Xem xét cưỡng chế các hộ trây ì GPMB đường vành đai Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ngành chức năng, địa phương rà soát, cưỡng chế các hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng dự án đường vành đai TP Đà Lạt dù đã áp dụng đầy đủ các cơ chế chính sách theo quy định.

Chậm tiến độ do vướng GPMB

Công trình đường vành đai TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là dự án quan trọng của tỉnh nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị Đà Lạt theo tiêu chí của đô thị loại 1. Dự án dài hơn 7,4km với tổng vốn đầu tư 870 tỷ đồng được khởi công từ tháng 7/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023.

Tuy nhiên, dù đã gia hạn hoàn thiện đến cuối năm 2024 nhưng dự án đang đối mặt nguy cơ trễ hẹn do vướng mắc mặt bằng dai dẳng.

Toàn tuyến vẫn còn lại 28 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với số tiền hơn 41 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đường vành đai đi qua các phường 3, 4, 5, TP Đà Lạt, đến nay hầu hết đều trong cảnh ngổn ngang.

Ngoài đoạn An Sơn thi công cơ bản đảm bảo tiến độ suốt đoạn tuyến 1,8km, các đoạn tuyến còn lại nhà thầu triển khai cầm chừng do mặt bằng "xôi đỗ".

Đáng kể, đoạn đường từ Trúc Lâm Yên Tử nối dài do Công ty CP xây dựng và tư vấn đầu tư 18 triển khai vẫn còn 0,3km chưa được giao mặt bằng.

Tương tự, đoạn đường An Sơn - Y Dinh - An Tôn mới chỉ bàn giao được 2,5/3km. Đến nay, nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp 263 và Công ty TNHH Nam Phan mới chỉ thi công đạt trên dưới 45% giá trị hợp đồng.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thái Bình, Giám đốc Ban quản lý bảo trì đường bộ (Sở GTVT) Lâm Đồng cho biết, dự án mới được bàn giao mặt bằng hơn 6,5km, các vướng mắc còn lại dạng "xôi đỗ" nên công địa thi công không liên tục. Toàn tuyến đạt tiến độ 62%.

Theo ông Bình, còn khoảng 1 tháng nữa đến mùa mưa trên Đà Lạt, nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng thì khó có thể hoàn thành dự án này vào cuối năm 2024 theo quyết định điều chỉnh của UBND tỉnh.

Cần thiết thuê nhà cho dân ở để nhanh chóng có mặt bằng sạch

Theo Sở GTVT Lâm Đồng, dự án có hơn 150 hộ, 7 tổ chức và 1 cơ sở Tôn giáo phải GPMB với số tiền trên 381 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đã chi trả số tiền hơn 340 tỷ đồng cho 127 hộ gia đình (có 125 hộ đã bàn giao mặt bằng, 2 hộ chưa bàn giao mặt bằng), 7 tổ chức và 1 cơ sở tôn giáo.

Còn lại 28 hộ chưa nhận tiền với số tiền là hơn 41 tỷ đồng. Nguyên nhân cơ bản do người dân chưa đồng thuận với quyết định giải phóng mặt bằng, chưa được bố trí đất tái định cư…

Nhiều hộ không chịu giải tỏa nhà cửa và các công trình kiến trúc khác để bàn giao mặt bằng nên việc tổ chức thi công gặp khó khăn, ách tắc. Hậu quả, nhiều đoạn đường thi công dang dở, vật liệu chất ngổn ngang, nhiều hạng mục chậm tiến độ.

Vướng mặt bằng nên thi công chỗ được chỗ không, dẫn đến chậm tiến độ.

Chiều 28/3, tại cuộc họp của tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo chính quyền TP Đà Lạt, phối hợp với các ban ngành liên quan, nhanh chóng tìm giải pháp tốt nhất, tập trung giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành dự án trong năm 2024.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, các trường hợp đủ điều kiện cưỡng chế phải nhanh chóng làm các thủ tục liên quan, tổ chức tiến hành cưỡng chế. Số hộ dân vướng mắc còn lại, phải chia từng nhóm đối tượng để nhanh chóng giải quyết vướng mắc.

Những trường hợp đủ điều kiện tái định cư, phải nhanh chóng tổ chức tái định cư. Những hộ gia đình chưa đủ điều kiện tái định cư, chính quyền hỗ trợ tiền thuê nhà cho dân, cho đến khi tái định cư ổn định chỗ ở cho người dân.

Tâm Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xem-xet-cuong-che-cac-ho-tray-i-gpmb-duong-vanh-dai-da-lat-192240328132302877.htm