Xem lại việc giải quyết chế độ cho một nữ chiến sĩ tình báo-biệt động

QĐND - Tôi được gặp bà vào đúng dịp lễ mừng Chiến thắng 30-4 vừa qua. Ở tuổi 80, bà có dáng người mảnh mai, gương mặt phúc hậu và quý phái. Bà chính là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết tư liệu “Quận chúa biệt động” của nhà văn Đặng Vương Hưng mà trước đây tôi đã được đọc.

Chiến sĩ tình báo-biệt động gan dạ, dũng cảm

Theo Chứng minh thư do Công an tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 19-11-2008 (cấp lại do hết hạn), bà mang tên là Đặng Hoàng Ánh, sinh năm 1940. Nói như vậy là vì trong quá trình hoạt động cách mạng cũng như ở đơn vị tình báo 1752, bà mang rất nhiều tên khác nhau: Nguyễn Ngọc Diệp, Nguyễn Phúc Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Thu Hồng, H12, Thu Nga, Hoàng Nga, Út Lệ, Út Đẹt, Út Diệp, LeNa Phạm và Phạm Thị Na. Theo bà kể, ở đơn vị 1752, bà được công tác cùng nữ tình báo Đinh Thị Vân (H15), Hoàng Thị Cát (Sáu Hiền), Sáu Hà, Năm Đen dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bạch Ngọc Phách (tức Nguyễn Văn Ninh, Ba Thu) và đồng chí Phạm Văn Xô (tức T4-Trần Văn Đạt).

Bà Đặng Hoàng Ánh.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Vịnh (tức Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), đơn vị 1752 được giao nhiệm vụ tổ chức đánh vào Đại sứ quán Mỹ tại góc đường Mạc Đĩnh Chi và đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) nối liền vách với Tổng nha Cảnh sát quận Nhất. Sau một thời gian điều tra, nghiên cứu và lên kế hoạch, phương án chiến đấu và được cấp trên đồng ý, các chiến sĩ tình báo-biệt động gồm Đinh Thị Vân (H15), Hoàng Thị Cát (Sáu Hiền), Sáu Hà, Năm Đen, Ba Thu và Nguyễn Thị Thu Hồng (tức Đặng Hoàng Ánh), đã tổ chức trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ. Trận đánh xảy ra vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 29-5-1965. Với vỏ bọc là ca sĩ Hoàng Nga, người quen của Cố vấn Mỹ C.Taylor vào hát cho các sĩ quan và nhân viên sứ quán, bà thực hiện việc đặt mìn hẹn giờ do Năm Đen đem đến. Kể từ năm 1963 đến thời điểm này, Đại sứ quán Mỹ đã bị đánh tới 6 lần, nhưng có lẽ lần này là thành công nhất. Tòa Đại sứ Mỹ và Tổng nha Cảnh sát quận Nhất bị sập hoàn toàn, hàng trăm lính Mỹ-ngụy bị thương vong. Ngày 28-9-1969, bà được giao nhiệm vụ đánh cảm tử rạp chiếu bóng Ngọc Lan (Đà Lạt) trong buổi chiếu phim chiêu đãi sĩ quan trường võ bị Đà Lạt và một số sĩ quan Mỹ. Do đánh bom cảm tử nên bà phải gửi lại toàn bộ giấy tờ tùy thân và đồ dùng cá nhân cho đồng chí Lê Văn Phận (tức Ba Du) lúc đó là trưởng đơn vị. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà may mắn thoát chết về gặp lại đồng chí Ba Du để xin lại giấy tờ. Do nhỏ nhen ích kỷ cá nhân nên Ba Du đã không những không trả lại bà mà còn nói đã nộp lên trên. Sau này, Khu ủy khu 6 kiểm điểm, Ba Du hứa sẽ trả lại, nhưng rồi sự việc vẫn chìm vào quên lãng.

