ở Mỹ. Năm 2006, một người Mỹ gốc Iran đã lái một chiếc SUV đâm vào đám đông sinh viên của Đại học North Carolina tại Chapel Hill, bang North Carolina.

Tên này nói chính phủ Mỹ “giết người trên biển” và hành động của hắn là để trả thù đồng thời tỏ ý "biết ơn cơ hội lan truyền ý nguyện của thánh Allah”. Vụ tấn công khiến 9 người bị thương.

Báo cáo vào tháng 12/2010 của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cảnh báo rằng xe là phương tiện có thể được “sử dụng nhằm vào những địa điểm tập trung đông người như các sự kiện thể thao, khu giải trí hoặc trung tâm mua sắm” ở nước này.

Báo cáo cũng nhấn mạnh những kẻ tấn công chọn xe vì khả năng sử dụng các vật liệu nổ hay các vũ khí khác của chúng còn hạn chế và yêu cầu phải có kinh nghiệm sử dụng trước đó.

Hầu hết các vụ tấn công bằng xe trước vụ khủng bố ở Nice hồi tháng 7 đều diễn ra với quy mô tương đối nhỏ, ít thương vong. Sử dụng xe được coi là phương thức cuối cùng khi các nhóm khủng bố không thể sử dụng các vũ khí sát thương mạnh khác.

“Đây rõ ràng là một chiến thuật gây nguy hiểm gần bằng đánh bom”, nhà nghiên cứu chống khủng bố của Quỹ Bảo vệ Dân chủ ở Washington Daveed Gartenstein-Ross cho hay.

Mai Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/xe-tai-va-oto-vu-khi-tan-cong-dang-so-cua-khung-bo-post707211.html