Xét xử Hà Văn Thắm: Luật sư nói về khoản tiền 69 tỷ qua BSC

Sáng nay (15/9), phiên toà xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm trong vụ án kinh tế tại ngân hàng Đại Dương tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của các luật sư.

Trong phiên toà sáng nay, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho Hà Văn Thắm cho rằng, hông thể đánh đồng BSC là OceanBank. Việc mua bán ngoại tệ dưới giá trần không vi phạm quy định của NHNN, không thể là thiệt hại của ngân hàng.

Theo luật sư, với tình trạng chứng cứ trong hồ sơ, diễn biến phiên tòa mà VKS lại đưa ra mức án cao nhất đối với các bị cáo và mức chung thân đối với Hà Văn Thắm là một việc hết sức vội vàng, dấu hiệu oan không thể tránh khỏi.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho Hà Văn Thắm

Luật sư Thiệp dẫn giải, việc ký các hợp đồng dịch vụ của BSC là phù hợp với đăng ký doanh nghiệp, chỉ những khách hàng không đủ điều kiện giao dịch với ngân hàng mới thực hiện qua BSC. Trước khi BSC được thành lập, các khách hàng phải thực hiện qua các doanh nghiệp tương tự.

"Thế nào là sân sau, mối quan hệ pháp lý. BSC có phải là của Oceanbank không? Kết luận 4605 đã đánh đồng BSC và Oceanbank là một. Đây là kết luận đánh đồng về tư cách pháp nhân của BSC", ông Thiệp nói.

Ý kiến của luật sư cho rằng, việc đồng nhất thiệt hại của BSC và OceanBank là không hợp lý. Công ty BSC không hề có mối quan hệ sở hữu tại Oceanbank mà chỉ là đơn vị trung gian vay tiền của OceanBank để cho vay lại đối với các khách hàng không đủ tiêu chuẩn.

Luật sư Thiệp đã đưa ra những lập luận của mình bằng cách chiểu với Trang 28 kết luận giám định phi pháp lý, căn cứ nào buộc NH cho vay bán ngoại tệ với giá trần quy định. Ông cho rằng, giá trần tức là không vượt quá nhưng không có quy định buộc phải cho vay với giá kịch trần mà không cho điều chỉnh ở mức dưới. Điều đó dẫn đến câu hỏi, dựa vào đâu việc cho vay mua bán dưới giá trần tối đa là vi phạm? Quyền tự chủ trong hoạt động DN chưa kể là quyền tự do thương lượng, vậy tính khách quan của cáo buộc với bị cáo có được đảm bảo không?

Cụ thể, việc mua bán dưới giá trần không hề vi phạm quy định của NHNN thì không thể nói đây là thiệt hại của ngân hàng. Thứ hai, đây là hợp đồng dân sự giữa hai bên, trong khi về phía khách hàng cũng không có ai ý kiến về khoản thu phí. Và 253 khách hàng của BSC, không có khách hàng nào kêu thiệt hại và bồi thường.

Trong phiên toà, Luật sư Thiệp muốn xem có khách hàng nào trong nhóm BSC để tham gia thẩm vấn nhưng rất tiếc không ai có mặt bởi họ biết là họ không bị thiệt hại, không cần nhờ cơ quan pháp luật bảo vệ quyền lợi. Theo ông, việc ký kết thỏa thuận của các khách hàng và BSC là tự nguyện.

Tuy nhiên, có 1 công ty thủy sản phát biểu: Công ty cần gấp 1 khoản ngoại tệ nhưng không vay đâu được nhưng nhờ ngân hàng cho vay công ty chấp nhận trả phí cho ngân hàng.

Và, nếu Hà Văn Thắm là chủ công ty và khi có thiệt hại ở BSC thì là thiệt hại cho Hà Văn Thắm chứ không thể đánh đồng được, BSC là BSC mà ngân hàng là ngân hàng.

"Số tiền 69 tỷ quy kết Sơn chiếm đoạt chỉ có hơn 68 tỷ của BSC còn lại hơn 500 triệu là của Thắm như vậy Sơn chiếm 500 triệu của Thắm và số 69 tỷ cũng không chính xác. Đây là số tiền hoạt đông kinh doanh của BSC thông qua các hoạt động của BSC, sau đó BSC còn phải trừ các chi phí khác, lương quản lý điều hành, số tiền còn lại mới thuộc của BSC. Như vậy BSC không đủ 68 tỷ đưa cho Sơn, theo cáo trạng, khi Sơn cần tiền mà BSC chưa có thì sử dụng tiền của Thắm, sau khi BSC có nguồn thu thì hoàn ứng và tuy nhiên phần lớn tiền chi cho Sơn cũng là tiền cá nhân của Thắm, vậy Thắm đồng phạm với Sơn để làm gì, để chiếm đoạt tiền của mình? Điều này không thể xảy ra.

Không đủ căn cứ cơ sở để cáo buộc 2 tội cho Hà Văn Thắm tội Tham ô và lạm dụng chức vụ như cáo trạng đã truy tố. Đề nghị HĐXX thận trọng xem xét để có phán quyết chính xác, thấu tình đạt lý, tránh bị oan cho các bị cáo", luật sư nói.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/xet-xu-ha-van-tham-luat-su-noi-ve-khoan-tien-69-ty-qua-bsc-209201.htm