Tháng 9-1969, đoàn 1752 được cử đến Khe Sanh và Đắc Tô để nghiên cứu việc Mỹ đổ quân xuống đây. Khi bám sát quân Mỹ đến Sa-va-na-khet (Lào) thì đoàn 1752 bị chúng bao vây, mất liên lạc với Trung ương Cục nên tổ chức đã báo tử về cho các gia đình trong đoàn. Sau 3 năm ở Sa-va-na-khet, đoàn mới bắt liên lạc được với đồng chí Năm Công, Chính ủy Liên khu 5 (đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch HĐNN sau này). Sau đó không lâu, bà bị địch bắt giam tại Đà Lạt, cùng ở tù với Trần Văn Thành và Nguyễn Thị Dương. Hơn 3 tháng bị giam cầm, bà được cơ sở của ta là Trần Văn Phước (tức C16) giải cứu. Ra tù, bà hoạt động tại Đà Lạt cho tới ngày 29-4-1975 thì về Sài Gòn và được chứng kiến những giờ phút lịch sử của dân tộc.

Bà và Đoàn dũng sĩ miền Nam chụp ảnh với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1966 (trong ảnh, bà Ánh được Bác cho đứng trước). Ảnh do nhân vật Ánh cung cấp.

Trong cuộc đời hoạt động của bà có một kỷ niệm không thể nào quên, đó là đầu năm 1966 bà cùng một số chiến sĩ thi đua được Trung ương Cục miền Nam cho ra Bắc gặp Bác Hồ. Ngày 1-6-1966, Bà cùng các đồng chí khác như Út Tịch, Lê Chí Nguyện, Trần Dưỡng, Phạm Tất Liêm, Huỳnh Văn Đảnh, Tạ Thị Kiều, chú Hai Khơ-me… được gặp và báo công với Bác. Mọi người được chụp ảnh và cùng ăn cơm với Bác - cùng chụp ảnh với Bác và anh chị em trong đoàn còn có Phó chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng, Nhà thơ Tố Hữu… (hiện nay bức ảnh được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh số KKQĐ 743, 744Q6). Hồi ấy bà lấy tên là Nguyễn Thị Thu Hồng.

Chưa có sự tri ân thỏa đáng

Mấy năm qua, bà đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để yêu cầu: Một là, được khôi phục Đảng tịch (bà kết nạp Đảng ngày 19-4-1954 và chính thức ngày 19-4-1955 tại Trung ương Cục miền Nam); hai là xem xét lại việc bà đã được trên đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân sau trận đánh vào tòa Đại sứ quán Mỹ (lúc đó xác định là hy sinh). Theo bà, năm 2001 bà được mời dự lễ phong tặng danh hiệu anh hùng nhưng trong buổi đó bà chỉ được nhận Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày mà thôi (Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 18-10-2000 do Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng - nay là Thủ tướng ký). Rất tiếc, việc xác minh lại cho bà không ít cơ quan có trách nhiệm chưa nhiệt tình vào cuộc.

Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng và Quyết định của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh về cấp và thu hồi chế độ trợ cấp như thương binh hạng 2/4.

Chẳng hạn, một cơ quan đã trả lời bà: “…Sau khi kiểm tra hồ sơ lưu trữ và danh sách cán bộ hoạt động qua các thời kỳ kháng chiến; qua gặp gỡ các đồng chí cán bộ lão thành của ngành đã từng hoạt động thuộc các địa bàn có liên quan, đều khẳng định không có cán bộ, nhân viên nào có tên Đặng Hoàng Ánh và các bí danh bà đã nêu…”. Cứ cho việc trả lời trên là xác đáng, thế nhưng, chẳng lẽ tấm ảnh bà và những người (bà đã nêu tên) được chụp với Bác Hồ không nói lên điều gì sao? Về tấm ảnh bà có, theo bà, trong một lần vào công tác ở Lâm Đồng, chính cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng đã tận tay đưa tặng bà, vì hồi đó, mọi người không có tấm ảnh quý giá này. Một chi tiết nữa là bà đã tìm và gặp được ông Bạch Ngọc Phách - người có trong tấm ảnh cùng được chụp với Bác Hồ (đứng thứ 4, từ phải qua trái). Hiện nay ông Bạch Ngọc Phách đã 85 tuổi và đang bị một căn bệnh hiểm nghèo, tuy gần 40 năm xa nhau, nhưng ông Phách và bà vẫn nhận được nhau trong nước mắt.

