Xem xét, thảo luận các vấn đề trong dự án Luật về hội

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật về hội.

Thu về một đầu mối để quản lý hoạt động...
Hội nghị ĐBQH chuyên trách khóa XIV: Thảo luận 2...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

Dự án Luật về hội được xây dựng gồm 7 chương với 43 điều, quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội; quyền lập hội; chính sách của Nhà nước đối với hội; các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội; các hành vi bị nghiêm cấm; hội viên và phân loại hội viên; ban lãnh đạo hội; quyền của hội; nghĩa vụ của hội; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, liên hiệp và giải thể hội; quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội; trách nhiệm quản lý Nhà nước về hội...

Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật về hội.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ (cơ quan soạn thảo dự án Luật) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được thực hiện dựa trên các nguyên tắc: Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng về tổ chức và hoạt động của hội; bảo đảm tính thống nhất với Hiến pháp (năm 2013) và các luật đã được Quốc hội ban hành; không vượt quá phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình và Quốc hội (khóa XIII) đã thảo luận.

Trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan đã tổ chức nhiều buổi làm việc, tham dự các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn góp ý về dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trực tiếp chủ trì hai cuộc họp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, lãnh đạo Bộ Nội vụ cùng đại diện nhiều bộ, ngành có liên quan để chỉ đạo các vấn đề nguyên tắc, rà soát, chỉnh lý các chương, điều cụ thể của dự án Luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, kết cấu của dự thảo Luật có sự thay đổi từ 8 chương với 36 điều thành 7 chương với 43 điều.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến dự án Luật, nhất là về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Luật; việc áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú và làm việc hợp pháp tại Việt Nam; chính sách đối với hội; về công nhận người đại diện theo pháp luật của hội...

Các đại biểu: Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị cần tiếp tục làm rõ hơn nữa khái niệm về hội cũng như làm rõ quy định về “hội không đăng ký” và “hội có đăng ký”; công tác quản lý Nhà nước đối với hội; việc áp dụng Luật đối với đối với các tổ chức phi Chính phủ trong nước; chính sách đối với hội nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các hội, tránh cơ chế xin-cho...

Liên quan đến vấn đề về công nhận người đại diện theo pháp luật của hội, theo dự án Luật trình Quốc hội (khóa XIII) thì người đại diện theo pháp luật của hội phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Về vấn đề này, có ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành dự thảo Luật và cho rằng quy định như vậy là nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà Nước về hội, nhưng cần làm rõ tiêu chuẩn của người này với tính chất là người đứng đầu hội khác với các hội viên khác.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và hội không có quan hệ hành chính trực tiếp, quy định như vậy là mâu thuẫn với nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của hội, việc bầu người đại diện theo pháp luật của hội là kết quả ý chí của các hội viên, do đó, việc Nhà nước công nhận người đại diện theo pháp luật của hội làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lãnh đạo, điều hành hội của hội viên.

Đề cập đến vấn đề hoạt động của hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề xuất cần có các quy định liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh niên, tổ chức công đoàn trong hoạt động của hội; vấn đề về công chức tham gia hội; bổ sung các quy định về khen thưởng đối với hội có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội...

Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị cần hết sức quan tâm giảm tính hành chính hóa trong hoạt động của hội, đi liền với đó là tăng cường tính hiệu quả hoạt động hội, nhất là hoạt động liên quan đến các công tác xã hội, từ thiện, giảm nghèo...

Ngoài ra, vấn đề về quyền lập hội, các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội, điều kiện thành lập hội, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, đại hội thành lập hội, quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội... cũng là những vấn đề lớn được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với dự án Luật về hội.

Nguyễn Hoàng

Share on Tumblr

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/xem-xet-thao-luan-cac-van-de-trong-du-an-luat-ve-hoi/286155.vgp