Xem xét áp trần nếu giá sữa tiếp tục tăng

(Toquoc)- Bộ Tài chính không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để công bố các biện pháp bình ổn giá.

(Toquoc)- Bộ Tài chính không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để công bố các biện pháp bình ổn giá.

Cuộc họp giữa liên bộ Tài chính- Công Thương “nội soi” về giá sữa diễn ra ngày 4/3 nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí và dư luận.

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định,việc quản lý giá sữa từ trước tới nay Bộ Tài chính làm rất nghiêm túc và quyết liệt, từ lúc còn căn cứ vào Pháp lệnh giá (2003) và nay là Luật giá.

Trước thông tin báo chí, dư luận và chỉ đạo Thủ tướng, Bộ đã chủ trì phối hợp Bộ Công Thương và thống nhất lập năm đoàn thanh tra năm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn. Trong đó, tập trung làm rõ việc tuân thủ văn bản pháp luật về giá. Nếu xác định vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định pháp luật, ông Tuấn cho biết.

Năm doanh nghiệp kiến nghị thanh tra, kiểm tra gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestle Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Frieslandcampina Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn dinh dưỡng 3A.

Quyết định thành lập các đoàn thanh tra đã có và việc kiểm tra sẽ được thực hiện ngay trong tuần này. nếu phát hiện vi phạm sẽ công khai và xử lý, ông Tuấn khẳng định.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương thu thập số liệu liên quan để điều tra các hành vi liên quan tới dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh, nếu có, của các doanh nghiệp sữa. Nếu cần thiết, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sẽ cùng vào cuộc về vấn đề này.

Bộ Tài chính không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để công bố các biện pháp bình ổn giá.

Liên quan đến câu hỏi một số doanh nghiệp đã kê khai giá với Bộ Tài chính và bị từ chối cho phép tăng giá nhưng các đơn vị này vẫn điều chỉnh giá, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin: “Việc kê khai giá với cơ quan quản lý thì các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện theo luật khi muốn điều chỉnh giá bán các mặt hàng. Tuy nhiên, vừa qua trong quá trình tiếp nhận kê khai của doanh nghiệp, cơ quan quản lý thấy một số yếu tố đầu vào chưa rõ nên đề nghị doanh nghiệp giải trình thêm”.

“Có thông tin rằng trong quá trình giải trình trên doanh nghiệp vẫn tự ý tăng giá, điều này cần xác minh của cơ quan thanh tra để xác định có vi phạm thực tế hay không”, ông Tuấn thận trọng.

Trước đó, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, nhà phân phối sữa bột Nan đã thực hiện kê khai giá sữa theo quy định. Tuy nhiên, sau khi nhận được mức giá điều chỉnh của DN, Cục Quản lý giá đã có công văn yêu cầu DN này giải trình lý do tăng giá. Cục Quản lý giá cho rằng nguyên nhân điều chỉnh tăng giá sữa do lạm phát tăng, chi phí nhân công, chi phí vận chuyển và giá nhập khẩu mà DN đưa ra là chưa thỏa đáng. Cục Quản lý giá cũng đề nghị Nestle tiếp tục rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá theo Quy chế tính giá do Bộ Tài chính ban hành, thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm trong sản xuất, lưu thông và không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi….

Tuy nhiên, khi chưa giải trình, bổ sung đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo yêu cầu của Cục Quản lý giá, công ty Nestle đã tăng giá sữa từ ngày 31/1.

“Việc quản lý vẫn bám theo văn bản cao nhất là Luật giá. Chúng tôi cũng đề nghị phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của Luật. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và chỉ điều tiết khi cần thiết. Nếu như các doanh nghiệp vi phạm luật sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định”, Cục trưởng Tuấn khẳng định.

Cùng với việc phối hợp chặt với Bộ Công Thương để tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định về giá với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa, Bộ Tài chính không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để công bố các biện pháp bình ổn giá.

Trong Luật giá có quy định về 7 biện pháp bình ổn giá khi cần thiết. Biện pháp mà Bộ này tính tới là việc áp dụng giá trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trước đó một ngày, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng cho biết, mặc dù có nhiều doanh nghiệp vẫn tăng giá sữa trong thời gian gần đây, tuy nhiên, Cục Quản lý cạnh tranh chưa thể có kết luận khẳng định các doanh nghiệp sữa bắt tay làm giá./.

Điều 17 Luật giá quy định Áp dụng có thời hạn một hoặc một số biện pháp sau để thực hiện bình ổn giá:

1. Điều hòa cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông;

2. Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật;

3. Trong trường hợp cần thiết, lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nhằm mục tiêu hỗ trợ cho bình ổn giá; sử dụng quỹ bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ đó biến động bất thường hoặc tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống.

4. Đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chỉ thực hiện đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá;

5. Kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có;

6. Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế;

7. Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ theo các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp quy định tại Luật này.

T.Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/122054/xem-xet-ap-tran-neu-gia-sua-tiep-tuc-tang-.aspx