Một cơ quan nữa, sau khi nhận đơn của bà, đã gửi công văn cho Bộ Quốc phòng và cá nhân bà, vẫn đề “gửi ông Đặng Hoàng Ánh” (chứ không phải bà Đặng Hoàng Ánh?). Thực ra cái tên Đặng Hoàng Ánh bà lấy từ năm 1982 sau khi gặp đồng chí Hoàng Đức Nhã (tức Hai Long, tức Vũ Ngọc Nhạ). Đồng chí Hoàng Đức Nhã khuyên bà hãy thay đổi họ tên, hạn chế tiếp xúc với mọi người và tạm lánh xa một thời gian. Cũng năm 1982 bà gặp cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng (anh Hai Thiện) - người được bố đẻ bà cứu khỏi tù đày khi hoạt động cách mạng trước đây và luôn coi bà như em gái - can thiệp, bà mới làm được Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu và chế độ mua gạo bằng tem phiếu thời đó.

Theo Quyết định số 90/QĐ ngày 28-8-1989 của UBND tỉnh Lâm Đồng do Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Xuân Ái ký, bà được hưởng chế độ Trợ cấp thương tật và cấp sổ như thương binh bậc 2/4 từ ngày 1-4-1984. Từ đó đến nay, bà vẫn lĩnh bình thường. Không hiểu vì sao ngày 10-10-2011, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng lại ra Quyết định số 78/LĐTBXH-QĐ do bà Đoàn Thị Ngọc Ân, Phó giám đốc sở ký, quyết định ghi rõ: “Cắt và thu hồi trợ cấp ưu đãi người hưởng chính sách như thương binh đối với bà Đặng Hoàng Ánh” và “Thời gian thu hồi trợ cấp từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 10 năm 2011… thu hồi số tiền 140.375.175 đồng”. Lý do cắt và thu hồi “thủ tục hồ sơ xác lập không đúng quy định”. Bà buồn rầu cho biết: “Trước đây tôi kê khai làm các thủ tục để xét do hướng dẫn của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng hẳn hoi, bây giờ lại bảo “thủ tục hồ sơ xác lập không đúng quy định” thì tôi cũng không rõ là không đúng ở điểm gì?”. Phải chăng, theo bà, vì đã “cả gan” làm đơn kiến nghị trên xem xét về hai trường hợp nhận chính sách chất độc da cam/đi-ô-xin không đúng đối tượng ở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh? Bà cứ băn khoăn, một Phó giám đốc sở ra quyết định phủ nhận quyết định của UBND tỉnh liệu có đúng không? Việc làm trên của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã được xem xét kỹ chưa?

Từ một “quận chúa” “lá ngọc cành vàng”, xuất thân trong một hoàng tộc triều Nguyễn, một thiếu nữ xinh đẹp trở thành một bác sĩ tài hoa được đào tạo tại Pháp, bà đã trở thành một chiến sĩ tình báo-biệt động gan dạ, dũng cảm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Vậy mà đến nay, bà chưa có được sự tri ân thỏa đáng, không được một phần thưởng cao quý nào khác ngoài một Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba và Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày. Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm xác minh, giải quyết một cách tích cực để những năm tháng cuối đời của người nữ chiến sĩ biệt động được bù đắp phần nào.

Bài và ảnh: Lê Quý Hoàng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/11/11/11/193452/Default.aspx