Xếp hạng đại học: Tham khảo và tự 'xét' lại mình?

Vừa qua, nhóm 6 chuyên gia Việt Nam đến từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước vừa công bố bảng xếp hạng cơ sở giáo dục Việt Nam năm học 2016-2017. Trong 49 trường đại học được xếp hạng và cho kết quả khá bất ngờ.

Nhiều trường trẻ đứng ở thứ hạng cao, như Tôn Đức Thắng thứ 2, Duy Tân thứ 9, trong khi nhiều đại học lâu đời, điểm chuẩn đầu vào cao, lại đứng giữa hoặc cuối bảng. Cụ thể, Y Hà Nội xếp thứ 20, Ngoại thương thứ 23, Kinh tế Quốc dân thứ 30, Học viện Tài chính thứ 40, Học viện Ngân hàng ở vị trí 47...

Chưa phản ánh được bức tranh tổng thể

Được biết, tiêu chí để nhóm nghiên cứu xếp hạng bao gồm: Nghiên cứu khoa học (40%), giáo dục và đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%). Trong đó, mỗi thước đo được chia nhỏ thành nhiều tiêu chí cụ thể.

Khi công bố, nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng “Bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo bởi có những tham số không thể định lượng được. Thứ hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục”.

Tuy nhiên, chính vì kết quả bất ngờ này nên nó đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các chuyên gia giáo dục. “Họ” hoài nghi về các dữ liệu, chỉ số và cho rằng bảng xếp hàng không đem lại tiếng nói độc lập, trung thực về bức tranh tổng thể của đại học Việt Nam hiện nay.

PGS.TS Tạ Hải Tùng - Giám đốc Trung tâm Navis, Đại học Bách khoa Hà Nội, bày tỏ lo ngại về chất lượng dữ liệu nhà nghiên cứu sử dụng: “Bách khoa có khoảng 2.300 cán bộ, bao gồm 700 người phục vụ thí nghiệm, trong khi tiêu chí năng suất nghiên cứu (chiếm 10% đánh giá xếp hạng) được tính theo số bài báo ISI trên mỗi giảng viên. Điều này dẫn đến kết quả thiếu hợp lý”.

Hay, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TP HCM khẳng định: “Xếp hạng chủ yếu căn cứ vào hệ thống chỉ số, không phản ánh hết chất lượng toàn diện của một đại học. Bảng xếp hạng vừa qua là kênh tham khảo, bên cạnh nhiều thông tin khác”…

Thế nhưng, chúng ta cần lưu ý một điểm, việc các trường kinh tế thuộc hàng “top” không có thứ hạng cao cũng là chuyện bình thường vì khi áp dụng tiêu chí nghiên cứu khoa học thì mấy trường này có vẻ như chưa làm được gì nhiều.

Nhưng, có khiến các trường phải tự “xét” lại mình?

Trên thế giới nhiều hoạt động nhận xét đánh giá xếp hạng về thứ bậc tín nhiệm hệ thống ngân hàng các quốc gia, các trường Đại học, các bệnh viện... đều do các tổ chức độc lập đánh giá và được chấp nhận. Ưu điểm nổi bật của cách đánh giá độc lập là tính minh bạch khách quan được công chúng tin cậy hơn.

Thực tế bảng xếp hạng về đại học Việt Nam không phải là không có. Trước đây có Webometrics và gần đây có RePEC là hai bảng xếp hạng về Việt Nam nhưng do người nước ngoài làm.

Cá nhân người viết ủng hộ nỗ lực và quyết tâm của nhóm thực hiện bảng xếp hạng. Dù bảng xếp hạng này có nhiều vấn đề cần thảo luận. Bởi vì, công việc quản lý và xây dựng trường Đại học có chất lượng như thế nào là của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn việc đánh giá trường đó có tốt không là việc của thị trường, của các đơn vị độc lập.

Cụ thể, nhóm chuyên gia thực hiện dự án xếp hạng đại học Việt Nam này gồm 6 thành viên: TS. Lưu Quang Hưng, Melbourne, Australia; TS. Nguyễn Ngọc Anh, DEPOCEN, Việt Nam; TS. Giáp Văn Dương, GiapGroup, Việt Nam; TS. Ngô Đức Thế, Đại học Manchester, Anh Quốc; ThS. Trần Thanh Thủy, DEPOCEN, Việt Nam; ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền, Đại học Sư phạm TP HCM, Việt Nam

Bên cạnh đó, có những nhà khoa học tham gia Ban cố vấn và góp ý để hoàn thiện báo cáo là GS. Trần Nam Bình, Đại học New South Wales, Australia; GS. Lê Văn Cường , Đại học Paris 1, Pháp.

Dĩ nhiên, trường hợp đơn vị, tổ chức độc lập làm không thận trọng sẽ mang lại tác dụng ngược như: Làm ảnh hưởng đến uy tín của một số trường, làm “nhiễu thông tin xếp hạng” ảnh hưởng đến những quyết định của các chủ thể căn cứ vào kết quả xếp hạng đó; Thậm chí có chủ thể lợi dụng xếp hạng để trục lợi… Vì thế, các trường có thể sử dụng công cụ pháp lý để tự bảo vệ chính mình.

Thêm một vấn đề được đặt ra: Tính khách quan của bảng xếp hạng? Đây là hoạt động tự nguyện của nhóm nhà khoa học, họ đưa ra một báo cáo tham khảo, chẳng cần dựa vào nguồn tài trợ nào, như thế đã đảm bảo yếu tố khách quan rồi.

Phải nói rằng, việc xếp hạng trường đại học chỉ mang tính tương đối, không thể đòi hỏi sự chính xác 100% được, vì thế không nên tranh cãi nhiều về kết quả xếp hạng này. Dẫu vậy, cần phải có những đánh giá như thế này thì các trường mới có động lực để nâng tầm lên và tiếp cận dần với chuẩn quốc tế.

Khách quan mà nói, mỗi trường có một sứ mệnh của mình theo phân tầng đại học, chẳng hạn có trường theo định hướng nghiên cứu, có trường theo định hướng công nghệ...Nếu các trường cho là không đáng tin cậy thì có thể bỏ qua. Còn, những trường nào mà tiêu chí, định hướng trùng với bảng xếp hạng này thì nên xem xét, tham khảo.

Chính vì vậy, việc xếp hạng đại học tuy không phản ánh hết bức tranh tổng thể của các trường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Nhưng, không nhiều thì ít, sẽ khiến các trường phải tự nhìn nhận lại bản thân của mình?

Theo Sông Hàn/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/xep-hang-dai-hoc-tham-khao-va-tu-xet-lai-minh-226890/